| Hotline: 0983.970.780

Quanh bài "Tôi đi tìm mộ em trai": Liệt sĩ Phí Văn Cương về với quê cha đất tổ

Thứ Hai 13/12/2010 , 10:05 (GMT+7)

Thắp hương trên mộ đồng đội

Trong các số báo 237, 238 và 239, NNVN đăng bài "Tôi đi tìm mộ em trai", kể lại hành trình ông Phí Văn Kỷ (Hà Nội) và gia đình tìm mộ người thân của mình là liệt sĩ Phí Văn Cương.

>> Tôi đi tìm mộ em trai

Từ ngày 7 - 9/12, phóng viên NNVN đã theo gia đình ông Kỷ nhận phần mộ liệt sĩ Cương tại Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành (Tây Ninh) và đã được chứng kiến những câu chuyện cảm động.

Suốt quãng đường dài hàng trăm cây số từ TP HCM về Tây Ninh, ông Phí Văn Nhàn (em ruột của liệt sĩ Phí Văn Cương) ngậm ngùi: “Đúng là không thể kể hết những gian truân, vất vả và cũng khó có thể tả được cảm xúc sau đúng 35 năm trời lặn lội khắp nơi mới tìm thấy hài cốt của anh tôi. Quả thật rất may mắn và câu chuyện kết thúc có hậu”.

Nói với tôi, ông Nhàn cứ nhắc đi nhắc lại câu “Kết thúc có hậu”. Theo ông, không hẳn chỉ là cuộc hành trình mấy mươi năm trời đã tìm được chính xác phần mộ của liệt sĩ Cương mà “hậu” ở đây còn là sự cảm nhận về những chia sẻ giúp đỡ rất chân thành của các cơ quan, đơn vị cũng như anh em bạn bè thân hữu trong suốt quá trình gia đình ông đi tìm mộ.

 Ông Nhàn tâm sự: "Đến nay tất cả những tập hồ sơ, những dòng địa chỉ chắp vá từ khắp các nguồn tin mà tôi sưu tập suốt mấy chục năm qua đã chất cao cả mét. Thậm chí tôi có thể thuộc như lòng bàn tay từng khu vực ở Tây Ninh tiếp giáp với những nơi nào, hay tất cả những địa danh mà tôi đã đặt chân đến để tìm tung tích anh Cương”.

Theo lời ông Nhàn kể, trong quãng thời gian mấy chục năm, ông cũng như nhiều người trong gia đình đã chia nhau tìm đến hầu hết các Bộ Chỉ huy quân sự, các Sở LĐTB-XH, Phòng LĐTB-XH ở tất cả những tỉnh, huyện, xã… và rất nhiều nghĩa trang liệt sỹ. Không thể đếm được bao nhiêu cuộc điện thoại mà ông đã hỏi thăm tin tức tìm mộ của người anh qua những người trong đội quy tập mộ liệt sĩ Tây Ninh (K1) như anh Tâm, anh Mỹ... Mặc dù rất nhiều lần gửi gắm nhờ vả nhưng cho đến nay ông cũng chưa một lần được gặp mặt họ.

Xe xuống tới Nghĩa trang Châu Thành, lúc này dù trời đã quá trưa nhưng mọi người như quên cả mỏi mệt vội lao ra phía ngôi mộ. Dường như ai cũng đang nóng lòng chờ đợi giây phút được gặp lại người thân sau bao nhiêu năm tìm kiếm đầy gian nan. Dẫu là âm dương cách biệt nhưng khiến ai cũng ngậm ngùi, cứ nức nở gọi tên anh bên khói hương nghi ngút. Phần mộ của liệt sĩ Cương nằm ngay hàng đầu (số 192 E7P) của khu mộ các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Khmer đỏ. 

Chị Nguyễn Thị Gái cũng kịp thời có mặt để giúp gia đình lo đầy đủ các thủ tục cần thiết cho việc bốc mộ liệt sỹ Phí Văn Cương. Đúng lúc này, ông Đặng Đức Phu, cựu chiến binh, quê ở Hải Dương, hiện đang ngụ tại 26B/88, KP13, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), là người cùng đơn vị với liệt sỹ Cương cũng có mặt để kịp thắp nén hương cho người đồng đội mình trước khi tiễn anh về với gia đình.

Ngồi bên nấm mộ liệt sỹ Cương, ông Phu xúc động: “Ngày xưa, chú Cương hay cười lắm, anh em cùng đơn vị rất quý mến nhau, anh em từng hứa hẹn sau này khi hết chiến tranh sẽ về thăm nhà nhau, ấy vậy mà...". Điều thật thú vị khi ông Nhàn đến thăm gia đình ông Trần Hồng Hải (đã mất năm 1996), được giới thiệu là người đã có công quy tập hài cốt liệt sỹ Cương về Nghĩa trang Châu Thành. Vừa nhìn qua tấm ảnh thờ, ông Nhàn nhận ngay ra đây chính là người cán bộ năm xưa khi tập kết ra Bắc đã nhận làm con nuôi của bà ngoại ông.

Ngày đó tên ông là Trần Thanh Sơn (SN 1929), sau khi ông Sơn trở về miền Nam thì gia đình ông cũng bặt vô âm tín cho đến tận bây giờ. Quá mừng, ông Nhàn rút điện thoại báo tin vui cho tất cả mọi người trong gia đình biết thêm một sự tình cờ thú vị. Ông Nhàn bùi ngùi cho hay, thật may nhìn tấm ảnh của ông Sơn (tức ông Trần Hồng Hải) trên ban thờ rất giống thời còn trẻ nên ông đã nhận ra ngay.

Chỉ tiếc rằng giờ đây khi được gặp ông Sơn thì đã quá muộn, nhưng điều khiến ông băn khoăn nhất là trong nhiều năm qua ông Sơn vẫn thường xuyên đến nghĩa trang chăm sóc mộ, thậm chí còn đính chính lại cả ngày nhập ngũ và sửa chữ Phi thành Phí, rồi gạch chữ Văn Lang ở phần ghi quê quán của liệt sỹ Phí Văn Cương đi, thay bằng chữ Văn Lung…

Vậy tại sao ông Sơn không tìm cách báo tin về cho gia đình của liệt sỹ biết? Nhưng rồi cũng chẳng còn nhiều thời gian tìm hiểu, ông chỉ kịp thắp vội nén hương lên ban thờ người quá cố rồi ngậm ngùi xin phép ra về để kịp chuẩn bị đưa hài cốt liệt sỹ Cương về với gia đình.

Trời nhá nhem tối, ngồi bên mộ liệt sỹ Cương, ông Nhàn bảo: "Suốt đêm nay mấy chị em tôi sẽ không ngủ để chờ đến giờ tốt sẽ rước cốt đưa anh tôi trở về với gia đình sau bao năm anh đã đi biền biệt”. Nói rồi, ông lặng lẽ với tay đốt thêm tuần hương cắm lên nấm mộ, lúc này trời càng về khuya khiến cho khung cảnh nghĩa trang càng thêm tĩnh lặng và lạnh lẽo.

Anh Nhàn cho biết, từ ngày tìm được chính xác mộ anh trai mình chẳng đêm nào ông chợp mắt nổi. Có đêm nằm nghỉ ở khách sạn nhưng trằn trọc ngủ chẳng yên, ông vùng dậy thuê xe ôm chở vào nghĩa trang thắp hương cho phần mộ của anh trai rồi ngồi một mình lặng lẽ ngồi đó cho đến sáng…

Chiến tranh đã lùi xa. Đất nước đã hồi sinh, phát triển, nhưng vết thương lòng vẫn chưa thể nguôi ngoai. Dù không còn tiếng bom rơi, không thấy làn khói súng, nhưng sao vẫn hiện hữu những tiếng nấc nghẹn ngào với vô vàn giọt nước mắt mặn chát của nhiều bà mẹ đang chờ tin con, nhiều người vợ đang đi tìm chồng. Biết bao người thân ruột thịt như ông Nhàn cũng đêm ngày trông ngóng, kiếm tìm hài cốt người thân đang bị vùi lấp trong bạt ngàn cây rừng, dưới hàng vạn nấm mồ chưa rõ họ tên, đơn vị, bản quán…

Ông Nhàn lặng lẽ thắp hương cho các ngôi mộ liệt sỹ rồi lang thang trong nghĩa trang tìm ghi lại chi tiết từng ngôi mộ có địa chỉ cùng quê với ông để về báo tin giúp cho gia đình liệt sỹ biết. Ông thầm nghĩ, biết đâu những gia đình có mộ liệt sỹ đang nằm đây thiếu may mắn hơn gia đình mình, không tìm ra được phần mộ của người thân mình.

Ngày 9/12 vừa qua, gia đình ông Nhàn đã đưa hài cốt liệt sĩ Phí Văn Cương về yên nghỉ tại quê nhà, xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất