| Hotline: 0983.970.780

Quen dần rau tem nhãn

Thứ Hai 25/08/2014 , 13:13 (GMT+7)

Cuối năm 2012, Chi cục BVTV Hà Nội tiến hành thí điểm gắn nhãn, dán tem nhận rau an toàn (RAT) tại các vùng đã được cấp giấy chứng nhận nhằm hỗ trợ khâu kết nối, tiêu thụ.

Sau hơn 2 năm triển khai, theo ghi nhận của chúng tôi, người tiêu dùng Thủ đô đã dần quen với việc sử dụng sản phẩm RAT có tem nhãn.

Trong quá khứ, có một thực tế là RAT được người SX ra đáp ứng mọi tiêu chuẩn và chất lượng ATVSTP nhưng vẫn bị người tiêu dùng hoài nghi. Dù các ngành chức năng nỗ lực quảng bá, tiêu thụ RAT qua mọi kênh bán hàng như siêu thị, nhà hàng, sân bay, quầy RAT… song lượng RAT bán ra chiếm một phần rất nhỏ, số còn lại vẫn được bà con bán lẫn lộn với rau ngoài thị trường.

Qua đó, vô hình chung khâu tiêu thụ không tạo ra sự khác biệt về chất lượng vá giá cả khiến người SX không có động lực làm RAT dẫn tới nguy cơ hệ thống SX dày công gây dựng nhiều năm có thể bị phá vỡ.

Từ thực tế trên, đòi hỏi cơ quan quản lý cần gắn tem, nhãn chứng minh nguồn gốc, chất lượng cho các vùng rau đã được quy hoạch, phê duyệt nhằm tạo điều kiện giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và người trồng rau bớt thiệt thòi.

Từ kết quả của việc thí điểm gắn nhãn, dán tem nhận diện trên RAT, năm 2013 Sở NN-PTNT Hà Nội giao Chi cục BVTV lập hồ sơ đăng kỹ nhãn hiệu chứng nhận “Rau an toàn Hà Nội” tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN). Đến nay, đã được UBND TP Hà Nội cho phép sử dụng địa danh Hà Nội cho nhãn hiệu “Rau an toàn Hà Nội” và đang trong thời gian chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ.

Bắt đầu từ năm 2011, Chi cục BVTV Hà Nội thí điểm gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT bán buôn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm với diện tích 250 ha.

Từ năm 2012, việc gắn nhãn nhận diện được nhân rộng ra các vùng rau đã được cấp giấy chứng nhận như Duyên Hà (Thanh Trì) 50 ha, Thanh Đa (Phúc Thọ) 50 ha, Tráng Việt (Mê Linh) 50 ha. Sản phẩm RAT sau khi gắn nhãn được đem đi tiêu thụ rộng rãi tại thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá rất cao.

Để tăng thêm uy tín cho sản phẩm RAT cũng như để người tiêu dùng dễ nhận biết, lựa chọn sản phẩm, tháng 9/2012, Chi cục BVTV Hà Nội cho tiến hành dán tem nhận diện “Rau an toàn Hà Nội” cho RAT bán tại các cửa hàng, siêu thị, chợ.

Việc đích thân ngành BVTV Hà Nội gắn tem nhận diện trên sản phẩm RAT và chịu trách nhiệm là một bước đột phá khẳng định về chất lượng và nguồn gốc với người tiều dùng. Tính đến tháng 6/2014, đã có 38 cơ sở tham gia thí điểm dán tem nhận diện “Rau an toàn Hà Nội”, mỗi cơ sở được cấp một mã số đóng lên tem nhận diện để phục vụ tra cứu và truy xuất nguồn gốc.

Chị Lê Thu Vân ở khu tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: Sau thời gian dùng thử một số sản phẩm RAT có gắn tem, nhãn thấy chất lượng hơn hẳn rau bình thường ngoài chợ, giá cả tương đối phải chăng nên hơn năm nay gia đình chị hầu như chỉ mua rau có gắn tem nhãn.

Giờ vào các siêu thị, cửa hàng và cả chợ truyền thống ở Hà Nội, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy sự xuất hiện khá đa dạng và phong phú các sản phẩm RAT được gắn tem, nhãn.

Nhằm quản lý, phân loại các vùng trồng rau, mỗi cơ sở, DN, HTX được Chi cục BVTV Hà Nội cấp một mã số cố định và dấu khắc để dập lên tem nhận diện hàng ngày. Tùy vào việc đóng gói của từng cơ sở SX, tem RAT sẽ được gắn trên bao bì, dây buộc hoặc trực tiếp trên lá rau với sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của cán bộ Trạm BVTV các quận, huyện được cắm chốt, túc trực tại các vùng SX RAT thí điểm gắn tem mác.

Mẫu tem RAT chung của Hà Nội đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ hiện nay có hình e líp màu xanh của rau với dòng chữ “Rau an toàn Hà Nội” và hình cây rau cải bắp cách điệu ở giữa.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.