| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Nô nức xây nhà, trồng cây hưởng đền bù

Thứ Tư 27/04/2011 , 10:48 (GMT+7)

Chỉ trong vài tuần qua, cả ba thôn Vĩnh Sơn, Thọ Sơn và 19/5 đã diễn ra cảnh công trình xây dựng cứ sau một đêm lại mọc lên như nấm...

Vừa vòng xe tấp vào một quán nước bên đường, đã thấy cô chủ cười tươi mời nước. Tôi ướm lời muốn hỏi xem bà con ở đây (xã Quảng Đông-Quảng Trạch-Quảng Bình) có ai bán đất không? Cô chủ quán gật đầu nhẹ rồi lấy điện thoại gọi. Khoảng mươi phút sau, một thanh niên phóng xe máy trờ tới, bụi cuốn trùm lên lên chiếc xe vừa dừng.

Bắt chuyện tự nhiên như bạn lâu ngày gặp lại, Quang (xin được đổi tên) giới thiệu là người chuyên đánh quả về đất đai vùng này và việc tôi đi xe ô tô mang biển số Sài Gòn ra “đầu tư” đất ở đây mà tìm thấy Quang thì hẳn là “như chưa bao giờ có cuộc chia ly”. “Thứ nhất, anh mua đứt luôn cho dễ trúng, hai là anh bỏ tiền đầu tư xây dựng, khi nhận được tiền đền bù coi như phần lãi cưa đôi. Được chứ”- Quang ướm lời.

Nhà xây như… xếp gạch

Quang đưa tôi đi vòng vèo từ thôn Vĩnh Sơn, Thọ Sơn rồi cắt chéo lên thôn 19/5. Ở đâu cũng hiện cảnh xây nhà, trồng cây với không khí khẩn trương như chạy đua với thời vụ gieo trồng. Quay về Thọ Sơn, Quang dừng trước một khu đất rộng được xây thành bao quanh và mấy căn nhà đã được tô trát xong, trong nhà trống hoác, không có một thứ đồ đạc gì.

Một người phụ nữ đang cắm cúi trồng cây ngoài vườn nghe có khách lật đật chạy vô. Quang giới thiệu đây là bà Nguyễn Thị Sáng, người đầu tư vào xây dựng nhiều nhất. Bà Sáng kể: “Thấy bà con làm thì tui cũng làm. Vốn vay tất cả bỏ vô đó đến hàng trăm triệu rồi đó. Nếu anh cần mua ở khúc nào thì tôi cắt luôn cho. Tính nhanh mỗi mét dài là 20 triệu, sâu thoải mái hết đất luôn. Làm thủ tục nhanh thì vài bữa đưa vô danh sách đền bù cũng nhanh thôi”. Cũng theo bà Sáng thì hiện nhà đã xây xong toàn bộ, cây trồng cũng đã hòm hòm. Toàn bộ lô đất của bà có diện tích trên 1.500m2. Nếu đền bù thì áp giá chót cả đất lẫn công trình xây dựng, cây cối cũng thu về vài tỷ đồng (?).

Cách “khu doanh trại” của bà Sáng không xa là mảnh đất của anh Th. rộng chừng vài sào trồng lạc đang lên xanh ngút. Một hội thợ xây đang xây nhà và hội khác thì xây hàng rào. Hầu hết nhà được xây mới theo kiểu nhà kho vì không có buồng phòng gì. Anh Th. cho rằng: “Nếu đền bù đất thì không được mấy đồng nên bà con phải xây nhà thì áp giá mới cao. Bỏ ra xây căn nhà với diện tích 40m2 hết khoảng dăm ba chục triệu, khi đền bù thì lên hàng trăm triệu ngay, lãi lắm”.

Kéo tay tôi đi ra vạt đất đang trồng lạc, anh Th. nói nhỏ: “Tui còn gần 500m2 đất, anh mua tôi bán ngay, nếu không thích mua thì anh cứ bỏ vốn mua vật liệu về xây nhà. Anh em mình tính toán chia nhau. Đảm bảo lãi gấp 5 lần vốn bỏ ra”. Đi tới một một dãy hàng rào mới xây và tô trát xong, tôi ướm thử lấy viên gạch bloc. Sau vài cái lắc là viên gạch rời ra, bụi tả ra trắng nhờ nhợ. Thấy vậy, một chú thợ xây cười lớn: “Chớ chớ, nhẹ tay thôi. Đi qua nhớ nhẹ chân chứ nặng chân là tưởng đổ, nhà sập thì ráng chịu. Một xi măng mười cát, ta tô trát cho đều-hò dô”. Mấy người thợ nghe cậu thợ trẻ pha trò cũng cười theo ầm ầm.

Chỉ trong vài tuần qua, cả ba thôn Vĩnh Sơn, Thọ Sơn và 19/5 đã diễn ra cảnh công trình xây dựng cứ sau một đêm lại mọc lên như nấm. Nhà nhà đua nhau xây dựng từ nhà cửa, kho bãi, chuồng trại, hàng rào, đường đi…để chờ đền bù. Vì vậy, cánh thợ xây làm không hết việc. Có ngày phải huy động thêm thợ các xã lân cận với công được trả rất cao. Cứ biết cầm bay là được thành thợ. Có người tay bay còn lúng túng mà cũng được xếp vào thợ chính với ngày công 200 ngàn đồng. “Chúng tôi phải làm cả ban đêm cho kịp thời gian. Công làm đêm cứ nhân đôi lên thôi”- anh Nguyễn Văn Thành, thợ xây quê ở xã Quảng Phú cho biết như vậy.

Xây công trình, nhà cửa là vi phạm

Vào tháng 7/2011, 80 hộ dân của 3 thôn Vĩnh Sơn, Thọ Sơn, 19/5 sẽ di dời để phục vụ dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đầu tư. Các hộ di dân đợt đầu chỉ được cấp 250m2 đất tái định cư; còn các hộ đợt 2 được 500m2 đất. Giá đền bù vào từng thời điểm cũng khác nhau khiến nhiều người khiếu kiện.“Thiếu tiền, chúng tôi phải đền bù, di dân theo nhiều đợt khiến tình hình thêm rắc rối. Hộ đi trước thắc mắc hộ đi sau được lợi hơn về giá đền bù cũng như diện tích đất cấp tại khu tái định cư, người chưa đi thì lợi dụng chưa có quyết định thu hồi đất để làm liều”- Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Đậu Minh Ngọc cho biết.

Nhiều người dân cho hay, để có tiền, họ đã phải vay ngân hàng hoặc vay ngoài với lãi suất cao để đầu tư vào “canh bạc” giải tỏa, đền bù với hy vọng đổi đời. Trước thực trạng này, chính quyền xã Quảng Đông đã báo cáo lên huyện Quảng Trạch. Huyện thành lập đoàn kiểm tra và đã xác định công trình mà các hộ dân có đất thuộc 3 thôn vừa xây dựng là vi phạm. Ông Đậu Minh Ngọc - Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch chỉ đạo: “Trên cơ sở đã kiểm tra, UBND huyện giao chính quyền xã tiến hành lập biên bản, xử phạt hành chính các hộ vi phạm, đình chỉ các công trình trái phép. Chúng tôi kiên quyết không đền bù”.

Tuy nhiên, việc xử lý của chính quyền xã cũng gặp không ít rắc rối. Ông Võ Viết Vầy - Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Cấp ủy, chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con và cứng rắn hơn là lập biên bản, đình chỉ công trình. Nhưng người dân cũng phản ánh là Nhà nước chưa đền bù, chưa thu hồi đất nên dân có quyền dựng nhà cho con cái”. Được biết việc đền bù, giải phóng mặt bằng do PetroVietnam thỏa thuận cho tỉnh Quảng Bình ứng tiền chi trả. Nhưng số tiền này không được ứng một lần mà nhỏ giọt nhiều đợt khiến tỉnh, huyện không chủ động được công tác GPMB. Ở thôn Thọ Sơn có 28 hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn ở trên đất cũ vì chưa có khu tái định cư. Nay giá đền bù tăng, các hộ dân này đòi thêm tiền mới chịu di dời.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.