| Hotline: 0983.970.780

Quê hương nhìn từ ca dao

Thứ Sáu 16/12/2011 , 12:16 (GMT+7)

Ở huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên có câu ca dao lâu đời còn truyền lại: “Vinh Ba đan cót đan gầu/ Phú Diễn chằm nón, xóm Bầu vớt rong/ Phú Thuận dệt vải bắn bông/ Phú Nhiêu, Thạnh Phú, Đồng Lâm chai đèn”.

Đó là những địa danh các xóm làng gắn liền với nghề nghiệp truyền thống ngàn xưa. Trong những nghề nghiệp này, có nghề nay đã mất hẳn như nghề dệt vải bắn bông, nghề lượm chai để làm đèn thắp sáng, nghề vớt rong nuôi heo. Hiện nay chỉ còn lác đác nghề chằm nón và đan đát trong cơn hiu hắt.

Những câu ca dao trên giống như những bức hình cũ gây cho chúng ta ngậm ngùi thương cảm. Chúng đã bạc màu cùng năm tháng nhưng hồn cốt vẫn lung linh trong tâm thức của chúng ta mỗi khi nhớ lại.

Nghề nghiệp mưu sinh của một địa phương, đó chính là xương sống cuộc sống của địa phương ấy. Những câu ca dao trên toàn là những nghề nghèo khổ vất vả của những thôn làng ấy. Những nghề không thể làm giàu được, những nghề không thể sướng được. Muốn đan cót đan gàu thì phải trèo vào bụi tre gai góc mà chặt, vác về nhà lại phải ra nan và ngồi cặm cụi đan đát ngày đêm. Muốn chằm nón thì phải vào rừng hái lá nón, rồi lại cũng ngồi cặm cụi từng đường kim mối chỉ. Dệt vải bắn bông cũng thế, phải trồng bông, phải bắn bông để làm ra sợi, để rồi cũng cặm cụi dệt những tấm vải ta thô sơ. Cả đến nghề chai đèn cũng vậy, cũng phải lang thang nơi rừng già để lượm chai chò, lại cũng cặm cụi nấu ra mà lăn thành những thỏi đèn thắp sáng. Tất cả đều cùng một mục đích giúp cuộc sống tồn tại để vươn lên khỏi đói nghèo và tăm tối. Thế là quá giỏi rồi. Nghĩ đến mà xót xa kính phục.

Những câu ca dao mang tính chất tổng kết đặc trưng nghề nghiệp như trên, quả thật quí giá. Chúng rất khách quan và đã trở thành lịch sử của tiến trình cuộc sống mỗi địa phương. Ngày nay chúng ta dùng điện sáng như ban ngày trong sinh hoạt, nhưng ngày trước ông bà mình phải làm từng cây đèn chai mà thắp sáng với khói toả mù mịt. Ngày nay chúng ta chọn lựa biết bao loại vải vẫn không vừa ý, nhưng ngày trước chỉ mong có áo vải thô dệt thủ công mà mặc. Chúng ta phải tri ân nỗi khổ cực đầy sáng tạo ấy của quê hương. Ngoái nhìn lại thời trước của tổ tiên, cuộc sống quả là thăm thẳm mấy từng sâu. Khổ cực cứ như cơm hằng ngày nhưng nghị lực cần cù cứ như không khí vẫn thở, và hy vọng như ánh sáng mặt trời không bao giờ tắt.

Một ông bạn tôi, đã nói rằng, cuộc sống thì cứ liên miên nối tiếp trường tồn, thế nên lúc nào nó cũng chỉ là hiện tại. Vậy trong cách nghĩ của ông bạn này, hẳn mấy câu ca dao trên cũng là hiện tại. Có lần tôi đã hỏi vặn ông như thế. Và ông bạn đã trả lời không chút nao núng: “Đúng, chính những câu ca dao ấy đã từng là những hiện tại, nhưng nay nó là những hiện tại vắng mặt. Và bây giờ ông nhắc đến là nó trở về ngay hiện tại này đây”.

Con đường bê tông nhựa từ thành phố Tuy Hoà về làng tôi đã xuyên suốt qua những địa danh trong câu ca dao trên. Hai bên đường đã nhà cửa khang trang và buôn bán tấp nập. Có nơi đã trở thành thị trấn. Và những câu ca dao trên, đúng như ông bạn tôi đã nói, đó là những hiện tại vắng mặt, nhưng một khi nhắc đến là nó về ngay. Về trong những hình dáng rất thân thương và khổ cực, buộc chúng ta phải thương cảm và trân trọng đến vô cùng.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất