| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình vượt khó

Thứ Hai 23/12/2013 , 10:27 (GMT+7)

Để có được một vụ ĐX thắng lợi, ngành NN-PTNT và chính quyền địa phương các cấp của Quảng Bình đã quyết liệt chỉ đạo SX vượt qua khó khăn…

Sau những cơn bão lũ lịch sử, cơ sở hạ tầng nông nghiệp ở Quảng Bình bị tàn phá nặng nề. Để có được một vụ ĐX thắng lợi, ngành NN-PTNT và chính quyền địa phương các cấp quyết liệt chỉ đạo SX vượt qua khó khăn…

Chủ động phòng trừ chuột

Năm trước, huyện Quảng Ninh không bị lũ lụt nên dịch bệnh trên cây trồng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng dịch bệnh mới xuất hiện và gây hại ngoài tầm kiểm soát. Vụ HT vừa qua, chỉ trong một thời gian ngắn, chuột đã phá hoại trên 600 ha lúa sắp đến thời kỳ thu hoạch ở các xã vùng nam của huyện. Để ngăn chặn nạn “giặc chuột”, sau khi lũ rút, UBND huyện đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia diệt chuột”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh: "Ngoài kinh phí hỗ trợ của các địa phương, huyện trích ngân sách dự phòng hơn 800 triệu đồng để mua thuốc diệt chuột sinh học và các phương tiện hỗ trợ nông dân”.

Tại huyện Lệ Thủy, công tác phòng chống chuột cũng được ráo riết thực hiện và thu được kết quả khá tốt. Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay: "Chúng tôi vừa hỗ trợ thuốc diệt chuột vừa có một số chính sách khác nhằm khuyến khích, động viên bà con”.

Khác với các địa phương trên, huyện Quảng Trạch gặp khó khăn trong tình trạng hệ thống thủy lợi bị bão tàn phá nặng nề. Xã nghèo Quảng Châu có 4,5 km kênh mương thủy lợi phục vụ SX, trong đó 2,1 km đã được bê tông hóa. Sau đợt lụt bão vừa qua làm gần 4 km kênh mương bị sạt lở nặng.

Đặc biệt là hệ thống kênh mương bê tông dài 2 km tại thôn Lý Nguyên phục vụ nước tưới cho 100 ha lúa không sử dụng được. Không chỉ Quảng Châu, hầu hết các địa phương trong huyện đều gặp khó khăn tương tự.


Nông dân huyện Quảng Trạch nạo vét kênh mương nội đồng

Ông Đàm Xuân Vinh, Chủ tịch xã Quảng Châu cho hay: “Huyện chưa có kinh phí để hỗ trợ mà xã thì hoàn toàn không có khả năng để tu sửa, trong khi vụ ĐX đã triển khai. UBND xã quyết định hợp đồng với nhà thầu và vận động nhân dân tiến hành sửa chữa, gia cố lại tuyến kênh để bà con ổn định SX, rồi sẽ xin kinh phí trả nợ sau”.

Ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: “Hiện tại, nguồn ngân sách của huyện rất eo hẹp trong khi hệ thống thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng và cần nhiều kinh phí để tu sửa, nên huyện phải chờ kinh phí hỗ trợ của tỉnh mới có thể khắc phục được hoàn toàn.

Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tự khắc phục tạm thời các tuyến kênh mương, sử dụng các vật liệu sẵn có để đắp, vừa cố gắng đưa hệ thống kênh mương nội đồng vào phục vụ kịp thời cho SX”.

Chuyển đổi cơ cấu hợp lý

Vừa chủ động phòng ngừa dịch bệnh, các địa phương vừa tích cực đẩy mạnh SX cánh đồng lớn, kết hợp đầu tư các giống lúa cho năng suất cao, chất lượng ngon.

Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT), thực hiện cánh đồng lớn trên phạm vi rộng, đồng thời tăng tỷ lệ các loại giống lúa có năng suất, chất lượng gạo ngon vào canh tác”.

Tại xã Phong Thủy (nơi chọn điểm DĐĐT lần 2) có 631 ha đất nông nghiệp với 1.350 hộ SX. Sau khi thực hiện DĐĐT lần 1, trung bình mỗi hộ phải làm 5 thửa ruộng. Đến nay, số thửa cho mỗi hộ đã giảm xuống còn khoảng 2,8 thửa.

Ông Nguyễn Cao Côi, Chủ tịch UBND xã Đại Phong hồ hởi: “Như vậy là tạo được tâm lý ổn định cho người nông dân đầu tư vào SX thâm canh trên mảnh ruộng của mình. Việc cơ giới hoá khâu làm đất, khâu vận chuyển sản phẩm sẽ thuận lợi hơn; giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả SX”.

Theo kế hoạch vụ ĐX 2014, huyện Lệ Thủy sẽ mở rộng vùng lúa thâm canh cao sản đạt 8.500 ha (tăng 500 ha so với 2013). Theo đó các xã sẽ đưa giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo ngon vào canh tác cơ bản trên diện tích gieo cấy. Ngoài ra, sẽ tăng diện tích thực hiện mô hình lúa - cá ở những vùng thấp, chân ruộng sâu để làm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Trong năm 2013, toàn huyện có 1.200 ha lúa - cá, đạt giá trị 50 - 60 triệu đồng/ha.

Huyện Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc đột phá chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong năm 2013, các địa phương tích cực chuyển đổi gần 60 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu khác. Phát huy kết quả này, huyện tích cực chỉ đạo các địa phương tăng dần diện tích chuyển đổi.

Ông Ông Văn Thuyết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh cho hay: “Vụ ĐX này, huyện sẽ tập trung xây dựng vùng thâm canh lúa chất lượng cao 5.600 ha, hình thành các cánh đồng lớn ở Vạn Ninh, An Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh...”.

Theo kế hoạch, vụ ĐX 2014, Quảng Bình SX 33.100 ha cây lương thực, trong đó 29.000 ha lúa. Cơ cấu bộ giống chủ lực chất lượng cao như XT28,QX2, QR1, P6, IR353-66…; các trà muộn PC6, HT1, nếp U352. Ông Phan Văn Khoa, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết sẽ thực hiện cánh đồng lớn SX lúa, sắn, ớt… với tổng diện tích trên 1.400 ha. Tỉnh trích ngân sách 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển cánh đồng lớn.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.