| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình ngổn ngang sau lũ dữ, nhiều nhà sập không biết lấy gì dựng lại

Thứ Tư 19/10/2016 , 07:40 (GMT+7)

Con đường về vùng nam thị xã Ba Đồn (bao gồm các xã Quảng Lộc, Quảng Hải, Quảng Tân, Quảng Minh, Quảng Trung, Quảng Tiến...) vẫn bì bõm trong bùn nhão. Cái nắng hửng lên vội vàng sau mưa lũ ít nhiều cũng giúp được bà con phơi lúa, áo quần và nhiều vật dụng khác...

Bên con đường nhựa khô cách nhà chừng 1 cây số, anh Nguyễn Văn Thế (xã Quảng Tân) đang cào trở lúa phơi bên vệ đường vừa kể: "Nhà cửa còn bộn bề lắm, giao cho mấy mẹ con chịu trách nhiệm, còn tui lấy xe máy chở mấy bao lúa ra phơi vừa để có cái ăn vừa chống hư hỏng".

16-53-38_nnvn-1
Bà con tranh thủ phơi thóc (Ảnh: V.M)
 

Mưa lũ như dâu bể…

Điều khác biệt của các xã vùng nam thị xã Ba Đồn là nằm kẹp giữa hai nhánh sông Gianh nên thấp trũng. Anh Thế ví von: “Cả vùng đất rộng lớn này đến hẹn lại lên như quy luật khắc nghiệt chưa mưa đã ngập, họ ngập đến sân là mình chạm nóc. Đợt lũ vừa rồi nhà nào cũng ngập 2 - 3m là chuyện bình thường"…

Mấy hôm nay, thôn Cồn Sẻ (xã Quảng Lộc) như khác thường bởi nhiều màu sắc được đưa ra. Trên hàng rào, cọc tre, dây phơi, hay bất cứ thứ gì đó có thể treo lên món đồ là người ta cứ treo để phơi. Tất cả quần áo, chăn màn, ga gối... được đưa ra bày ngổn ngang như trận đồ.

Chị Lê Thị Thu vắt vội mấy bộ quần áo của con lên mạn chiếc thuyền nan cạn trên bờ rồi nói như khoe: "May mà sau lũ có được hai ngày nắng chứ không thì thối hết từ trong nhà thối ra. Bây chừ sang hèn hay nghèo khổ chi cũng bày ra như nhau hết".

Cũng theo chị Thu vùng nam thị xã này năm nào cũng có lũ. Nhẹ thì ngập nhà khoảng ngang lưng quần, nặng thì ngang ngực, ngang vai.

Từ xã Quảng Lộc đi băng qua cánh đồng là đến xã Quảng Tân, ông Phạm Quốc Lành - Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Trận lũ vừa qua, 100% hộ dân đều bị ngập trong lũ. Nhiều gia đình nước ngập gần 3m. Nếu so với đỉnh lũ năm 2010 thì trận lũ năm nay cao hơn 0,3m. Lũ cao và lên nhanh khiến người dân trở tay không kịp. Dù chính quyền và đội phòng chống thiên tai của xã sử dụng thuyền cứu trợ nhưng hơn nửa lương thực dự trữ của bà con bị ướt, bị trôi".

Chính vì vậy mà sau khi lũ rút, những chỗ nào có thể là bà con tận dụng để phơi lúa mong vớt vát được phần nào... Dọc theo con đường liên thôn, liên xã ở Quảng Tân, Quảng Trung và Quảng Tiên, đâu đâu cũng thấy người dân đang trải bạt phơi lúa.
 

Làm sao dựng lại được nhà

Bà con hàng xóm tất tả với việc dọn nhà, phơi áo quần, phơi lúa thì chị Nguyễn Thị Thành (thôn Xuân Canh, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa) chẳng còn lòng dạ nào để tâm đến những chuyện đó. Dành dụm, vay mượn chị làm được căn nhà xây kiên cố, bà con chòm xóm ai cũng mừng. Chị mừng và lo trả nợ, nhưng rồi niềm vui tắt lịm.

16-53-38_nnvn-2
Giúp nhau dựng nhà bị lũ làm sập
 

Chị kể: “Tối đó, thấy nước chảy dữ quá, mà nhà chỉ có 2 mẹ con (con gái học lớp 10) nên tôi phải gọi điện cho bố tôi đến đi nhà tránh lũ. Không ngờ sau đó, ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn. Kéo theo tất cả vật dụng trong nhà bị lũ cuốn trôi sạch. Giờ, tôi cũng không biết phải làm sao nữa".

Cách đó không xa, nhà ông Phan Đình Du (53 tuổi, ở thôn Xuân Canh) dù được bà con sang dọn dẹp giúp nhưng cũng còn ngổn ngang lắm. Ông Du vẫn chưa hết bàng hoàng: "Lúc nước lũ tràn vào nhà, vợ chồng tui đang trú ở trên gác tra. Nhưng do nước lên nhanh và chảy xiết quá, không lâu sau đó ngôi nhà của tôi không thể trụ vững, vợ chồng phải trèo lên cây xoài bên cạnh ngồi kêu cứu. May có hai người bà con chèo thuyền đến đưa sang nhà hàng xóm tránh lũ. Khi nhà sập thì đồ đạc cũng trôi theo lũ hết".

Cả huyện Tuyên Hóa có gần 20 nhà bị sập, bị lũ cuốn hoặc bị mưa lũ kéo xiêu vẹo chờ đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

16-53-38_nnvn-3
Lũ rút đến đâu làm vệ sinh đến đó
 

Gần hai chục hộ dân này đều thuộc diện nghèo nên việc dựng lại ngôi nhà làm nơi tá túc là rất khó khăn. Bà con trong xóm cùng lực lượng của chính quyền đã giúp sức dựng lại được hai mái che tạm trú mưa nắng cho nhà anh Mai Đình Cúc (xã Thuận Hóa), nhưng để làm lại nhà thì khó lắm.

Anh Cúc giọng buồn: "Nếu không có sự giúp đỡ của bà con và mọi người thì tui chắc không thể nào làm lại được ngôi nhà như trước đây".

Không chỉ lúa, áo quần, tất thảy bàn chế, tủ giường cũng đều bị nước lũ đục phù sa quấn cho một lớp nhờn nhợt sẹt. Anh Phan Thanh Hào (xã Quảng Tân) cùng cậu con trai khiêng chiếc tủ ba buồng ra ở góc hiên nhà rồi cha dội nước, con lau chùi. Đánh vật như vậy gần giờ đồng hồ mới tạm xong.

Lau mồ hôi mướt mát, anh Hào cười như mếu: "Hôm qua đến chừ hết gường lại đến tủ, hết tủ lại đến chạn bếp, mệt thở không ra hơi, mệt hơn cả đi cày ruộng. Nhưng may mà còn có để lau chùi. Có nhiều nhà lũ cuốn trôi hết thì cũng cực nhọc hơn".

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm