| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam đề nghị xây dựng lại quy trình xả lũ

Thứ Sáu 13/12/2013 , 10:36 (GMT+7)

Nhiều đại biểu HĐND cho rằng, quy trình xả lũ hiện nay không phù hợp, tỉnh cần yêu cầu các nhà máy thủy điện trong tỉnh minh bạch lượng nước về hồ và lượng nước xả.

Sau gần 3 ngày, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII đã bế mạc sáng 12/12.

Trong mấy ngày qua, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó nhiều đại biểu bày tỏ bức xúc về tình trạng các nhà máy thủy điện xả lũ gây thiệt hại nặng cho vùng hạ lưu qua các trận bão lũ vừa qua. Ngoài ra, nhiều đại biểu đề nghị sớm giải quyết nuôi tôm trên cát và trồng cao su.

THỦY ĐIỆN PHẢI BỒI THƯỜNG

Nhiều đại biểu cho rằng, quy trình xả lũ hiện nay không phù hợp, tỉnh cần yêu cầu các nhà máy thủy điện trong tỉnh minh bạch lượng nước về hồ và lượng nước xả. Đặc biệt, thủy điện cần phải hạ mực nước hồ xuống để tăng dung tích phòng lũ trong mùa mưa bão. Để làm được điều đó, Trung ương cần nghiên cứu ban hành quy trình xả lũ phù hợp hơn với mùa lũ cũng như mùa hạn.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, hàng năm vào tháng 9, tháng 10, thủy điện phải có báo cáo nước về tại các hồ thủy điện thật cụ thể, hạ mực nước xuống thấp để nâng dung tích phòng lũ. Và đến tháng 11 mới cho tích nước trở lại, vào mùa hạn cũng phải có quy trình cụ thể cho các thủy điện, chứ không thể đi xin xả nước cứu vụ mùa.


Quảng Nam đề nghị Trung ương sớm nghiên cứu lại quy trình xả lũ

Có một thực tế, trong thời gian gần đây khi có mưa thì lũ xuất hiện rất nhanh, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ là lũ trên các sông đã lên hàng mét nước, đơn cử như đợt lũ 15 - 17/11/2013 mà NNVN đã phản ánh. Sau khi các thủy điện trên địa bàn không xả lũ thì nước cũng rút rất nhanh. Các thủy điện nói xả lũ đúng quy trình nhưng do địa hình Quảng Nam rất đặc thù khi sông ngắn, dốc và thời gian thông báo trước khi xả lũ ngắn quá khiến người dân cũng như cơ quan chức năng không kịp trở tay.

Theo ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam, trong những đợt lũ vừa qua thủy điện gây ra đã rõ rồi, nếu đánh giá đúng thủy điện gây thiệt hại thì phải bắt thủy điện đền bù chứ không thể nói xin thủy điện hỗ trợ được. Việc xây dựng thủy điện đã sai ngay từ đầu từ khâu thiết kế đến quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Lan, tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và cơ quan hữu quan tiếp tục kiểm tra rà soát quy trình xả lũ của các công trình thủy điện, tình trạng lũ chồng lũ do thủy điện gây ra là thực tế không thể chối cãi.

Ông Mai Đình Lự, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, đơn vị huyện Đại Lộc cho biết: “Đại Lộc là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ gây ra hàng năm. Các nhà máy thủy điện nói xả lũ đúng quy trình nhưng qua thực tế tại địa phương, chúng tôi thấy mỗi khi mưa bão về cộng với thủy điện xả lũ thì nước chảy xiết hơn, tốc độ dòng chảy lớn và sạt lở hai bên dòng sông Vu Gia trái với quy luật như trước đây. Vì vậy, cần có quy trình xả lũ phù hợp hơn”.

LO NGẠI VỀ NUÔI TÔM, TRỒNG CAO SU

Nhiều đại biểu tại phiên họp cũng lo lắng về tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở các địa phương ven biển sẽ trở thành điểm nóng do việc thả nuôi không theo quy hoạch, phá đê chắn sóng và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các đại biểu đề nghị ngành chức năng cần sớm vào cuộc để có quy hoạch cụ thể nhằm tránh những hậu quả xấu về sau.


Phong trào nuôi tôm trên cát nở rộ, nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển tỉnh Quảng Nam bị đốn hạ

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nhận định, hiện nuôi tôm hiệu quả nên nhiều người dân bất chấp, phá rừng phòng hộ, gây ô nhiễm môi trường. “Vấn đề đặt ra là quy hoạch trở lại, quản lý như thế nào để khai thác tiềm năng ven biển gắn với bảo vệ môi trường”, ông Sỹ nói.

Ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ Sở NN-PTNT cho biết, vừa qua, vấn đề phá rừng nuôi tôm trở nên “nóng dữ dội”, nặng nhất là ở Núi Thành. Từ tháng 6 đến nay, giá tôm tăng trên 1,5 lần, nguồn lợi quá cao và đầu ra dễ dãi cho nên đồng bào ở những vùng truyền thống đua nhau nuôi, ô nhiễm môi trường. Qua kiểm tra đã có 700 hộ vi phạm.

“Quan điểm của ngành là ngăn cấm tuyệt đối, không cho phát sinh hồ nuôi mới. Theo đó, sẽ có hình thức xử phạt, tịch thu máy đào, xúc, không cấp điện cho các hộ nuôi trái phép. Cần tìm một số diện tích nuôi được, xác định vùng tạm thời được nuôi tôm, có khu vực xử lý môi trường để quản lý”, ông Quang nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến khác kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng trồng cây cao su phù hợp với thổ nhưỡng, tránh được gió và không xâm hại rừng.

Vừa qua, Tổng Cty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) cơ quan chủ quản của Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã có văn bản số 826/TCT-KTKH gửi UBND tỉnh đồng ý về việc hỗ trợ cho người dân vùng hạ lưu.

Về phương án và kinh phí hỗ trợ, IDICO giao cho Ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 làm việc với UBND huyện Phước Sơn để sớm triển khai thực hiện”.

Như NNVN đã đưa tin, ngày 25/11, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi cho IDICO đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại tại huyện Phước Sơn sau trận lũ 15 - 17/11/2013. 

Theo đó Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 nhanh chóng hỗ trợ kinh phí cho 25 hộ tại khu tái định cư thủy điện Đăk Mi 4A (xã Phước Xuân) sửa chữa lại nhà cửa; hỗ trợ kinh phí làm đường vào khu sản xuất cho nhân dân thôn tái định cư thủy điện Đăk Mi 4A.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị IDICO xem xét xây dựng khoảng 150 m kè hoặc giải quyết kinh phí để di dời đến nơi ở mới cho 13 hộ bị sạt lở ngày 15/11/2013 tại xã Phước Hiệp.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều

QUẢNG NINH Tại kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 14 nghị quyết quan trọng, trong đó tán thành chủ trương thành lập thành phố Đông Triều.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm