| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ Năm 13/06/2013 , 09:32 (GMT+7)

Chiều 12/6, Quốc hội đã bước sang nội dung chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Chiều qua (12/6), Quốc hội đã bước sang nội dung chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ mời thêm các Bộ trưởng khác có liên quan để cùng tham gia lý giải làm rõ các ý kiến của ĐBQH.

Tái cơ cấu ngành là giải pháp căn cơ để đột phá

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát là thành viên đầu tiên của Chính phủ trực tiếp trả lời các chất vấn của ĐBQH.

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) vào thẳng vấn đề: Ngành chăn nuôi chưa thể kiểm soát được chất lượng thức ăn, dịch bệnh, thị trường bị cạnh tranh mạnh, hàng lậu tuồn vào nhiều. Thời gian qua xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng. Xin hỏi Bộ trưởng đã chỉ đạo và xử lý như thế nào?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh một cách quyết liệt. Đến nay cơ bản đã khống chế được các loại dịch, bệnh trên vật nuôi. Bộ cũng đã kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trả lời chất vấn các đại biểu QH

Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương, nhất là địa phương biên giới để kiểm soát tình trạng buôn lậu, nhất là gia cầm lậu. “Việc này chúng tôi liên tục nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và kết quả đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sẽ làm mạnh hơn trong thời gian tới” – Bộ trưởng nói.

Về các giải pháp để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Sẽ lựa chọn vật nuôi tiểu vùng, khuyến khích phương thức chế biến thức ăn công nghiệp, bán công nghiệp. Rà soát lại quy hoạch, sản xuất nguyên liệu trong nước để giảm giá thành thức ăn. Hướng dẫn người dân tiến tới sản xuất tập trung, nhằm làm giảm giá thành chăn nuôi.

Về tình trạng chặt phá rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Bộ đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn. Năm tháng đầu năm nay, số vụ vi phạm đã giảm đến 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Thủ tướng đã có chỉ thị số 1685 và Quyết định 07 về tăng cường bảo vệ rừng. Bộ đang tích cực cùng với các địa phương để làm tốt các chỉ đạo này.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, đó là lỗ kép. Đặc biệt là chi phí đầu vào quá lớn. Trước thực trạng này, ĐB Ngân nêu câu hỏi: Bộ trưởng có giải pháp mới và đột phá nào để giúp cho người nông dân thoát nghèo và ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Hai là, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về ý kiến Chính phủ cần có riêng một gói hỗ trợ trực tiếp cho nông dân như vốn và lãi suất?

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Thủ tướng về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững ngành gắn với xây dựng NTM. Hiện đề án tái cơ cấu ngành đã được Thủ tướng phê duyệt, chỉ như vậy mới có thể giải quyết căn cơ được những khó khăn của ngành.

Cơ bản giải quyết được khó khăn đặt ra

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) nêu vấn đề: Chúng ta đã chủ động được bao nhiêu phần trăm cho cây giống, hạt giống, thuốc BVTV; con giống, thức ăn cho vật nuôi? Nền nông nghiệp Việt Nam có bị lệ thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài?

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát thì các loại giống cây trồng, vật nuôi về cơ bản là sản xuất trong nước. Có thông tin nói như giống thì 60%, 70% phụ thuộc vào nước ngoài. Bộ trưởng cho rằng thông tin đó không chính xác. Việt Nam trồng 7,7 triệu ha lúa một năm, trong đó có 700.000 ha lúa lai. Vậy 7.000.000 ha trồng lúa thuần hầu như chúng ta tự sản xuất lấy và các nhà khoa học của chúng ta chọn tạo ra. Còn về giống cao su, giống cà phê, nhiều loại giống cây khác chúng ta tự chọn ra hết.

Về chất lượng các loại cây giống mà ĐB quan tâm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Giống cũng tùy từng cây, từng con, có loại tốt nhưng cũng có loại còn thua kém. Như về cà phê năng suất của nước ta đứng hàng đầu thế giới nhưng cà phê của chúng ta là cà phê vối. Còn như Braxin, Colombia là cà phê chè được coi là loại cà phê có chất lượng cao hơn.

Còn giống cao su của chúng ta có năng suất cao hàng đầu trên thế giới và giống hoàn toàn do Viện nghiên cứu cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN chọn tạo...

Về thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng cho biết chúng ta nhập khẩu nguyên liệu để chế biến thức ăn công nghiệp mà chủ yếu là ngô, đỗ tương và một phần lúa mì. Các nhà khoa học có tính toán và cũng có báo cáo chúng ta nhập khẩu khoảng 33% nguyên liệu để chế biến thức ăn công nghiệp trong nước, cụ thể như năm ngoái là 1,3 triệu tấn ngô, 1 triệu tấn đỗ tương và 2 triệu tấn khô dầu.

 Để giải quyết những tồn tại này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng chính sách quan trọng nhất vẫn là chính sách thuế. Trong quá trình xem xét các luật về thuế, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội quan tâm đến lĩnh vực này để thu hút đầu tư nước ngoài. Bộ sẽ chú trọng việc nghiên cứu, chọn tạo các loại giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Một vấn đề khác mà theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) xem ra tưởng chừng là đơn giản nhưng sự thực nó rất phức tạp. Đó là công tác quản lý thuốc BVTV trên thị trường. ĐB Vinh đề nghị Bộ trưởng cho biết quyết sách để giải quyết nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng đây là vấn đề bức xúc. Biện pháp chính là xây dựng hành lang pháp lý. Quốc hội đã có pháp lệnh BVTV và hiện các cơ quan đang trình Quốc hội nâng nó lên thành Luật. Tổ chức kiểm tra thường xuyên và đấu tranh quyết liệt với việc buôn lậu. Thuốc BVTV phần lớn là từ buôn lậu. Đối với những sản phẩm kém chất lượng sản xuất trong nước thì sẽ sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm khắc.

Nông dân được hưởng 150 tỷ từ mua gạo dự trữ

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu câu hỏi với Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, người dân và DN được hưởng lợi như thế nào?

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đó như một biện pháp hỗ trợ thị trường chứ không phải là bao tiêu sản phẩm. DN được hưởng khoảng 200 tỷ đồng còn phần nông dân được hưởng là do biện pháp về thị trường của chúng ta làm cho giá lúa được nâng lên từ 100-150 đồng, cứ 1 triệu tấn được bán ra với giá được nâng ấy thì nông dân được lợi từ 100-150 tỷ đồng.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất