| Hotline: 0983.970.780

Quanh loạt bài "Nhức nhối làng quê": Những hệ quả tất yếu

Thứ Hai 24/10/2011 , 13:31 (GMT+7)

Loạt bài "Nhức nhối làng quê" đã chỉ ra nhiều loại tội phạm mới, nguy hiểm ở những vùng nông thôn, gây hoang mang cho người dân. Vì sao lại xảy ra điều đó?

Loạt bài "Nhức nhối làng quê" đã chỉ ra nhiều loại tội phạm mới, nguy hiểm ở những vùng nông thôn, gây hoang mang cho người dân. Vì sao lại xảy ra điều đó? Một số ý kiến sau đây sẽ phần nào cắt nghĩa thực trạng trên.

Ông Ngô Thế Tiến, giảng viên Học viện Pháp lý, Thẩm phán TAND TPHCMLơ là việc "trồng người"

Ngày xưa tội phạm chủ yếu về lĩnh vực an ninh chính trị và chỉ có một nhóm, một thành phần xã hội thực hiện. Bây giờ, tội phạm đã lan rộng ra mọi giới, mọi tầng lớp trong tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa đến chính trị, xã hội… Người có hoặc không có chức vụ, nghèo hay giàu, có học hay thất học…, tất cả đều có thể phạm tội. Nguyên nhân từ đâu? Theo tôi thì bởi vì chúng ta đang đánh mất giá trị xã hội, quên đi một giai đoạn giáo dục nhân cách. Lâu nay chúng ta cứ mải mê kiếm cho nhiều tiền mà lơ là chuyện “trồng người”, một thứ không chỉ là “vàng ròng”, là kim cương, mà là vô giá. Vàng, kim cương chỉ là vật chất, dù đắt tiền đến đâu thì cũng có giá, làm sao có thể ví với con người?

"Trồng một, gặt một, ấy là lúa. Trồng một, gặt mười, ấy là cây. Trồng một, gặt trăm, ấy là người". Câu nói này đã có cách đây hơn 2000 năm, như Bác Hồ nói: “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, nhưng đến giờ, chúng ta không hiểu hoặc cố tình không hiểu, không làm. Đây là hệ quả tất yếu của việc tội phạm gia tăng.

Giải pháp cấp bách bây giờ là phải tìm lại những giá trị xã hội đã bị mất, để trang bị cho những thế hệ tiếp theo. Phải làm sao để cha mẹ, thầy cô và người lớn nói chung là những tấm gương, những thần tượng xung quanh chúng để chúng noi theo. Hàng ngày, chúng được tiếp xúc với những tấm gương như thế thì chúng muốn hư cũng khó. 

Ông Trần Ngọc Hồng, giảng viên Trường ĐHKHXHNV TPHCMVật chất đang thống trị

Pháp luật của chúng ta rất chặt chẽ nhưng ngược lại rất…lỏng lẻo. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực tế, pháp luật của chúng ta hiện nay là con kiến không thể chui qua lỗ kim, nhưng con voi lại có thể lọt. Kỷ cương, phép nước, ở một góc độ nào đó, đang bị xem thường. Người ta có thể dùng tiền để mua mọi thứ. Đơn cử như tình trạng tiêu cực trong giới CSGT, đây là tình trạng phổ biến, xảy ra từ lâu, người dân ai cũng biết, báo chí đã tốn biết bao giấy mực để nói. Vậy mà một vị lãnh đạo cấp cao trong ngành công an lại nói "đa số là tốt”!?

Nền kinh tế thị trường khiến sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội quá lớn, nhiều người quanh năm suốt tháng cắm mặt làm mà không đủ ăn, trong khi đó nhiều người khác lại kiếm tiền (cả bất chính và minh bạch) quá dễ, họ muốn gì được nấy, coi đồng tiền như rác. Từ đó khiến những người nghèo mặc cảm, bất công. Tâm lý bức xúc, xem thường xã hội, xem thường chính bản thân mình dần hình thành. Đến cao trào, bản năng thấp hèn, phần “con” trong họ trỗi dậy, dẫn họ đến những hành động tiêu cực, và phạm tội.

Cần nói thêm rằng, trong bản chất mỗi con người, luôn luôn tiềm ẩn cái ác, chứ không hẳn là "Nhân chi sơ tính bản thiện". Tùy tác động môi trường mà cái ác hay cái thiện sẽ bộc phát. Chúng ta muốn cái ác không có cơ hội bộc phát thì trước hết phải coi trọng việc giáo dục nhân cách, văn hóa tinh thần truyền thống. Để làm sao cân đối giữa 2 giá trị vật chất và tinh thần trong mỗi con người. Sau đó là một hệ thống pháp luật thật nghiêm minh.

Bà Phan Thanh Minh, chuyên gia tư vấn tâm lýHậu quả của khủng hoảng gia đình

Trong thời buổi vật chất dư thừa với người này nhưng lại là sự thèm khát của người khác thì những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn rất dễ bị tổn thương khi hàng ngày chứng kiến các bạn cùng lứa khác ăn sung mặc sướng. Lúc này, chỉ cần có bạn trong nhóm kích động thì chúng sẵn sàng phạm tội mà chưa kịp hình dung hậu quả sẽ như thế nào.

Không chỉ có những thanh thiếu niên con nhà nghèo khó mới phạm tội mà cả những trẻ con nhà khá giả vẫn phạm tội. Đối tượng này dư tiền xài, nhưng vì cha mẹ chúng mải mê kiếm tiền, không còn thời gian quan tâm nên chúng phải sống trong đơn độc và thiếu hẳn tình cảm cha mẹ, từ đó dẫn đến việc chúng quậy phá.

Có thể nói, tình trạng tội phạm tăng cao và ngày càng trẻ hóa như hiện nay là hậu quả không thể tránh của khủng hoảng gia đình và sự xuống cấp của giáo dục, của một xã hội quản lý kém.

Thượng tá Khương Hồng Minh,báo Công an TPHCM:  Chưa coi trọng việc giáo dục nhân cách  

Về nguyên nhân dẫn đến tội phạm thì rất nhiều, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, về kinh tế, giáo dục, xã hội, tâm lý… Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án giết người, cướp của dã man, mà những kẻ thực hiện đều là thanh niên tuổi đời còn rất nhỏ. Nhưng, nguyên nhân đầu tiên phải nhắc đến là gia đình. Thời buổi kinh tế thị trường, người lớn trong mỗi gia đình đã dành quá nhiều thời gian vào những “việc lớn” là kiếm tiền mà lơ là sự quan tâm đến con cái. Bên cạnh đó, nếp sống gia đình không lành mạnh như bạo lực, cha mẹ thường đánh chửi nhau… từ đó trẻ em thiếu định hướng, lệch lạc về nhân cách, coi thường những giá trị nhân bản.

Khi con trẻ phạm tội, dính vào vòng lao lý, nhiều bậc phụ huynh ra trước tòa vẫn nói “cháu ngoan, chăm học…”, nhưng thực ra, họ mải mê kiếm tiền, có quan tâm đến con đâu, chỉ nghe người giúp việc “báo cáo”. Giáo dục trong nhà trường hiện nay nặng về dạy chữ, kiến thức hơn là dạy cho trẻ học cách làm người. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến nhiều trẻ chưa đến tuổi trưởng thành đã có hành vi phạm tội. 

Thời buổi bây giờ, không chỉ đi ra ngoài đường, mà ngay trong căn nhà mình cũng chưa chắc an toàn. Làm người tốt đã khó, làm người cao quý càng khó hơn. Chẳng ai phấn đấu để trở thành người cao quý, mà tuyệt đại đa số đều quay cuồng để có nhiều của cải hơn, chứ không phải để có nhiều đạo đức hơn. Chúng ta đang sống trong một xã hội quá thực dụng, người ta chỉ vây quanh và ngưỡng mộ kẻ có tiền, có quyền chứ nếu chỉ có cao quý không thôi thì chẳng ai quan tâm cả.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm