| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị chủ động sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ Ba 17/05/2016 , 09:01 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Trị thu hoạch đã gần xong lúa ĐX. Tuy nhiên, nắng hạn và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trực tiếp đe dọa sản xuất nông nghiệp ở địa phương này. Vậy đâu là phương án ứng phó với nắng hạn và BĐKH của Quảng Trị?

Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Đồng (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.

10-45-50_sn-xut-5-pho-chu-tich-ubnd-tinh-qung-tri-h-sy-dong

Cách làm sáng tạo

Xin ông cho biết phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh Quảng Trị để ứng phó với nắng hạn và BĐKH trong thời gian qua như thế nào?

Tỉnh Quảng Trị bước vào sản xuất vụ ĐX 2015-2016 trong điều kiện thời tiết khí hậu có nhiều bất thuận, đặc biệt mưa rét kéo dài và nắng hạn nhiều.

Đứng trước khó khăn đó, UBND tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, chủ động chỉ đạo, điều hành ngành nông nghiệp sớm có phương án tổ chức sản xuất, ứng phó với BĐKH. Phối hợp với chính quyền các địa phương chủ động tích nước trên các hồ đập thủy lợi ngay từ đầu vụ để dự trữ nguồn nước tưới. Kịp thời hướng dẫn nông dân các giải pháp khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Đến nay, vụ ĐX 2015-2016 Quảng Trị cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Toàn tỉnh gieo cấy được 25.596 ha lúa. Đây được xem là năm lúa ĐX có năng suất cao, thắng lợi. Trung bình toàn tỉnh năng suất lúa ước đạt 55 tạ/ha, nơi cao nhất đạt 72 tạ/ha. Ngoài cây lúa, các loại cây trồng khác như ngô, lạc, rau màu… có diện tích gieo trồng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

10-45-50_sn-xut-1
Thu hoạch lúa ĐX 2015-2016 tại Quảng Trị

Để chủ động ứng phó với BĐKH và bất thường của thời tiết, ngay từ đầu vụ ĐX 2015-2016, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi nâng cao giá trị cho hơn 4.380 ha đất lúa, trong đó chuyển đổi cơ cấu giống lúa sang sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng cao hơn 3.500 ha; chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước sang sản xuất cây trồng cạn là 150 ha; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng cạn sang sử dụng các giống ngô lai mới, giống lạc mới và mở rộng diện tích là 736ha.

Các mô hình chuyển đổi đều có hiệu quả cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần so với sản xuất lúa truyền thống. Tiêu biểu như mô hình cánh đồng lớn Thiên ưu 8 ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong. Mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng lạc, ngô và sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở huyện Cam Lộ, huyện Gio Linh...

Đối với phương án tổ chức sản xuất ứng phó với khô hạn vụ hè thu 2016. Theo tính toán cân đối nguồn nước sau khi kết thúc tưới vụ ĐX 2015-2016 thì ước tính có gần 1.500 ha đất lúa HT 2016 không thể sản xuất do không có nước tưới. Diện tích này sẽ còn tăng lên trong điều kiện nắng nóng gió Lào xảy ra khốc liệt, trong đó địa phương có nguy cơ khô hạn nặng nhất là huyện Gio Linh hơn 550 ha, Vĩnh Linh 400 ha, Đakrông 200 ha, Cam Lộ 100 ha...

10-45-50_sn-xut-2
Chuyển đổi đất trồng lúa thiếu nước sang trồng màu vụ ĐX

Bên cạnh đó, theo dự báo hiện tượng El Nino kéo dài hết tháng 8/2016, lượng mưa thiếu hụt 20 đến 30% so với trung bình nhiều năm, mực nước các sông xuống thấp. Do đó, SXNN Quảng Trị đối mặt với các nguy cơ lớn về thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt, chăn nuôi; xâm nhập mặn, cháy rừng, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi...

Đứng trước tình hình này, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị phấn đấu hoàn thành thu hoạch vụ HT trước 30/8, chậm nhất đến 5/9, để tránh lũ lụt sớm vào cuối vụ. Áp dụng lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa ngắn ngày và cực ngắn vào sản xuất. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, KHKT vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng năng suất lao động.

