| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Nỗ lực cứu lúa…

Thứ Ba 15/02/2011 , 11:04 (GMT+7)

Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết toàn tỉnh đã có hơn 10.000 ha lúa đông xuân bị rét đậm rét hại làm ảnh hưởng; trong đó có trên 2.200 ha lúa chết toàn bộ phải gieo lại.

Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết toàn tỉnh đã có hơn 10.000 ha lúa đông xuân bị rét đậm rét hại làm ảnh hưởng; trong đó có trên 2.200 ha lúa chết toàn bộ phải gieo lại.

Trước Tết Nguyên đán Tân Mão, huyện Quảng Ninh đã gieo sạ gần 4.500ha lúa, với bộ giống chủ lực là HT6, HT1, SH2, TBR1, lúa lai... Trong lúc bà con nông dân đang tập trung gieo sạ thì đợt rét đậm rét hại kéo dài trong tháng 1/2011 đã làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, trong đó có gần 800 ha lúa bị chết phải gieo cấy lại. Trước thực trạng đó, lãnh đạo huyện Quảng Ninh đã kiểm tra đánh giá thực trạng cụ thể từng cánh đồng và chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực và bằng mọi biện pháp khắc phục hậu quả lúa chết, phấn đấu không có ruộng bỏ hoang đảm bảo sản xuất đông xuân theo đúng kế hoạch.

Huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ 50% giá giống lúa mua tại Cty CP TCty Nông nghiệp Quảng Bình. Trạm thuỷ nông huyện chủ động điều tiết nước, tạo điều kiện chăm sóc tỉa dặm diện tích lúa còn lại, tuyệt đối không để ngập trong giai đoạn này. Tăng cường rải tro bếp, phân chuồng hoai mục và lượng phân đạm nhẹ để cây lúa chóng hồi phục.

Chúng tôi đến xã An Ninh, một xã có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất của huyện. Ngoài đồng làng, mấy hôm nay thời tiết khá thuận lợi, bà con đang chạy đua gieo sạ. Ông Võ Doãn Chúc (thôn Hoành Vinh, xã An Ninh) vừa gieo xong thúng giống cuối, bì bõm lội lên bờ, xoa tay thở: "Vụ đông xuân năm nay gia đình tôi hoàn thành gieo sạ gần 2ha lúa trước Tết. Cứ tưởng mấy ngày Tết là kê cao gối ngủ, ai dè rét quá lúa chết khá nhiều, ngoài một số diện tích còn tỉa dặm được gia đình còn khoảng 8 sào phải gieo lại. Cả công làm đất, các loại phân bón và mua giống cũng hao tốn khá nhiều tiền".  

Một khó khăn hiện nay của bà con nông dân Quảng Bình là trên cùng thửa ruộng, lúa mọc không đều, nên để cung cấp nước phục vụ gieo lại sẽ làm ảnh hưởng đến số lúa đang dần phục hồi. Một số vùng ruộng xa, lúa chết nhiều phải gieo lại hoàn toàn thì cơ giới hoá không vào được để làm lại đất, vì vậy nông dân phải làm bằng các biện pháp thủ công, tốn khá nhiều thời gian và chi phí.

Trên cánh đồng Hàm Ninh, ông Lê Hữu Sự (thôn Quyết Tiến) đứng chống cuốc tạm nghỉ ngơi. Dưới đám ruộng, con trai ông vẫn cần mẫn dắt trâu bừa cho bằng phẳng vạt ruộng. Vợ ông dùng cuốc vét tạo máng cho nước rút cạn thêm. Ông nhẩm tính: “Nhà có hơn 8 sào phải gieo lại, hồi sáng phải thuê máy cày băm đất hết hai trăm ngàn sau đó phải dùng trâu bừa lại cho nhuyễn đất và bằng mặt ruộng để hôm sau xuống giống. Hôm trước thôn thông báo đăng ký giống nhưng tính ra nhà tôi phải nộp đến 1,2 triệu đồng. Không xoay đâu ra tiền nên phải mượn thóc vụ tám của bà con mà gieo, cuối vụ trả lại. Thiệt cực nhưng cũng cố chứ bỏ đất trống sao đành”.

Hiện nay, các thôn, HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh đang tích cực bơm nước, cố gắng điều tiết nước hợp lý trên các cánh đồng đảm bảo cho nông dân gieo sạ lại và chăm sóc tỉa dặm lúa. Nhìn sang cánh đồng lúa vượt qua được đận rét đang hồi phục bén dần màu xanh, ông Lê Văn Cảnh (xã Tân Ninh) giọng buồn buồn: “Nhà tôi gieo hơn ha lúa thì có hơn nửa chết trắng phải gieo lại. Biết là tốn kém thêm cả mấy triệu bạc cũng lo được. Nhưng cái lo nhất là nếu để chậm thời vụ, kỳ lúa trổ gặp phải gió Lào thì cứ gọi là treo cờ trắng”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất