| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh chặn dịch ngay từ cửa khẩu

Thứ Ba 18/02/2014 , 10:14 (GMT+7)

Mặc dù Quảng Ninh chưa có ổ dịch nào được phát hiện cho đến thời điểm này, song nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.

Mặc dù Quảng Ninh chưa có ổ dịch nào được phát hiện cho đến thời điểm này, song nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn, bởi tỉnh này có đường biên giới trải dài với Trung Quốc, lại đã từng có “tiền sử” là nơi trung chuyển gia cầm nhập lậu số lượng lớn. Do đó, tỉnh đã thực hiện rốt ráo các biện pháp phòng chống ngay từ đầu năm 2014.

Cửa khẩu Hoành Mô, Móng Cái: Im ắng!

14h chiều 17/2, có mặt tại cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu, PV NNVN nhận thấy, không có bất cứ xe nào vận chuyển gia cầm qua lại nơi đây.

Còn nhớ, năm 2013 trở về trước, khi NNVN có loạt bài phản ánh tình trạng nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc về Việt Nam qua cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh của Quảng Ninh, hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm diễn ra nhộn nhịp. Nhưng nay, hàng hóa qua cửa khẩu Hoàng Mô chủ yếu là những container tạm nhập tái xuất qua Trung Quốc, xuất phát từ cảng Hải Phòng.

Ông Hoàng Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, trên địa bàn huyện có duy nhất một tuyến độc đạo là cửa khẩu Hoành Mô nối với Trung Quốc nên việc vận chuyển, buôn bán gia cầm từ bên kia biên giới bắt buộc phải đi qua cửa khẩu này. “Lãnh đạo huyện đã đề nghị các ngành như Hải quan, Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y huyện kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặt biệt là gia cầm. Kiên quyết xử phạt thật nặng các tổ chức, cá nhân vận chuyển gia cầm trái phép. Vì thế, từ đầu năm đến nay, việc buôn bán, vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc bị chặn đứng”, ông Thành nói.

Cũng theo lãnh đạo huyện Bình Liêu, bắt đầu từ ngày 10/2, tạm thời không nhập gia cầm và các sản phẩm gia cầm vào địa bàn huyện (bao gồm cả các hình thức cho và tặng), nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh vào địa bàn huyện.

Song song với công tác kiểm soát trên khâu lưu thông, Bình Liêu cũng chú trọng việc tiêm phòng và khử trùng tiêu độc. Hiện các xã trên địa bàn đang tập trung tiêm phòng vacxin cho đàn gia cầm đợt 1 năm 2014, đồng thời phun hóa chất khử trùng tại các điểm thường xuyên buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm, các cơ sở chăn nuôi, chợ trung tâm và chợ cửa khẩu Hoành Mô.

Là địa bàn cận kề có đường biên giới dài trên 70km tiếp giáp với Trung Quốc, Móng Cái được đánh giá là địa phương tiềm ẩn nguy cơ cao về dịch cúm. Trước đây, khu vực cửa khẩu này cũng là trạm trung chuyển gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc lớn nhất nhì cả nước.

Với địa bàn trọng điểm như vậy, Quảng Ninh xác định cần chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm ngay từ bên kia biên giới. Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết: “Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đã phối hợp với Đội quản lý thị trường số 4 và Bộ đội Biên phòng... ngăn chặn hoàn toàn việc nhập lậu gia cầm trái phép qua biên giới, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh... gia cầm, sản phẩm gia cầm. Đến thời điểm này, có thể khẳng định không còn gia cầm nhập lậu qua đây”.

Lập 6 chốt kiểm dịch động vật

Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, áp lực dịch là rất lớn vì Quảng Ninh là nơi tiếp giáp biên giới với Trung Quốc, nơi đang bùng phát dịch cúm A H7N9, nên nguy cơ lây lan là rất cao.


Gia cầm nhập lậu bị lực lượng chức năng Quảng Ninh thu giữ và tiêu hủy từ tháng 3/2013 (ảnh tư liệu)

Trước đây, theo chỉ đạo của tỉnh, chỉ khi nào có dịch mới thành lập chốt kiểm dịch, không được phép thành lập chốt kiểm dịch khi chưa xuất hiện dịch. Nhưng tình hình nóng bỏng và áp lực dịch bệnh qua đường biên giới nên tỉnh đã cho thành lập các chốt kiểm dịch nội địa.

Theo đó, 6 chốt kiểm soát được thành lập tại các địa điểm: cầu Vàng Chua trên Quốc lộ 18A và tại điểm tiếp giáp giữa tỉnh Hải Dương và huyện Đông Triều trên tỉnh lộ 188; tại ngã 3 cầu Đá Bạc, TP Uông Bí; tại ngã ba Yên Than, huyện Tiên Yên; tại điểm tiếp giáp giữa tỉnh Bắc Giang và huyện Ba Chẽ trên tỉnh lộ 330; tại điểm tiếp giáp giữa tỉnh Bắc Giang và huyện Hoành Bồ trên Quốc lộ 279; tại bến phà Rừng, TX Quảng Yên.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, tuy chưa phát hiện dịch cúm trên địa bàn tỉnh, nhưng với thời tiết nóng lạnh thất thường như hiện nay, nguy cơ bùng phát ổ dịch sẽ diễn ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, Sở NN-PTNT đã chuẩn bị cơ số thuốc nhất định, như: Hóa chất, bình phun, găng tay… khi có ổ dịch xảy ra là sẽ bao vây dập dịch. Mới ngày hôm qua (17/2), UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt kinh phí hơn 20 tỷ đồng cho công tác phòng dịch.

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất