| Hotline: 0983.970.780

Qui trình bón phân viên nén cho lúa cấy

Thứ Sáu 07/08/2009 , 09:56 (GMT+7)

Xin quí báo cho biết về loại phân này và hướng dẫn cách sử dụng?

Ruộng lúa vừa được bón lót bằng phân viên nén dúi sâu

Hỏi: Tôi đọc báo thấy nói ở Yên Bái triển khai dự án xây dựng mô hình bón phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa trên diện rộng cho hiệu quả rất cao, năng suất lúa tăng mà lại tiết kiệm chi phí, công lao động. Xin quí báo cho biết về loại phân này và hướng dẫn cách sử dụng?

Lò Văn Ban, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

Trả lời: Được Tổ chức Codespa (Tây Ban Nha) tài trợ kinh phí, vụ xuân năm 2009 vừa qua Hội phụ nữ Yên Bái phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái và Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội triển khai dự án “Sử dụng phân bón viên nén dúi sâu trong kỹ thuật thâm canh lúa” trên diện rộng (17 xã thuộc 5 huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ) đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Đáp ứng yêu cầu của bạn, chúng tôi đã tìm gặp Thạc sĩ Chu Anh Tiệp, một trong những tác giả của loại phân viên nén mới này để biết thêm thông tin. Thạc sĩ Tiệp cho biết: Phân bón viên nén NK dùng cho cây lúa do Bộ môn Thủy nông-Canh tác (Khoa Đất-Môi trường-Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) nghiên cứu, sản xuất đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều địa phương đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Đây thực chất là một loại phân chậm tan mà nguyên tắc sản xuất là sử dụng các chất phụ gia có khả năng giữ phân lâu hơn, làm cho phân tan từ từ, vừa đủ cho cây hút, vừa có đủ dinh dưỡng mà không bị ngộ độc, không bị mất mát do bị rửa trôi hay bốc hơi. Khi bón phân thúc cho lúa, thay vì bón vãi như trước đây, viên phân được dúi sâu trong bùn. Theo cách bón này, dinh dưỡng trong viên phân tan từ từ theo nhu cầu của cây lúa theo từng thời kỳ nên vừa tiết kiệm được cả công, vật tư mà hiệu quả lại cao hơn nhiều.

Kết quả thực tế ở Yên Bái trong vụ xuân vừa qua và nhiều địa phương khác khi sử dụng phân viên nén dúi sâu cho thấy: tiết kiệm được 30-35% lượng đạm so với cách bón vãi thông thường. Chỉ bón dúi 1 lần cho cả vụ, đơn giản, dễ làm và chủ động trong sản xuất (không phù thuộc vào thời tiết); làm giảm và hạn chế cỏ dại sâu bệnh, tiết kiệm được công lao động, chi phí, giảm tác hại đối với môi trường; giúp tăng năng suất lúa từ 10-20% so với cách bón phân vãi.

Qui trình kỹ thuật sử dụng phân viên nén NK dúi sâu bón cho lúa cấy:

- Chuẩn bị ruộng cấy: Yêu cầu cày bừa làm đất như với ruộng cấy lúa bình thường, bừa càng phẳng mặt ruộng thì càng dễ quản lý mực nước, cấy và dúi phân nhanh. Bón lót từ 200-300kg phân chuồng hoai và 10-15kg phân lân Văn Điển hoặc supe Lâm Thao cho 1 sào Bắc bộ (360m2) trước khi cấy như bón phân thông thường. Luôn giữ mực nước trong ruộng từ 3-5cm từ lúc cấy cho đến khi bón phân.

- Cấy lúa: Cấy thẳng hàng, đúng mật độ, khoảng cách. Nên cấy lúa theo từng luống cách nhau 25cm để thuận tiện cho việc áp dụng kỹ thuật bón phân viên nén dúi sâu sau này. Mỗi luống gồm có 8 hàng lúa theo khoảng cách: 20cm x 20cm (hàng cách hàng 20cm, khóm cách khóm 20cm), nếu đất tốt có thể cấy thưa hơn với khoảng cách 21-22cm x 21-22cm. Cấy đúng tuổi mạ (có 3-4 lá thật); cấy nông tay, mỗi khóm từ 1-2 dảnh. Nếu ruộng tốt, giống đẻ nhánh khỏe thì chỉ nên cấy 1dảnh/khóm.

- Kỹ thuật bón (dúi) phân viên nén NK:

+ Bón tốt nhất là ngay sau khi cấy, thời gian bón càng ngắn càng tốt (vụ xuân từ 1-5 ngày, vụ mùa từ 1-3 ngày).

+ Cách bón: Bỏ sẵn phân viên vào 1 cái túi đeo bên mình, mỗi người đi 1 hàng bón dúi cho 2 hàng bên cạnh (cách 1 hàng bón dúi cho 1 hàng, cứ 4 khóm lúa bón dúi 1 viên phân nén NK). Một tay luôn để khô để lấy phân đưa qua tay kia dúi sâu 6-8cm so với mặt ruộng (ngập hết 2 ngón tay cầm viên phân là vừa). Sau khi dúi xong, dùng tay gạt nhẹ một lớp bùn mỏng phủ kín viên phân.

+ Lượng bón: Tùy theo mật độ cấy mà có thể bón từ 9,0-9,5kg/sào Bắc bộ.

Một số điểm lưu ý khi bón phân viên nén NK để đạt hiệu quả cao nhất:

- Cấy lúa thẳng hàng để dúi phân nhanh, dễ dúi, dúi đúng vị trí và đảm bảo mật độ sẽ giúp cây lúa sinh trưởng nhanh, đồng đều, đẻ nhánh khỏe và tập trung, cho năng suất cao.

- Trong vòng 20-25 ngày sau khi dúi phân không được bước vào vị trí đã dúi phân để không làm xê dịch viên phân. Các công việc chăm sóc (làm cỏ, phun thuốc…) được thực hiện ở các hàng công tác không có dúi phân giữa 2 hàng có dúi phân.

- Không dúi viên phân quá nông (<5cm) hoặc quá sâu (>10cm); phủ kín để tránh phân bị bốc hơi; không bón phân viên nén cho các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất cát hoặc đất cát pha.

Khi bón phân viên nén dúi sâu sẽ thấy hiện tượng cây lúa sinh trưởng chậm hơn so với phương pháp bón phân gieo vãi từ 5-8 ngày. Để khắc phục tình trạng này bà con nên bón vãi trên mặt ruộng trước khi cấy 0,5kg urê/sào Bắc bộ sẽ giúp cây lúa sinh trưởng bình thường. Có thể kết hợp rắc hoặc phun thuốc trừ cỏ cho ruộng lúa ngay sau khi bón phân viên nén NK dúi sâu.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm