| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị: Vụ lúa đông xuân bội thu nhất

Thứ Tư 01/06/2011 , 10:50 (GMT+7)

Những ngày này đi qua nhiều ngôi làng ở huyện Hải Lăng của Quảng Trị, ai cũng ngửi thấy mùi lúa mới và rơm rạ thoang thoảng dưới cái nắng gió lồng lộng...

Những ngày này đi qua nhiều ngôi làng ở huyện Hải Lăng của Quảng Trị mùi lúa mới và rơm rạ thoang thoảng dưới cái nắng gió lồng lộng. Bà con nông dân đang vào hồi cao điểm thu hoạch lúa ĐX 2010-2011. Ruộng đồng được mùa bất tận, nông dân sung sướng trong lòng.

Bất ngờ năng suất lúa cao chưa từng có

Ông Trương Công Thuyết ở thôn Lương Điền, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng, vừa thu hoạch xong 2 ha lúa vụ ĐX, năng suất đạt 58 tạ/ha. Khuôn mặt ông Thuyết giãn ra trông thấy so với cách đây mấy tháng tôi được gặp ông khi về Hải Sơn thăm bà con chống rét hại, rét đậm cho lúa ĐX.

Ông Thuyết nói: “Chưa có khi nào nông dân trồng lúa ở Quảng Trị trải qua nhiều lo âu và cảm xúc như năm nay. Đầu vụ sản xuất ĐX 2010-2011 thời tiết thất thường rét đậm, rét hại kéo dài, bà con nông dân rầu rĩ vì phải đối mặt với một vụ sản xuất vô cùng gian khó cỡ bậc nhất và nín thở đợi chờ chưa biết khi nào nắng ấm xuất hiện. Song khi rét hại vừa kết thúc thì thời tiết bất ngờ đổi chiều thuận lợi ngoài dự đoán của nhiều người. Trời ấm áp, mưa dông liên tục nhưng không có lốc xoáy đã góp phần làm cho lúa được mùa chưa từng có, bà con vui mừng quá”.

Xã Hải Sơn có gần 250 ha lúa vụ ĐX, đến 31/5, đã thu hoạch xong gần 90% diện tích. Ông Phạm Trường - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết 2 ngày nữa bà con nông dân sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích và ngày 2/6 sẽ ra đồng làm đất gieo lúa vụ hè thu. Theo ông Trường đây là vụ mùa có năng suất cao nhất từ trước đến nay. Đạt kết quả ấy bà con ai cũng vui mừng, những ngày lo toan mùa vụ tạm thời đi qua, giờ là lúc thu hái thành quả của nhà nông.

Tại xã các Hải Ba, Hải Thành, Hải Quế... bà con nông dân tranh thủ thời gian thu hoạch cả ngày lẫn đêm để sớm hoàn thành đúng kế hoạch. Nông dân Nguyễn Trí ở xã Hải Quế mặt vui như xuân thông báo vừa thu hoạch hoàn tất 3 ha lúa ĐX, sản lượng đạt 18 tấn (năng suất đạt 60 tạ/ha). Với giá lúa hiện tại 7 ngàn đồng/kg lúa tươi, trừ chi phí đầu tư ruộng đồng, ông Trí lãi hơn 70 triệu đồng. Ông Trí là một nông dân làm lúa có tiếng ở vùng trọng điểm lúa của Quảng Trị cũng bất ngờ trước diễn biến thời tiết bất thường và kết quả bất ngờ của vụ mùa ĐX năm nay.

Một vụ mùa đáng suy ngẫm

Hải Lăng có lẽ là một trong ít địa phương ở miền Trung vào thời điểm này đã thu hoạch gần xong lúa ĐX. Ông Nguyễn Giáp - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng cho biết vụ sản xuất ĐX 2010-2011 toàn huyện gieo được 6.500 ha lúa. Đến ngày 5/6 toàn bộ diện tích lúa trên sẽ được gặt xong. Ông Giáp nói ĐX này là một vụ sản xuất đáng suy ngẫm. Dù trước đó rét đậm, rét hại đã gây ảnh hưởng xấu, kéo dài thời gian sinh trưởng cây lúa gần cả tháng song kết cục lại cho năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay, nơi cao nhất đạt 62 tạ/ha, như ở cánh đồng của xã Hải Quế, cao nhất tỉnh Quảng Trị.

Theo kế hoạch, vụ HT 2011 huyện Hải Lăng tiến hành gieo trên diện tích 6.500 ha với các giống ngắn ngày như Khang dân, PC 6, Ma Lâm 48, HT 1... Thời gian kết thúc gieo lúa hè thu vào ngày 15/6 để kịp thời hoàn thành thu hoạch trước 20/8 nhằm tránh lũ cho vùng trũng này.

Nguyên nhân nào dẫn đến vụ sản xuất ĐX 2010-2011 thắng lợi rực rỡ như trên, ông Giáp phân tích: Ngay từ đầu vụ ĐX , UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, các cấp huyện đã quyết liệt chỉ đạo bà con nông dân tuyệt đối sử dụng giống lúa có phẩm cấp cao (chủ yếu là Khang Dân, HT1, PT6), nên sau đó dù có gặp phải thời tiết bất thuận rét đậm, rét hại kéo dài thì cây lúa đã có sẵn khả năng chống chịu cao, sức đề kháng tốt do đó phục hồi nhanh khi thời tiết chuyển sang thuận lợi. Sự chỉ đạo này đã được nông dân Hải Lăng tuân thủ tuyệt đối. Bên cạnh đó, những diện tích ảnh hưởng rét, không phục hồi được thì bà con đã kịp thời gieo lại, không để diện tích bỏ hoang. Với diện tích lúa có khả năng phục hồi thì công tác chăm sóc tỉa dặm tốt, bảo đảm mật độ hợp lý để cây lúa sinh trưởng tốt trên diện tích ruộng.

Các tiến bộ KHKT cũng được đưa vào ứng dụng rộng rãi trên đồng ruộng. Cùng với đó huyện đã hỗ trợ kịp thời phân bón qua lá giúp bà con bón đủ hết diện tích lúa giúp cây lúa đẻ nhánh tốt, phục hồi nhanh, đảm bảo về sản lượng và chất lượng gạo.

Về tư tưởng vượt khó đáng ghi nhận là cán bộ các cấp nhiệt tình, kịp thời, người dân hưởng ứng cao nên khi kết thúc thời kỳ bất thuận của thời tiết, chuyển sang thời kỳ thuận lợi, nhờ được tập trung chăm sóc đúng mức nên cây lúa như được đà phát triển rất tốt, tránh được sâu bệnh. Vụ này đến khi lúa chín ngoài đồng lại tránh được lũ Tiểu mãn, lũ nhỏ vừa đủ nước nên cây lúa khỏi đổ, gãy.

Theo ông Giáp, dù thời tiết nửa vụ sau có thuận lợi bao nhiêu nhưng trước đó nếu không chủ động quyết liệt tìm cách giúp cây lúa chống chọi rét hại và sâu bệnh thì khó có thể có được sự trở mình nhanh vậy. Người làm lúa nên xem đây là một bài học không bao giờ được chủ quan với mùa vụ trong bất luận thời tiết tốt hay xấu.

Ông Trần Đức Nhu - PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị nhận xét thành công của huyện Hải Lăng qua vụ sản xuất ĐX 2010-2011 đáng để các địa phương khác nghiên cứu. Không riêng gì Hải Lăng, vụ ĐX này nhiều huyện, thị của tỉnh Quảng Trị lúa rất được mùa, năng suất trung bình dự kiến đạt hơn vụ này của năm trước (52,4 tạ/ha), và sẽ là vụ lúa đông xuân bội thu nhất kể từ trước. Kế hoạch đến 25/6 toàn tỉnh sẽ thu hoạch xong lúa ĐX và tiến hành gieo lúa vụ HT 2011 hoàn thành trước 20/6 và thu hoạch kết thúc 20/9.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất