| Hotline: 0983.970.780

Quỳ Châu đột phá từ cơ sở hạ tầng

Thứ Ba 08/04/2014 , 10:10 (GMT+7)

Tôi đến huyện Quỳ Châu (Nghệ An) khi những ngày đông giá lạnh đã xua tan. Nắng mới bắt đầu lan tỏa khắp cả núi rừng.

Vượt qua khỏi dốc Yên Hợp, cảnh quan tươi đẹp của Quỳ Châu đã hiện lên với khí hậu trong lành. QL 48 hối hả từng đoàn xe chở xi măng, sắt thép bấm còi rộn ràng. Kề bên sông Hiếu là những cọn quay đang cần mẫn đong đầy nước mát chuyển tới từng cánh đồng lúa bậc thang đang mướt xanh thì con gái.

Gặp tôi ngay từ đầu huyện, anh Phong Hoài đã níu tay bảo: Anh muốn viết về sự đổi thay ở Quỳ Châu thì trước hết hãy cứ vào trong Bình Bung. Thấy tôi lưỡng lự, Phong gọi ngay xe lai rồi cả hai cùng vượt đèo, leo dốc tới gần mười cây số.

Phong bảo: Thung lũng này trước kia gọi là Bình Bung vì nó xa mịt mùng, đất đai hoang hóa khô cằn, chỉ mọc toàn sim mua và lau lách. Mười năm trước, Phong có làm nghề làm “lâm tặc’’. Sau khi giải nghệ, Phong về bàn với vợ bán hết nhà cửa và tài sản rồi khăn gói lên Bình Bung lập trang trại. Đất đai ngày ấy bạt ngàn, ai có sức làm bao nhiêu cũng được. Năm đầu, Phong phát dọn được 1 ha rồi trồng ngô, đậu, nuôi gà để lấy ngắn nuôi dài.

Ba năm sau Phong đã có hẳn một trang trại hơn 10 ha. Trong đó diện tích đất trồng mía 5 ha, còn lại 5 ha trồng cây keo lai cao sản. Biết đất đai ở đây còn rộng nên Phong về quê ở xã Nghĩa Tiến, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vận động thêm 6 gia đình trẻ cùng đến Bình Bung lập nghiệp.

Ông Kim Văn Duyên, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, khi tiếp tôi rất hồ hởi: Thung lũng Bình Bung nay đổi tên là Bình Quang thuộc lâm phần xã Châu Bình. Trước đây, dân bản chỉ khai hoang được một số diện tích lúa nước dọc hai bên khe suối, nhưng bây giờ thì cả thung lũng ấy đã là một màu xanh no ấm từ mía, keo lai và bạch đàn.

Hộ anh Phong Hoài, anh Tùng, anh Hòe là những điển hình SX giỏi, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng. Đặc biệt có những hộ như anh Nguyễn Minh Toản, năm vừa rồi đã thu được gần 300 triệu đồng từ cây mía.

Ngược trung tâm huyện Quỳ Châu, khi đi qua Đồi Tỷ, Đồi Triệu trước đây có hơn 600 ha rừng nguyên sinh đã bị dân tứ xứ đào phá tan hoang tìm đá đỏ, nhưng nay đã được bà con thôn bản phủ xanh hết bằng cây keo lai cao sản. Chủ tịch xã Châu Bình cho biết, bình quân hằng năm nhân dân trong xã đã khai thác được 500 ha keo và trồng tiếp gần 700 ha.

Ông Vi Thế Long, Trưởng ban Phát triển nông thôn, miền núi huyện Quỳ Châu, bảo: Diện tích canh tác nông nghiệp của huyện miền núi còn hạn hẹp lắm, bởi vậy hằng năm ngân sách tỉnh còn cấp kinh phí cho Ban để thực hiện chương trình khai hoang vỡ hóa. Riêng năm ngoái, tỉnh cấp hơn 1 tỷ đồng, huyện đã khai hoang được 97 ha, trong đó đã mở thêm cho dân xã Châu Bình được 10 ha trồng lúa nước. Kế hoạch năm nay tỉnh sẽ cấp 1 tỷ 750 triệu đồng để 11 xã khai hoang thêm 170 ha và phục hóa 40 ha cho xã Châu Tiến.

Gặp tôi trong chuyến đi cơ sở trở về, ông Phan Đức Đồng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, bảo: Tôi từ dưới xuôi mới được điều động lên đây công tác chưa được bao lâu nhưng điều làm tôi phấn khởi nhất là cảnh quan Quỳ Châu rất đẹp, khí hậu trong lành mát mẻ và lòng dân thì đang rất hào hứng với công cuộc xây dựng NTM.

Và để thực hiện mục tiêu của Huyện ủy lấy công việc xây dựng cơ sở hạ tầng làm khâu đột phá, trong hai năm qua Quỳ Châu đã triển khai thi công hoàn thiện hàng loạt công trình như phai đập, kênh mương thủy lợi, giao thông từ QL 48 đi đến xã, liên xã, nội xã; Nhà văn hóa, trạm điện, trạm y tế, với tổng nguồn kinh phí lên tới trên 154 tỷ đồng. Trong đó mạng lưới GTNT đã làm được gần 91 km
đến từng thôn, bản.

Đất Quỳ Châu tuy rộng nhưng mỗi vụ chỉ gieo trồng được trên 1.800 ha lúa nước, ngô hai vụ 600 ha, sắn cỡ 1.300 ha, mía gần 1.600 ha. Khó khăn lớn nhất cho Quỳ Châu là ruộng đồng manh mún, tập tục SX của đồng bào còn lạc hậu. Vậy nên nhiệm vụ đưa tiến bộ khoa học vào đồng ruộng là một việc làm cấp thiết.

Chị Cù Thị Thanh Yên, cán bộ Trạm Khuyến nông Quỳ Châu, bảo: Năm nào trạm cũng xây dựng các mô hình SX, chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hướng dẫn tập huấn trồng lúa, ngô lai cho bà con cùng học tập. Và cho đến nay nhiều mô hình SX tiên tiến đã được người dân nhân ra diện rộng, trong đó năng suất lúa nước nhiều vùng đã đạt 68-70 tạ/ha. Năng suất đậu lạc, ngô đông đều tăng vượt trội so với tập quán canh tác cũ.

Những ngày ở Quỳ Châu, tôi được anh bạn chuyên vận chuyển xi măng, sắt thép từ miền xuôi lên đây, chở bằng xe máy đưa đi thăm thú nhiều làng quê bản làng. Vượt qua những núi non trùng điệp, dọc hai bên khe suối Nậm Chai, Nậm Can, Nậm Cướm là những cánh đồng lúa đang mướt xanh thì con gái.

Kề bên bãi bồi của sông Hiếu và sông Hạt, ngô vụ xuân trải dài uốn lượn phơi cờ trong nắng mới. Cao hơn nữa là bạt ngàn cây keo lai và bạch đàn đang vươn mình trong sự chở che của rừng già bao phủ.

Đến xã Châu Thuận, Chủ tịch UBND xã Vi Ngọc Duyên hớn hở: Châu Thuận là đơn vị dẫn đầu toàn huyện về tiêu chí xây dựng đường GTNT, hiện xã đã đổ nhựa hết tất cả các tuyến đường liên thôn, liên bản với chiều dài 7 km, rộng 5,5 m và độ dày trên 20 cm. Trong đó sự đóng góp tiền mặt của dân 1,6 tỷ đồng, còn công lao động và đóng góp vật liệu như đá, cát sỏi thì xã không thống kê hết được.

Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch xã Châu Tiến, bảo: Chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng đường GTNT là điều mà mọi người dân ai cũng đồng lòng. Bởi việc này làm đẹp cho gia đình mình và xã mình. Riêng ở Châu Tiến, khi xã ra quân phóng tuyến cắm mốc chỉ giới thì nhà nào cũng bảo phải làm cho lớn, cho thẳng để ô tô về tận ngõ. Vậy nên việc hiến đất, phá dỡ bờ rào, chặt đào cây cối để giải phóng mặt bằng là chuyện rất đơn giản. 

Ví như hộ như gia đình anh Nguyễn Đạc Đắc đã tự nguyện phá dỡ bờ rào và các công trình phụ trị giá đến trên 40 triệu đồng để làm đường GTNT. Và nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn xi măng, đến nay xã Châu Tiến đã thi công hoàn thiện hệ thống đường GTNT liên thôn, liên bản…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.