| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Tang thương Cồn Sẻ

Thứ Tư 02/01/2013 , 20:59 (GMT+7)

Trong giông gió mịt mùng, thuyền trưởng Nguyễn Phong đã điện về nhà và may mắn gặp con gái Nguyễn Thị Tha (7 tuổi) lần cuối: “Mấy mẹ con đọc kinh cầu nguyện cho ba với chứ sóng to gió lớn lắm”.

Trong khi hang triệu người đang náo nức chào đón năm mới 2013, thì ở Cồn Sẻ, một xóm chài bần hàn ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình người dân nơi đây từng phút, từng giờ, cả ngày lẫn đêm, đang trông ngóng trong cơn tuyệt vọng những người thân yêu của mình trước sự gào thét, gầm gừ của biển cả.


Thi thể nạn nhân Duy được chuyển vào bờ.

“Mấy mẹ con đọc kinh cầu nguyện cho ba với chứ sóng to gió lớn lắm”.

Trước khi con tàu không còn trụ được nữa, chắc là trong giông gió mịt mùng, thuyền trưởng Nguyễn Phong đã điện về nhà và may mắn gặp con gái Nguyễn Thị Tha (7 tuổi) lần cuối: “Mấy mẹ con đọc kinh cầu nguyện cho ba với chứ sóng to gió lớn lắm”.

Điện thoại im bặt.

Được tin, cả Cồn Sẻ như sét xé ngang tai!

Không còn nghi ngờ gì nữa, khi tin dữ được truyền đi “Khoảng 6 giờ sáng nay (30-12), Hải đội 2 nhận được thông tin tàu cá mang số hiệu QB 93714, trên tàu có 15 ngư dân do Nguyễn Phong (trú xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch) làm thuyền trưởng đã bị chìm khi đang trên đường vào bờ cách cửa Gianh khoảng 7 hải lý”.


Chị Trang (vợ thuyền trưởng Phong) khóc ngất, mê sảng mấy ngày qua.

Cùng với các biện pháp cứu nạn, danh sách của 14 ngư dân trên con tàu đánh cá gặp nạn cũng nhanh chóng định danh: Nguyễn Phong (thuyền trưởng), Nguyễn Văn Lưu, Mai Thanh Bình, Nguyễn Kiểu, Nguyễn Quang Hùng, Mai Khương Duy, Mai Văn Bạch, Hoàng Tới, Cao Lộc, Mai Văn Hạnh, Phạm Nghĩa, Hoàng Dũng, Phạm Văn Hiền, Nguyễn Văn Chung tất cả đều là cư dân Cồn Sẻ.

Thật đớn đau, nếu tất cả không còn trở về thì đồng nghĩa với việc 20 đứa trẻ ở Cồn Sẻ mồ côi cha cùng một ngày khi khép lại năm 2012.

Chỉ mong tìm kiếm được thi thể của ngư dân

Sau khi nhận được tin báo, hai tàu của Hải Đội 2 đã được điều động để ứng cứu nhưng không thể tiếp cận được vị trí tàu cá bị nạn do sóng to gió lớn. Sau đó, tàu cứu nạn hàng hải SAR 411 (thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam) từ Cửa Lò (Nghệ An) đã được điều động vào ứng cứu.

Mặc dù vị trí vị trí tàu chìm chỉ cách Cửa Gianh chừng 7 hải lý, sau đó được ngư dân báo rất kịp thời nhưng rạng sáng ngày 30/12, khi chiếc tàu cá trên vừa bị nạn - tàu cứu nạn của Hải đội 2 không thể tiếp cận được vì kết cấu đáy tàu nhỏ đứng, dễ chiềng trong khi thời điểm trên sóng to gió lớn nên phải đợi điều động từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam. Khi tàu SAR 411đến thì mọi việc hình như đã quá trễ.


Cả làng đổ ra biển ngóng chờ tin người thân.

Đến tối 30/12, sau vài giờ đồng hồ tìm kiếm không thấy dấu vết chiếc tàu bị nạn và các nạn nhân, tàu SAR 411 về neo đậu trước của sông Gianh để tiếp tục cuộc tìm kiếm vào ngày hôm sau (31/12), tuy nhiên do neo đậu quá gần bờ, lại ở khu vực bị bồi lấp, mực nước thấp nên trong ngày 31/12, chiếc tàu trên không thể tham gia cứu nạn, nằm một chỗ cả ngày đêm vì nếu chạy thì có nguy cơ… gãy chân vịt.

Đến cuối giờ chiều 31/12, hai tàu của Hải đội 2 mới ra được cửa biển và mới bắt đầu tham gia cứu nạn. Hơn 15 giờ cùng ngày, thêm một tàu của Cảng vụ được điều động để tham gia tìm kiếm, tuy nhiên do sự chỉ đạo không đồng bộ nên chiếc tàu này phải quay ngược trở lại đến đón lực lượng quân y khi đã ra ngoài biển khiến công tác cứu nạn cũng bị chậm trễ.

Ông Đậu Minh Ngọc - chủ tich UBND huyện Quảng Trạch - cho biết, ngay trong sáng 31/12, thôn Cồn Sẻ - địa phương có 14 ngư dân bị nạn - đã cử một đội tàu đoàn kết gồm 12 tàu cá của ngư dân địa phương ra khu vực mà chiếc tàu cá bị nạn để tìm kiếm. Ông Ngọc cũng cho biết, chiều cùng ngày, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Bộ quốc phòng đã điều tàu cảnh sát biển mang số hiệu CSB 1012, Quân chủng Phòng không - không quân cũng đã điều động máy bay số hiệu AN-26 xuất phát từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) đến khu vực bị nạn để tham gia cuộc tìm kiếm nhưng không thấy dấu tích gì.

Khoảng 12 giờ ngày 31/12, tàu cá của ngư dân Nguyễn Thắng - Phó trưởng đội tàu thôn Cồn Sẻ - đã phát hiện thấy một thi thể ở gần khu vực chiếc tàu bị nạn. Nạn nhân là Mai Khương Duy (25 tuổi), đến 17h cùng ngày, thi thể nạn nhân đầu tiên này đã được tàu cá trên đưa vào cập bờ tại cảng Hòn La (huyện Quảng Trạch).

Anh Duy được tìm thấy ở neo cờ nổi trong khu vực tàu bị nạn, thi thể nạn nhân còn nguyên vẹn. Theo nhận định của các bạn tàu tham gia tìm kiếm, có khả năng khi bị nạn, nhận định không qua khỏi nên anh Duy đã tự cột mình vào neo cờ để khỏi bị mất xác.

Ngày 1/1/2013, ông Nguyễn Hữu Hoài - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - cho biết đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan không nghỉ tết, dồn hết mọi nguồn lực để tham gia tìm kiếm 13 nạn nhân còn lại. Tàu SAR 411 sau một ngày neo đậu, đến sáng 1.1 đã tiếp tục tham gia cuộc tìm kiếm.

Theo nhận định chung, khả năng sống sót của 13 ngư dân đang mất tích gần như không thể xảy ra, tuy nhiên các lực lượng cứu nạn vẫn quyết tâm tìm kiếm với phương châm không cứu được người thì cũng phải tìm được thi thể và trục vớt chiếc tàu bị nạn.

Hiện UBND tỉnh Quảng Bình đã chọn Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Cảng Gianh làm nơi chỉ huy tiền phương chỉ đạo tìm kiếm cứu hộ cứu nạn các ngư dân đang bị mất tích.

Tính đến tối ngày 1/1, công tác cứu nạn tại vùng biển Quảng Bình đã được triển khai 3 ngày, thế nhưng mới tìm thấy được 1 thi thể, 13 ngư dân còn lại đang mất tích, thi thể của ngư dân có thể đang nằm đâu đó giữa biển khơi. “đây là vụ chìm tàu cá đau thương nhất xảy ra tại địa phương”, ông Đậu Minh Ngọc - chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch - buồn bã cho biết.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.