Tập trung huy động các nguồn lực để chủ động chuyển đổi 4.000 ha đất lúa. Trong đó chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng sử dụng giống mới, ngắn ngày, chất lượng cao là 2.737 ha; chuyển đổi đất lúa thiếu nước, đất sản xuất lúa hiệu quả thấp sang trồng cây trồng cạn là 1.263 ha.

10-45-50_sn-xut-3
Cây cà phê cần được tưới đủ nước để năng cao năng suất

Đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở KH-CN sớm nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống nước tưới khoa học, nhằm không ngừng nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm cho những loại cây có giá trị xuất khẩu cao này.

Cần giải pháp đồng bộ

Thưa ông, thời tiết khắc nghiệt cùng với BĐKH ngày càng trầm trọng. Vậy theo ông đâu là các giải pháp dài hạn ứng phó với BĐKH Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung từ nay đến 2020?

Vấn đề BĐKH ngày càng trầm trọng đã tạo cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy phát triển, tìm ra mô hình và phương thức phát triển theo hướng phát thải các-bon thấp, bền vững. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong vùng ứng phó với BĐKH, ở miền Trung, nhất là vùng nắng hạn Quảng Trị thì ứng phó với BĐKH cần các giải pháp sau:

Đối với lĩnh vực nông nghiệp. Bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp, đa dạng hóa cây trồng thích ứng với BĐKH. Phát triển các giống cây trồng có khả năng chịu với các điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt. Tăng cường các ngân hàng giống, phát triển các giống cây trồng mới, các giống chịu hạn, các giống có biên độ sinh thái rộng.

Quy hoạch và tăng cường quản lý, sử dụng đất nông nghiệp phù hợp. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở những vùng không có khả năng sản xuất hoặc sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Tăng cường quản lý nguồn nước. Phát triển và nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi và hiệu suất tưới.

Điều chỉnh thời vụ sản xuất và thay đổi kỹ thuật canh tác. Kiểm soát xói mòn bằng khuyến khích các hoạt động bảo toàn nông nghiệp, nhất là ở vùng núi, nơi sản xuất nông nghiệp phát triển trên các sườn đất dốc.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp. Phát triển và mở rộng rừng bằng các chính sách tín dụng ưu đãi. Đẩy mạnh quản lý, bảo vệ rừng, chống suy giảm rừng tự nhiên. Khuyến khích các hoạt động nông lâm kết hợp, phát triển rừng FSC bền vững. Thực hiện quy hoạch lại các loại rừng. Khuyến khích kiểm soát ảnh hưởng ô nhiễm không khí đối với rừng.

10-45-50_sn-xut-4
Vườn cây giống lâm nghiệp tại Quảng Trị

Khuyến khích các giải pháp sử dụng rừng hỗn hợp, là những loại rừng có tính thích ứng linh hoạt hơn với BĐKH, chú ý phát triển các giống cây rừng trồng chịu nhiệt, chịu hạn. Tăng cường các ngân hàng giống cây trồng, chú ý các giống nhiệt đới, quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Giảm bớt các mảnh rừng chia cắt.

Đối với lĩnh vực ngư nghiệp. Thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên thủy sản gắn với quản lý tổng hợp nguồn nước. Phát triển các giống thủy sản có khả năng chống chịu với môi trường khắc nghiệt. Phát triển năng lực bảo tồn và nhân giống thủy sản, đồng thời hạn chế việc khai thác triệt để quá mức cho phép.

Giảm các hàng rào tự nhiên hoặc nhân tạo đối với sự di trú của cá và các loài thủy sản. Hạn chế những thay đổi cơ bản nơi cư trú của các loài thủy sản trong quá trình khai thác, sử dụng đất và nước, nhất là vùng ven biển...

Các giải pháp ứng phó với BĐKH phải có tính hệ thống, đồng bộ, liên ngành, liên vùng, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn và các quy định địa phương, quốc gia, quốc tế, dựa trên cơ sở khoa học kết hợp với kinh nghiệm truyền thống và kiến thức bản địa. Phải tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội và các yếu tố rủi ro, bất định của biến đổi khí hậu.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.