| Hotline: 0983.970.780

"Quốc lộ trắc trở"

Thứ Hai 28/02/2011 , 10:11 (GMT+7)

Thử làm một cuộc du hành bằng xe máy trên đoạn đường qua huyện Đông Hưng, chúng tôi mới hiểu vì sao nó lại mang tên ấy.

Là con đường huyết mạch, quan trọng vào bậc nhất của Thái Bình, QL 39 khởi đầu từ phía Nam cầu Triều Dương (phía Bắc của cầu là đất Hưng Yên), chạy qua ba huyện là Hưng Hà, Đông Hưng, Thái Thụy…

Dự án cải tạo, nâng cấp QL 39 được khởi động từ lâu. Nhưng thử làm một cuộc du hành bằng xe máy trên đoạn đường qua huyện Đông Hưng, chúng tôi mới hiểu vì sao nay nó lại được gọi bằng cái tên ấy, và quốc lộ này đang trở thành nỗi kinh hoàng cho người tham gia giao thông. Ngay đầu thị trấn Đông Hưng là cầu Trắng, mới thi công được một phần nhưng nhà thầu đã bỏ đi, vật liệu để bừa bãi, những thanh dầm cầu lớn xếp thành khối cao ngất chắn luôn một phần cổng trường PTTH huyện. Cầu cũ đã dỡ rồi, người và xe lưu hành phải qua một đường tạm có bề mặt chỉ 4-5 mét, lổn nhổn những đá và đầy ổ trâu, ổ voi, các phương tiện đến đấy phải đi với tốc độ của con rùa, hai ô tô ngược chiều tránh nhau rất khó, nên luôn luôn xẩy ra ùn tắc, vượt đoạn đường tránh chỉ trăm mét này có khi mất tới nửa giờ.

Tiếp theo là hơn 2 km đường chạy qua làng Nguyễn, việc GPMB mới được chừng một phần mười, hai bên đường nham nhở còn mặt đường thì biến dạng. Đoạn tiếp theo chạy qua phố Tăng tuy đã giải phóng xong mặt bằng nhưng có khúc mới tráng nhựa được một nửa, nửa còn lại vẫn tênh hênh toàn đất. Dọc đường, thỉnh thoảng lại gặp những cái “nút cổ chai”, chỉ bởi một, hai ngôi nhà còn nằm chình ình. Khủng khiếp nhất là đoạn đường từ làng Thần Khê thuộc xã Thăng Long đến xã Minh Tân của huyện Đông Hưng. Mặt đường đã biến dạng hoàn toàn, nhựa lát đường cũ đã bị lột hết. Xe cộ qua đây dù chỉ bò với vận tốc 5 km/giờ cũng vẫn lắc như đưa võng.

Ngày nắng, đoạn đường bị dìm ngập trong bụi khiến dân cư hai bên và khách bộ hành tối tăm mặt mũi. Ngày mưa to, xe ngập bánh trong một thứ bùn nhão nhoét còn ngày mưa nhỏ thì trơn như xoa mỡ. Tai nạn do ngã xe đã xẩy ra khá nhiều. Hết xã Minh Tân, từ xã Hồng Lĩnh thuộc đất Hưng Hà trở đi cho đến cầu Triều Dương ước hai chục cây số, dự án chưa hề động đến…

Vì sao người dân không chịu nhận tiền đền bù để trả đất cho dự án? Hỏi chuyện một số hộ dân bên đường, thuộc diện giải tỏa nhưng chưa đi, chúng tôi được nghe khá nhiều tâm sự. Ông Bình, một hộ dân ở bên cầu Trắng, than thở:

- Cùng là đất ở bên cầu cả, thế mà bên kia cầu được đền bù 7 triệu đồng một mét vuông, còn chúng tôi bên này chỉ được có 3,5 triệu, thiệt thòi quá. Dân phố Tăng ở xa thị trấn hơn thì lại được 4 triệu đồng, thế mới lạ chứ. Gọi phố Tăng là gọi theo địa danh, chứ nó chẳng phải phố xá gì. Chúng tôi đã kiến nghị, Ban GPMB đã tiếp nhận kiến nghị rồi nhưng bảo còn xin ý kiến cấp trên, chả biết bao giờ cấp trên mới có ý kiến…

 Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng Phạm Văn Hằng, Trưởng ban tiểu dự án GPMB dự án cải tạo, nâng cấp QL 39 đoạn qua huyện Đông Hưng cho biết, so với những dự án khác, thì công tác đền bù ở dự án cải tạo, nâng cấp QL 39 có phần được ưu đãi hơn. Phần lớn các hộ dân thuộc diện giải tỏa đều đã đồng ý nhận tiền đền bù và giao đất. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn ba điểm mắc nhất là: Một số hộ dân chưa ủng hộ việc giải phóng mặt bằng theo khung chính sách của Nhà nước, vẫn đòi hỏi những điều vượt khung; Tại một số xã, thôn, cán bộ chưa tích cực vào cuộc, coi việc giải phóng mặt bằng chỉ là việc của huyện. Và thứ ba là trước đây, công tác quản lý đất đai của địa phương còn không ít nơi làm trái quy định, khiến việc xác định nguồn gốc đất của một số hộ dân rất khó khăn, gây khiếu kiện kéo dài…

 Giải quyết ba điều khúc mắc trên không khó, chỉ cần quyết tâm của huyện. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là, những đoạn chưa GPMB đã vậy, nhưng sao có những đoạn, như cầu Trắng hay phố Tăng chẳng hạn, mặt bằng đã được giải phóng hoàn toàn, mà nhà thầu vẫn bỏ không thi công ? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Phạm Văn Hằng nói không biết, đó là việc của nhà thầu và Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông. Tỉnh chỉ thu hồi đất, và giao cho huyện làm chủ đầu tư tiểu dự án GPMB…

QL 39 là một con đường nhỏ, nằm hoàn toàn trong một tỉnh. Dự án cải tạo, nâng cấp QL 39 là một dự án nhỏ, nhưng nỗi khổ mà người dân tỉnh lúa phải chịu đựng do cách thực hiện dự án kiểu này thì rất lớn. Cứ đà này, để làm hết đoạn đường trên 30 km từ thị trấn Đông Hưng tới cầu Triều Dương, ít nhất phải dăm năm nữa. Không chỉ riêng QL 39 mà trên đất nước ta còn không ít những con đường như vậy vẫn đang bị “trắc trở” bởi rất nhiều lý do: nơi dân đồng ý nhận tiền, trả đất cho dự án thì tiền lại về chậm. Khi có tiền thì chính sách đã thay đổi, lại tắc vì khiếu nại. Nơi GPMB xong thì nhà thầu lại chậm triển khai hay thi công nhỏ giọt…

Với những con đường đó, phải chăng nên có sự phân cấp để cho địa phương (tỉnh) chịu trách nhiệm, rót ngân sách cải tạo, nâng cấp và sau đó là ngân sách duy tu về để tỉnh tự làm. Nếu được vậy, thì chắc chắn nhiều con đường sẽ “thay da đổi thịt” rất nhanh, bởi chúng luôn luôn là “đầu tàu” kéo nền kinh tế của tỉnh lên, nên chỉ cần có tiền là địa phương sẽ “ra tay” một cách khẩn trương, quyết liệt nhất

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất