| Hotline: 0983.970.780

Quốc hội xem xét lời hứa của các Bộ trưởng

Thứ Tư 20/11/2013 , 08:34 (GMT+7)

Sáng 19/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kì họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Trong phiên thảo luận này, nhiều ĐB đã “mở sổ” đối chiếu việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng trước QH.


ĐB Nguyễn Văn Phúc: Không thể chấp nhận được việc xả lũ làm nhiều người chết như vậy mà không ai chịu trách nhiệm. Ảnh: Lâm Khánh

Dân thiệt mạng vì thủy điện xả lũ, cần xử lý hình sự

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết ở kỳ họp thứ 3 và 4, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã gợi ý giải pháp trích một phần lợi nhuận của các nhà máy thủy điện để hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân xung quanh vùng thủy điện. Sau đó, Nghị quyết của Quốc hội giao nhiệm vụ cho Bộ Công thương ban hành chính sách cho đồng bào nghèo vùng tái định cư thủy điện trong năm 2013, tuy nhiên, Bộ vẫn chưa có chính sách nào cho người dân. Tại kỳ họp này, khi được ĐB chất vấn bằng văn bản, Bộ Công thương lại cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT. “Đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương", đại biểu Học nêu kiến nghị.

Bức xúc trước thực trạng "chúng ta ngồi đây, đồng bào miền Trung đang sống trong lũ", đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) khẳng định, nguyên nhân là do thủy điện.

"Thủy điện giữ nước lại để kiếm vài tỷ đồng, trong khi lũ về thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Sao không xả nước từ trước khi bão về? Nếu thủy điện nào không làm thì có thể truy trách nhiệm. Vì lợi ích nhỏ của thủy điện mà để thiệt hại lớn thế là không được", ông Đương nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) nhắc lại thực tế, khi kỳ họp khai mạc, người dân miền Trung đang phải đối phó với bão lũ. Ông kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để giảm thiệt hại về người và tài sản bởi năm nào các vùng này cũng xảy ra bão lũ làm cho đời sống người dân nghèo đi. “Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề bão lũ và đã cử đến hai Phó Thủ tướng lo vấn đề này. Thế nhưng, cần có giải pháp để bảo đảm tài sản, tính mạng của người dân. Vì nếu không có giải pháp lâu dài thì có Phó Thủ tướng vào chỉ đạo quyết liệt nhưng Phó Thủ tướng đi thì lũ lại về thôi. Những vùng thường xuyên lũ như vậy cứ làm khá lên một tí thì qua một mùa lũ lại nghèo lại”, ông Phúc nói. Để giảm thiểu thiệt hại lũ lụt do các công trình thủy điện gây ra, ĐB Phúc cho rằng: “Phải điều tra, xử lý trách nhiệm hình sự cho nghiêm. Không thể chấp nhận được việc xả lũ làm nhiều người chết như vậy mà không ai chịu trách nhiệm”.

Vấn đề thủy điện xả lũ gây thiệt hại người và của; vấn đề chính sách hỗ trợ người dân xung quanh vùng thủy điện được các ĐBQH nêu tại Nghị trường đều thực sự cấp bách tuy nhiên do Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đang công tác nước ngoài nên các câu hỏi tạm thời còn để ngỏ. Có lẽ còn phải đợi đến kì họp sau.

Ít địa phương nhận trách nhiệm!

Quan tâm đến lĩnh vực đầu tư công, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho biết, kỳ họp trước, ông đã đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư làm rõ khoản nợ đầu tư xây dựng cơ bản, và xem xét về các quy định chi ngân sách và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra nợ đọng. Song ông chưa nhận được trả lời. Ông băn khoăn liệu rằng trách nhiệm cá nhân đã bị khỏa lấp và yêu cầu làm rõ trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng.

Trả lời, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, năm 2010 đã có thống kê nợ đọng xây dựng là 85.000 tỷ đồng song hiện nay đã giảm xuống khoảng 43.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ khi yêu cầu cấp thẩm quyền không ký đầu tư nếu không đảm bảo nguồn vốn. Tất cả các dự án phải qua thẩm định, thấy đủ tiền mới ký quyết định. Do vậy, thời gian qua tỷ lệ dự án mới khởi công rất thấp.

Về xem xét trách nhiệm của từng cá nhân để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư cho rằng, trong tài liệu gửi đại biểu, Bộ có gửi kèm báo cáo kiểm điểm của địa phương và các bộ, song có rất ít người nhận trách nhiệm hoặc nhận chung chung, ít trường hợp có địa chỉ cụ thể.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, để hạn chế nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản Bộ đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định 1792. Hiện nay, Nghị định đã phát huy tác dụng mạnh mẽ. Theo đó, Chính phủ chỉ thanh toán cho những công trình có trong kế hoạch của nhà nước, địa phương nào làm ngoài kế hoạch thì sẽ không được thanh toán. Đảm bảo từ nay đến năm 2015 về cơ bản sẽ khống chế được các khoản nợ đầu tư trong kế hoạch. "Chúng tôi sẽ làm hết mình song chuyển biến còn phụ thuộc cả các địa phương", Bộ trưởng Vinh khẳng định.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).