| Hotline: 0983.970.780

Quay lại xét hỏi và tranh tụng tiếp

Thứ Hai 28/04/2014 , 08:26 (GMT+7)

Một điều hết sức khó hiểu là, tuy bị thiệt hại đến 367 tỷ đồng, nhưng Vinalines không hề đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường.

Theo dự kiến, 14 giờ ngày 25/4, HĐXX phiên tòa phúc thẩm vụ án “tham ô” và “cố ý làm trái” ở Vinalines sẽ tuyên án. Nhưng đúng giờ đó, chủ tọa bất ngờ tuyên bố quay lại phần xét hỏi để làm rõ thêm một số nội dung. Có thể nói đây là trường hợp rất hiếm gặp trong một phiên tòa hình sự.

Được chủ tọa hỏi về lời khai của Sơn nói đã đưa cho mình 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory, Dương Chí Dũng phân trần:

- Thưa quý tòa, đúng là có một lần vào thành phố Hồ Chí Minh công tác, bị cáo đã ở khách sạn đó. 17 giờ 30 máy bay mới đáp xuống sân bayTân Sơn Nhất. Do đường tắc nên phải từ 18 đến 19 giờ bị cáo mới về đến khách sạn. Nếu Sơn muốn gặp bị cáo thì cũng chỉ có thể gặp vào buổi tối hôm đó thôi, vì ngay sáng hôm sau bị cáo đã phải họp hành liên miên. Sơn khai đã đưa 5 tỷ đồng cho bị cáo vào 17 giờ ngày hôm đó là hoàn toàn vô lý, vì lúc đó bị cáo còn đang… bay.

Được gọi ra trước vành móng ngựa, Trần Hải Sơn khai không nhớ rõ những ngày đã đưa tiền cho Dũng, chỉ nhớ theo khoảng thời gian với một vài tình tiết cụ thể. Lần đưa valy đựng 5 tỷ đồng đến khách sạn Victory cho Dũng, Sơn khẳng định có điện thoại trước cho Dũng nhưng không nhớ là gọi điện lúc mấy giờ, cũng không nhớ rõ sau lúc gọi điện có mang tiền đến ngay không.

- Nhà của Mai Văn Phúc (ở làng quốc tế Thăng Long- TG) là nhà chung cư. Tại sao tại cơ quan điều tra, bị cáo lại khai là nhà Phúc có cổng?

- Dạ thưa quý tòa. Khi điều tra viên hỏi thì bị cáo cứ khai vậy thôi chứ không đọc lại lời khai nên có thể bỏ qua. Bị cáo chỉ nhớ nhà đó ở gần một tòa nhà của Tổng công ty Hàng hải.

Trong một bản cung khác, khi khai đã đưa tiền cho Phúc tại một ngôi nhà khác của Phúc ở xã Hồng An, huyện An Dương, TP Hải Phòng, Sơn đã mô tả việc giao tiền diễn ra ở “phòng khách lầu 1”, nhưng kỳ thực ngôi nhà đó chỉ là nhà cấp 4, mái tôn cũ nát, xuống cấp.

Trả lời câu hỏi có nhận xét gì về bản khai có tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow, Trần Hải Sơn cho rằng chắc chắn nó đã bị nắn cong đi, không đúng với sự thật diễn ra. Sơn cũng không tin việc Goh nói trong lời khai đó là ông ta không bao giờ liên hệ với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Một vị thẩm phán trong HĐXX hỏi Sơn, khi kể với em gái là có một khoản tiền phải chuyển cho “các bác”, bị cáo có nói là tiền từ cái gì không? Sơn diễn giải rất loanh quanh, giọng ấp a ấp úng. Vị thẩm phán truy:

- Tự nhiên em gái bị cáo nhận được khoản tiền rất lớn, đến 28 tỷ đồng. Nếu không giải thích thì có ai chịu không?

Ngắc ngứ một lát, Sơn giải thích rằng gia đình bị cáo là gia đình “làm ăn”, nên chuyện đó là rất bình thường. Cần bao nhiêu tiền chỉ bảo em là được. Câu trả lời này của Sơn khiến vị thẩm phán phải lắc đầu, thốt lên: "Nghe không lọt”. Chủ tọa hỏi:

- Nhận được khoản tiền 1,66 triệu USD nhưng 8 tháng sau bị cáo mới chuyển hết tiền ăn chia cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Vì sao lại chậm vậy?

- Thưa quý tòa. Bây giờ bị cáo nói thế nào có thể quý tòa cũng không tin. Nhưng ở Tổng công ty Hàng hải đã có lệ, những việc như thế này là phải đưa bằng tiền mặt. Bị cáo phải thu xếp…

Bị xét hỏi, Mai Văn Phúc “khoe” với tòa rằng khi đàm phán với Công ty AP của Goh Hoon Seow để mua cái ụ nổi đồng nát 83M, mình đã “có công” ép giá từ 13 triệu USD xuống 10,2 triệu USD và cuối cùng xuống được giá…9 triệu USD (chủ sở hữu là một công ty của Nga chỉ bán với giá 2,3 triệu USD nhưng Vinalines không mua của chính chủ mà nhất định chỉ mua qua “cò” AP).

Sau khi ký hợp đồng, Vinalines đã đặt cọc cho AP 900.000 USD. Khi ụ nổi về đến Việt Nam, số tiền còn phải trả cho AP là 8,1 triệu USD. Lẽ ra dòng tiền chỉ đến 1 địa chỉ. Nhưng dưới sự chỉ đạo của một tay “phù thủy” bí mật, số tiền đó đã bị tách ra làm 3 để chuyển đi 3 nơi, trong đó trả cho một công ty của Nga 4,3 triệu USD. Ai đã chỉ đạo tách số tiền đó ra làm 3, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Tại tòa, Mai Văn Phúc khẳng định mình không biết việc này. Nhưng trong 3 bộ chứng từ chuyển tiền đều có chữ ký của Phúc, với tư cách là TGĐ Vinalines.

Trong vụ án này, nguyên đơn dân sự là Vinalines. Được HĐXX hỏi về hướng xử lý ụ nổi 83 M, vị đại diện của nguyên đơn cho biết, nếu phá ụ ra bán sắt vụn với giá 70.000 đ/kg thì được 49 tỷ đồng, so với giá được định của Hội đồng Định giá (37 tỷ) thì vẫn… lãi 12 tỷ.

Sự thực thì trên thị trường, sắt vụn chẳng bao giờ tới giá đó. Và sau khi mua, Vinalines đã phải bỏ ra nhiều chục tỷ để sửa chữa nhưng ụ vẫn không hoạt động được. Và tiền thuê bến neo đậu và bảo vệ đã ngốn thêm mỗi tháng 1 tỷ nữa suốt mấy năm nay. Con số 49 tỷ mà đại diện Vinalines đưa ra chỉ là cái giá của một con cua trong lỗ.

Một điều hết sức khó hiểu là, tuy bị thiệt hại đến 367 tỷ đồng, nhưng Vinalines không hề đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường. Tại phiên tòa sơ thẩm, chủ tọa nhiều lần đã nhắc đại diện Vinalines điều đó. 367 tỷ này là vốn Nhà nước cấp cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn nguồn vốn đó. Vì vậy Vinalines cần có yêu cầu trực tiếp để tòa có căn cứ buộc các bị cáo bồi thường. Có lúc không kìm được bức xúc, chủ tọa phải thốt lên:

- Hay chính vì đây là tiền Nhà nước nên nguyên đơn dân sự không cần quan tâm?

Nhưng mặc kệ, nguyên đơn vẫn khẳng định không yêu cầu bồi thường. Và đại diện VKS đã phải vào cuộc trước câu hỏi của LS: "Nguyên đơn không yêu cầu, vì sao lại bắt các bị cáo bồi thường?”. Theo vị đại diện VKS, thì mức phạt dân sự trong trường hợp này nằm trong án hình sự nên không cần có yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Chỉ cần xác định được mức thiệt hại là có thể buộc các bị cáo phải chia nhau bồi thường rồi.

Quan điểm trên của vị đại diện VKS được dư luận đồng tình. Và các bị cáo đã phải chia nhau bồi thường số tiền đó theo phán quyết của HĐXX phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm lần này, thái độ của nguyên đơn dân sự vẫn không khác trước.

Sáng nay, ngày 28/4, Tòa tiếp tục với phần tranh tụng.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất