| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch lò mổ tập trung

Thứ Ba 01/10/2013 , 10:13 (GMT+7)

Hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước đang đi tiên phong trong việc loại bỏ các lò mổ lậu, nhỏ lẻ và hình thành các lò mổ tập trung lớn VSATTP.

Hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước đang đi tiên phong trong việc loại bỏ các lò mổ lậu, nhỏ lẻ và hình thành các lò mổ tập trung lớn VSATTP. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp 2 tỉnh này nhiều năm liên tiếp không xảy ra dịch bệnh lớn trên gia súc, gia cầm…

MÔ HÌNH BÌNH DƯƠNG

Từ 80 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, sau vài năm tỉnh Bình Dương đã thành công khi gom tất cả lại trong 20 cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại và được quản lý đầu vào, đầu ra chặt chẽ.

CHUYỆN CỦA ÔNG ÚT HẢO

Chúng tôi đến Cơ sở giết mổ gia súc Út Hảo (KP Tân Phú 1, phường Tân Bình, TX.Dĩ An, Bình Dương) vào gần 11h trưa, nhưng thật bất ngờ khi thấy hàng chục đầu mối kinh doanh thịt sỉ và lẻ tại Dĩ An và các vùng lân cận như Thủ Dầu Một, Thuận An… vẫn nườm nượp ra vào lấy hàng.

“Phải đến 2h chiều mới rảnh rang chút được!” – ông Út Hảo chủ cơ sở, vừa nói vừa dẫn khách đi một vòng khu lò mổ rộng tới 4.200 m2. Phía bên trong, hơn chục công nhân vẫn liên tục đẩy ròng rọc treo từng con heo nặng cả tạ ra ngoài, sau đó được nhóm công nhân khâu xẻ thịt hoàn thiện quy trình lóc thịt, xương và chia thành từng nhóm hàng để các đầu mối đưa đi tiêu thụ.

“Do giết mổ được máy móc hỗ trợ nên mỗi đêm cơ sở mổ tới 250 con heo và 20 con trâu bò các loại!” – ông Út tự hào khoe.

Nhớ lại những ngày đầu, ông Út nói: “Dù thâm niên 40 năm trong nghề, nhưng chỉ từ năm 2007 lại đây tôi mới thực sự làm bài bản thôi”. Ngay từ khi mới 20 tuổi, ông Út đã bước vào nghề giết mổ gia súc và lập đại bản doanh tại khu vực đất trung tâm hành chính Dĩ An. Suốt hơn 30 năm, lò mổ của ông được làm theo kiểu 3 không: không giết mổ treo, không xử lý nước thải, không chứng nhận VSATTP.


Giết mổ heo bằng giàn treo tại cơ sở Út Hảo

Theo ông Út thì lúc đó ở đâu cũng thế, chưa chủ lò mổ nào có ý thức về đầu tư cơ sở tập trung, cơ quan chức năng cũng khá thoải mái để họ tự do hoạt động. “Chỉ khoảng chục năm trở lại đây, tỉnh bắt đầu có nhiều chính sách khuyến khích về đất đai, vay vốn, thủ tục pháp lý cho chúng tôi làm ăn bài bản hơn. Mục đích cuối cùng là nhằm quản lý tốt dịch bệnh và cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo VSATTP cho người dân!” – ông Út nói.

Vào thời điểm năm 2007, nhận thấy cơ hội và xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, ông Út gom góp vốn liếng tích cóp được trong mấy chục năm làm nghề, cộng với tiền vay vốn hàng chục tỷ đồng quyết định đầu tư mua hơn 10.000 m2 đất tại Dĩ An, dùng 4.200 m2 để xây lò mổ và 6.000 m2 để nuôi nhốt trâu, bò, heo của các nơi đổ về giết mổ hàng đêm.

Có thể nói, đây là một trong những lò mổ lớn nhất tại Bình Dương với quy mô 3 giàn treo trâu bò, 10 giàn treo heo điều khiển hoàn toàn tự động. Do giết mổ tập trung nên giá cả ở đây cũng khá mềm: 40.000 đồng/con heo và 100.000 đồng/con trâu bò.

Vì thế, mỗi ngày có 13 đầu mối nhập heo và 8 đầu mối nhập trâu bò cả trong và ngoài tỉnh đem gia súc đến đây để giết mổ. Đặc biệt, khu xử lý nước thải của cơ sở được làm rất bài bản với 12 hầm biogas, đem về nguồn khí gas trị giá tới 100 triệu đồng/tháng.

Để quản lý dịch bệnh của cơ sở Út Hảo, Trạm thú y Dĩ An phải cắt cử 5 cán bộ thay phiên túc trực kiểm tra, giám sát toàn bộ nguồn hàng ra vào hàng ngày. Theo quy định, ông Út phải đăng ký với thú y về số lượng gia súc giết mổ trong ngày và cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ của các lô hàng ra vào. Tất cả thợ trong ca đều phải mặc bảo hộ lao động và khám sức khỏe định kỳ.

Thịt gia súc sau khi giết mổ, vận chuyển đến nơi tiêu thụ phải được thú y kiểm tra, lăn dấu kiểm soát giết mổ thân thịt và được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc giấy chứng nhận kiểm tra vệ sinh thú y (giấy xuất lò) đúng theo trọng lượng thịt, địa điểm kinh doanh.

DỊCH BỆNH KHÔNG CÓ ĐƯỜNG “CHẠY”

Trong hội nghị về quản lý dịch bệnh gia súc gia cầm mới đây, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã khen Bình Dương là tỉnh đi đầu trong việc khống chế dịch bệnh, đặc biệt có tới 7 năm liên tiếp không để xảy ra dịch cúm gia cầm. Để có được thành quả như thế, việc “tuyên chiến” với các lò mổ lậu, nhỏ lẻ và đẩy mạnh phát triển lò mổ tập trung, quy mô lớn, đảm bảo VSATTP là yếu tố có đóng góp quan trọng.

Trao đổi với NNVN, ông Tạ Trọng Khang – Phó Chi trưởng Chi cục Thú y Bình Dương cho biết: Mỗi đêm tỉnh Bình Dương giết mổ trên 2.000 con heo, vì thế ngay từ năm 2001, tỉnh đã có chủ trương quy hoạch lò mổ tập trung, giai đoạn đầu vẫn chỉ giết mổ trên sàn, còn gần đây nâng cấp lên giết mổ treo hoàn toàn.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã gom khoảng 80 điểm giết mổ nhỏ lẻ vào 20 lò mổ tập trung, rải đều ở nhiều nơi như TP.Thủ Dầu Một (2 lò), huyện Thuận An (3 lò), TX.Dĩ An (4 lò)...

Ngoài việc cung cấp được thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, việc quản lý giết mổ tốt đã giúp Bình Dương đứng trong nhóm những tỉnh có tỷ lệ tiêm phòng gia súc, gia cầm cao nhất nước với tỷ lệ trên 90%.

Ông Khang khẳng định: “Nếu con heo, con gà nào không tiêm phòng thì đừng mong vào lò giết mổ vì ở các lò tập trung đều có cán bộ thú y kiểm tra đầu vào nghiêm ngặt. Người chăn nuôi thấy thế thì họ tự ý thức phải tiêm phòng dịch để heo, gà được tiêu thụ thuận lợi, được giết mổ tại lò tập trung để có giá bán tốt, không bị lái ép giá”.

Đặc biệt, dù tổng đàn heo của Bình Dương rất lớn lên tới 600.000 con, nhưng do quản lý giết mổ tốt, đồng thời tỷ lệ nuôi trang trại lớn (chiếm tới 2/3) nên giúp cán bộ thú y quản lý dịch bệnh hiệu quả mà không quá vất vả. “Việc quy hoạch lò mổ giờ đã tương đối ổn định rồi. Nói vui, cán bộ thú y chỉ cần ngồi quán cà phê dọc một số tuyến, nếu chiếc xe nào chở heo, gà mà đi không đúng đường đến lò mổ là phát hiện “tóm” liền!” – ông Khang cười nói.

Dù năm nay đã bước qua tuổi 60, nhưng ông Út Hảo vẫn mơ ước: “Mong muốn lớn nhất của tôi là có được lò mổ giống như các nước tiên tiến trên thế giới. Họ giết mổ gia súc hoàn toàn trong phòng lạnh, thịt luôn đảm bảo về nhiệt độ nên tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng. Sắp tới, khi có thêm điều kiện về tài chính, tôi sẽ tiếp tục đầu tư để có được lò mổ hoàn toàn phòng lạnh như thế!”.

Ngoài ra, ông Út cũng dự định phối hợp với một số công ty chuyên nhập bò Úc sống về để giết mổ gia công, nhằm cung cấp nguồn thịt bò chất lượng cao với giá cả phải chăng cho người tiêu dùng Bình Dương và các tỉnh lân cận.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm