| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị: Hạn đã đến hồi căng thẳng

Thứ Hai 21/07/2014 , 10:15 (GMT+7)

Thời tiết nắng hạn kéo dài kết hợp gió Lào thổi mạnh nhiều tháng qua làm hơn 15.000 ha lúa và hoa màu vụ hè thu của bà con nông dân khô héo, đứng trước nguy cơ mất mùa. 

* 15.000 ha lúa, hoa màu đang khô héo

* Hàng nghìn người rồng rắn tìm nước sinh hoạt mỗi ngày

Đã mấy ngày nay, bầu trời Quảng Trị trong veo, không có lấy giọt mưa.

Thiếu nước sinh hoạt

Nhiều người ở xóm sân vận động làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh không quên cảnh tượng hai đứa bé đánh nhau vì tranh giành hứng nước sinh hoạt ở giếng khoan duy nhất của xóm.

Vì ai hứng trước thì mới có nước dùng. Nhưng đó là chuyện của hai tháng trước, khi giếng khoan này sắp cạn kiệt nguồn nước. Nay thì giếng khoan duy nhất của làng cũng đã cạn kiệt thật rồi. Không có nước sinh hoạt, cả xóm phải vất vả dùng xe kéo đi xa hàng km để lo chuyện nước uống hàng ngày. Nhiều làng của xã Gio An bà con sử dụng giếng tự đào nhưng nay cũng cạn trơ đáy.

Nắng hạn mấy tháng nay làm nhiều xã phía tây huyện Gio Linh không có nước sinh hoạt. Con người thiếu nước uống, cây cối khô héo vì thiếu nước tưới. Ở xã Gio Hòa, cả xóm cùng nhau bòn mót từng gàu nước trong cái giếng sát bờ ruộng. Sáng tinh mơ mỗi ngày từng đoàn người gồng gánh gàu thùng đợi hứng từng gàu nước về phục vụ sinh hoạt trong ngày.

Còn tại xã Vĩnh Thủy của huyện Vĩnh Linh, ngay tại xóm trung tâm sát UBND xã cũng thiếu nước sinh hoạt. Nhiều người cho biết hàng ngày họ phải tắm giặt rất dè sẻn, vài ngày mới tắm một lần. Nếu mười ngày tới trời không mưa kịp thì nhiều hộ dân ở vùng miền tây Vĩnh Linh cũng thiếu nước sinh hoạt.

Kêu trời không thấu, nhiều bà con nông dân giúp nhau đào sâu thêm giếng, khơi thông mạch nguồn tìm nước. Nghiệt cái nắng hạn gay gắt nên mạch nước ngầm cũng tụt xuống mức thấp. Mỗi giếng đào lấy nước vùng này sâu hơn 20 m, nay đào thêm đến vài mét vẫn chưa tìm ra nguồn nước. Trong lúc đó ở tầng sâu đáy giếng chỉ có đá xanh, sử dụng ve, đục sắt ngồi dưới giếng suốt ngày đào sâu cũng chỉ thêm được vài tấc.

Ông Nguyễn Văn Bài - GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, nếu thời gian tới tiếp tục không mưa thì phải sử dụng phương án ứng cứu nguồn nước sinh hoạt cho dân bằng cách sử dụng các bồn i-nốc tiếp nước sinh hoạt từ các nơi khác đến, chú ý các cơ sở tập trung như trung tâm y tế, trường học.

Trung tâm Nước sạch và VSMTNT kiểm tra lại các giếng bơm để sẵn sàng cung cấp nước trở lại. Đề nghị Trung ương giúp thêm kinh phí cho Quảng Trị chống hạn, trước mắt khắc phục nguồn nước sinh hoạt cho bà con.

Hơn nửa diện tích lúa thiếu nước

Người dân thì thiếu nước sinh hoạt, cây lúa, hoa màu khô héo, vì thiếu nước tưới trên diện rộng. Ông Nguyễn Văn Bài cho biết, vụ sản xuất hè thu năm nay toàn tỉnh gieo cấy được 15 ngàn ha lúa. Hiện cây lúa ở thời kỳ kết thúc đẻ nhánh, một số nơi đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn làm đòng nhưng lượng mưa 6 tháng đầu năm chỉ đạt 30-50% so với cùng kỳ năm trước.

Nắng nóng kéo dài cùng gió Lào thổi mạnh, lượng nước ít ỏi còn lại bị bốc hơi nhanh, mực nước các hồ đập hiện rất thấp. Tỉnh Quảng Trị có gần 4.000 ha lúa bị hạn nặng, 4.200 ha lúa mới bị khô nước...

Tại huyện Vĩnh Linh nhiều diện tích ruộng hai bên QL1 nứt nẻ vì thiếu nước tưới. Chính quyền địa phương đã chuyển sang trồng màu ở những diện tích thiếu nước, không thể trồng lúa. Nhưng nắng như thiêu đốt cây màu cũng không thể sống nổi.

10-23-57_hn-qt-2
Hồ chứa nước ở xã Linh Hải khô trơ đáy

Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết với diện tích gieo cấy vụ hè thu gần 3.000 ha thì hiện có trên 400 ha bị khô hạn, trong đó có khoảng 200 ha bị hạn nặng, tập trung ở những vùng cuối kênh hai xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Lâm.

Tại huyện Gio Linh nắng hạn hừng hực trên đầu từ mấy tháng nay. Sông Cánh Hòm cung cấp nước tưới cho hơn 700 ha lúa hè thu của các xã vùng đông Gio Linh, đã cạn kiệt không đủ nước cung cấp cho các trạm bơm của các xã Gio Mỹ, Gio Thành, Gio Mai.

Để chữa cháy, Xí nghiệp Gio Cam Hà đã tiến hành xả nước đợt một từ hồ Hà Thượng và hồ Trúc Kinh về sông Cánh Hòm song vẫn không thấm vào đâu so với nhu cầu được tưới. Hầu hết diện tích lúa vùng ven sông Cánh Hòm đều bị khô nước, nứt nẻ toang hoác.

Ông Nguyễn Duy Thông - TGĐ Cty TNHH MTV Quản lý Khai thác công trình Thủy lợi Quảng Trị cho biết, để chống hạn cho vùng phía đông huyện Gio Linh, Cty đã tập trung lực lượng nạo vét sông Cánh Hòm và đang xả nước tạo nguồn đợt hai để bơm tưới cho các xã. Tuy nhiên, nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng như thời gian qua thì lượng nước xả xuống sông Cánh Hòm sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu bơm tưới. Do vậy, nguy cơ toàn bộ diện tích lúa vùng đông Gio Linh sẽ bị hạn trầm trọng là không tránh khỏi.

Còn ở huyện Triệu Phong lượng nước đến từ đập Nam Thạch Hãn, hồ chứa Ái Tử giảm sút, nước sông Thạch Hãn bị nhiễm mặn, nguồn nước để bơm, tát thiếu trầm trọng. Huyện Triệu Phong có hơn 2.300/5.200 ha lúa hè thu thiếu nước, trong đó có 1.300 ha bị hạn nặng.

Đập ngăn mặn Vĩnh Phước bị rò rỉ nên nước mặn đã xâm nhập ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện Triệu Phong. Có mặt trên các đồng ruộng hạn mới cảm nhận được màu xanh của lúa đang dần mất đi bởi cái nóng và gió Lào khủng khiếp. Dầu quen với cảnh hạn hán của lúa vụ hè thu nhưng bà con nông dân ở đây không khỏi ngậm ngùi khi bầu trời nắng vẫn như nung và không có một gợn mây.

Ngược lên mạn QL9 là địa phận huyện Cam Lộ cũng đang bị nắng hạn và gió Lào hành hạ từ nhiều tháng nay. Nông dân Cam Lộ đang sống trong cảnh trên đầu thì bị nắng đốt, gió thổi, dưới lòng đất nước ngầm tụt sâu, trên sông suối mặn xâm nhập khắp nơi.

Nguy hiểm hơn nước mặn từ biển theo sông Hiếu lên đã vượt qua thành phố Đông Hà, xâm nhập sâu lên thượng lưu, trạm bơm Hiếu Bắc phải ngừng hoạt động. Sông Hiếu phía thượng nguồn cũng cạn kiệt trơ đáy, không cung ứng đủ cho trạm bơm Cam Lộ. Tại hồ Nghĩa Hy, lượng nước chỉ còn 0,3 triệu m3, chỉ đủ tưới chống hạn cho cây lúa đến ngày 20/7, không đủ tưới cho lúc lúa trổ. Ở huyện Cam Lộ diện tích lúa bị hạn nặng là 340 ha, tập trung ở các xã Cam Thủy, Cam Hiếu, Cam Thanh và diện tích lúa, màu địa phương này bị hạn nguy cơ sẽ tăng cao hơn nữa.

10-23-57_hn-qt-3
Chắt chiu nước tưới lúa hè thu khu vực cuối nguồn nước

Tập trung sức chống hạn

Ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, các đơn vị khẩn trương tìm giải pháp chống hạn cho vụ hè thu.

Đây là năm thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, không có mưa tiểu mãn, gió Lào thổi mạnh làm cho lượng nước bốc hơi nhanh. Mực nước toàn bộ các hồ phục vụ tưới cho vùng trọng điểm lúa của tỉnh sụt giảm nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Hạn hán đang diễn ra căng thẳng ở hầu hết các địa phương với cường độ cao.

Chủ tịch tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Cty TNHH MTV Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi Quảng Trị phối hợp các địa phương khẩn cấp triển khai các phương án chống hạn, tưới tiết kiệm nước, chắt chiu từng gàu nước, tưới luân phiên cho các cấp kênh. Các đơn vị thủy nông cần phối hợp các địa phương chủ động đặt máy bơm tưới hỗ trợ chống hạn, tiến hành nạo vét các sông ngòi, kênh tiêu, kênh dẫn khơi thông dòng chảy.

Yêu cầu Cty Thủy điện Quảng Trị tuân thủ quy trình vận hành điều tiết nước về hạ du kịp thời chia sẻ vùng hạn nặng. Cty Điện lực Quảng Trị hạn chế cắt điện các trạm bơm, đảm bảo ưu tiên cung cấp nguồn điện đầy đủ đáp ứng yêu cầu cho các trạm bơm phục vụ chống hạn vụ hè thu 2014.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất