| Hotline: 0983.970.780

Quảng Xá giữ nếp làng

Thứ Sáu 01/10/2010 , 10:00 (GMT+7)

Làng Quảng Xá (Quảng Bình) ai ai cũng mê đọc sách báo và từ nhu cầu đó, người dân thành lập hẳn một thư viện sách.

Trong thư viện làng Quảng Xá

Làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) ai ai cũng mê đọc sách báo và từ nhu cầu đó, người dân thành lập hẳn một thư viện sách.

 

Hiện tại, giữ thư viện làng gồm có ba người gồm cụ Nguyễn Ngọc Thụ, tổ trưởng; cụ Nguyễn Quốc Tiến và cô Dương Thị Lánh. Cả ba người đều là cán bộ nghỉ hưu và xung phong làm việc làng. Mở cửa thư viện trên tầng hai của trụ sở HTX, cụ Thụ nhanh nhẹn mời khác tham quan và hồ hởi trò chuyện. Khởi xướng cho phong trào thư viện làng là phải kể đến các vị như cụ Nguyễn Mân (bây giờ đã là 84 tuổi); cụ Dương Viết Khen và cụ bà Nguyễn Thị Ngọc Châu (cả hai cụ đã mất).

 Cụ Mân cao tuổi nhưng còn minh mẫn. Cụ cho biết để có được thư viện việc đầu tiên là cả ba cụ dành dụm tiền lương hưu góp lại thuê thợ đóng cho mấy cái kệ để sách báo làm vốn ban đầu. Sau đó về nhà gom hết các loại sách mới cũ mang đến để “trưng bày” và Trung tâm VHTT huyện tặng cho mấy chục đầu sách nữa.

Rồi một ngày, để vận động xây dựng thư viện sách, cụ Mân lên tàu vô thành phố Hồ Chí Minh. Con cháu cụ và con em của làng trong đó thấy cụ vô thăm là mừng lắm. Ai cũng muốn biếu cụ chút tiền. Cụ cười cảm ơn con cháu và... lắc đầu nói: “Cứ tặng sách và ghi danh lên trang là cụ nhận, chứ tiền thì không rồi". Con cháu nghe vậy, người thì tặng sách, người dùng tiền chạy đi mua sách mang về tặng. Hôm cụ quay trở ra được cả mấy kiện sách to tướng. Lên tàu cũng thấy lo vì tiền cước vận chuyển chắc không nhỏ, mà tiền túi cũng không còn dư dả mấy.

Nhưng khi nghe câu chuyện cụ đi quyên góp sách cho làng, cán bộ trên chuyển tàu lúc đó đã vui vẻ giúp cụ. Người làng khắp nơi không kịp gửi sách lúc đó thì gửi sau theo đường bưu điện, đường sắt ra cho làng. Có một vị lãnh đạo ngành đường sắt biết được nghĩa cử nhân văn ấy đã quyết định miễn cước sách báo về địa chỉ làng Quảng Xá. Trong hơn một năm, hàng nghìn quyển sách báo, tạp chí đã có mặt trên kệ của thư viện làng. Ông Hoàng Nhân (con rể của làng ở TP Hồ Chí Minh) gửi về năm đợt với hơn 300 cuốn sách, tạp chí bằng đường sắt. Chị Phước Thuận con gái làng từ Hà Nội gửi tặng 100 cuốn sách. Thiếu tướng Nguyễn Hải (ở Quy Nhơn) gửi 200 cuốn. Hội đồng hương Quảng Xá ở TP Hồ Chí Minh gửi về hàng tạ sách mới và cũ...

Lướt qua các kệ sách có nhiều quyển có giá trị mà không phải bất cứ thư viện nào cũng có như “Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới", “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, “Bách khoa tri thức”, “Chân dung anh hùng thời đại”... Sách văn học trên kệ có cả “Bản tăng gô cuối cùng”, “Đôn -ki - hô - tê, nhà quý tộc tài ba”... rồi sách thiếu nhi, sách khoa học kỹ thuật...

Cô Lánh vừa chỉnh xếp dãy sách trên kệ vừa cho hay: Hiện thư viện có 1.750 đầu sách các loại. Hàng tuần nếu ai có nhu cầu thì gọi một trong ba người mở cửa cho. Nếu không thì theo định kỳ thư viện sẽ mở vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Vì lúc đó để tạo điều kiện cho các em học sinh học được nghỉ học tranh thủ đến đọc, mượn sách”. Nhìn vào sổ theo dõi mượn sách từ ngày thư viện làng mở cửa (năm 2001) đến nay đã có gần 9.000 lượt người mượn sách. 

Người làng Quảng Xá rất thích diễn văn nghệ vào mỗi dịp làng có lễ hoặc Quốc khánh và ngày Tết cổ truyền. Những dịp ấy, ngõ nào, xóm nào cũng í a ca Huế, hò khoan, hò mái nhì, hò mái đẩy, thậm chí cả hát ca trù, hát ả đào, hát quan họ... Những ngày sắp Tết, nam thanh nữ tú của làng đã ngơi việc đồng áng, ai cũng phơi phới đi tập văn nghệ, nhóm tập nhảy sạp, nhóm tập kịch câm, nhóm lại làm hề, những bậc trưởng lão cùng ngồi lại để luyến láy âm giọng nhằm hát cho được ca Huế.

Đường làng Quảng Xá

Những ngày Tết cổ truyền ở làng Quảng Xá thực sự là ngày hội. Sân làng rộn tiếng hát hò, tiếng xướng ca trò bài chòi. Nửa sân bên kia, từng đôi nam nữ nhún người trên cây đu trong tiếng reo hò cổ vũ của người xem...

Cụ giáo làng Dương Viết Thủ (năm nay bước sang tuổi 75) đang bỏ công sưu tầm những những tư liệu về làng để làm thành tập cho lớp trẻ đọc, xem. Hỏi chuyện nếp làng, cụ kể: Quảng Xá là làng nông nghiệp nên cần có người ở nhà chuẩn bị cơm nước cho gia đình. Rứa nên có chuyện cha vô đội văn nghệ cụ lão, mẹ vô đội văn nghệ cụ bà, con thì đội văn nghệ thanh niên và ai cũng muốn tranh thủ thời gian cũng đội mình luyện tập. Thôi thì cho khách quan, cha rút một cộng rơm chia làm nhiều đoạn dài ngắn khác nhau cho mọi người trong nhà rút thăm. Thăm ai ngắn nhất là phải chịu thiệt thòi ở nhà lo cơm nước cho cả nhà.

Cụ giáo Thủ còn cho biết, có lẽ vì làng say hát nên đã sinh ra năm vị nhạc sĩ là hội viên Hội Âm nhạc Việt Nam. Đó là giáo sư - nhạc sĩ - nhà giáo ưu tú Dương Viết Á, nhạc sĩ Dương Viết Chiến, nhạc sĩ Dương Mạnh Đạt, nhạc sĩ Dương Viết Hoà, nữ nhạc sĩ Dương Bích Hà. Ngoài ra, Quảng Xá còn có hai vị rể quý cũng là nhạc sĩ, đó là Phạm Tuyên và Vĩnh Phúc.

Trời xế trưa, cụ giáo Thủ đưa tôi đi ra trước đường chính. Con đường chạy suốt làng bê tông phẳng lỳ. Bên đường hàng cây cổ thụ tỏa bóng. Quanh hồ nước có đặt ghế đá được coi là công viên làng, mấy cụ ông, cụ bà ngồi hóng mát và kể chuyện xóm giềng và vui vẻ chào khách đi qua. Rẽ vào con đường ngõ được một quãng, con đường chạy vòng qua ôm một giếng đá xếp rộng chừng ba sải tay người lớn. Cụ Thủ giới thiệu đứng bên giếng giới thiệu: “Ngày xưa làng có chiếc giếng cổ như ri. Sau chiến tranh giờ còn lại ba cái được bà con tu bổ giữ gìn. Giếng nước đầy, mát lạnh. Bây giờ nhà nào cũng dùng nước máy, nhưng sau buổi làm đồng về ai, cũng đến giếng làng múc nước rửa ráy cho mát mẻ thoải mái”.

Nhìn cung cách giới thiệu về làng mới thấy cụ Thủ tự hào về làng mình lắm lắm. Mà tự hào cũng phải thôi, làng Quảng Xá được công nhận Làng Văn hóa cấp tỉnh liên tục từ năm 1998 đến nay và cũng đã được công nhận Làng Kháng chiến...

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất