| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch treo “nuốt” đất nông nghiệp

Thứ Tư 15/12/2010 , 10:17 (GMT+7)

Hàng loạt dự án khu dân cư ở Bình Dương đang bị “treo”, khiến hàng trăm hecta đất nông nghiệp trong diện quy hoạch phải bỏ hoang, người dân không thể canh tác.

Hàng loạt dự án khu dân cư (KDC), với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ở Bình Dương đang bị “treo”, khiến hàng trăm hecta đất nông nghiệp trong diện quy hoạch phải bỏ hoang, người dân không thể canh tác.

 Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trên 197 dự án KDC, trong đó có nhiều dự án xây dựng dở dang, thậm chí bị bỏ quên. Tại Tân Uyên, một huyện nằm tiếp giáp với thị xã Thủ Dầu Một, nơi tập trung nhiều dự án KDC đô thị, người dân điêu đứng vì cảnh không có đất canh tác do vướng quy hoạch. Một cán bộ nông nghiệp huyện Tân Uyên cho biết: “5 năm trước, Tân Uyên là một huyện nông nghiệp, tập trung các vựa lúa chính của tỉnh. Nhưng thời gian gần đây, ngoài các khu công nghiệp, các dự án KDC bị đóng băng đã dần chiếm hết đất canh tác, người dân phải vất vả tìm kế sinh nhai”.

Dự án KDC Đồi Xanh (khu 4, thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên) có diện tích hơn 12 hecta, được UBND tỉnh phê duyệt cấp phép đầu tư năm 2004 cho Cty FICO (có trụ sở tại TP.HCM) làm chủ đầu tư. Nhưng gần 7 năm qua, dự án này vẫn nằm trên bàn giấy, khâu đền bù giải phóng mặt bằng vẫn “ì ạch” khiến toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm bị “đóng băng” theo. Nông dân đành đứng nhìn những vườn điều, vườn cây ăn quả trong diện giải tỏa chết dần, chết mòn.

Anh Trần Văn Sò (tổ 4, KP 7, thị trấn Uyên Hưng) bức xúc: “Khi có quyết định quy hoạch của tỉnh, chúng tôi đã chấp hành, nhưng doanh nghiệp không chịu đền bù, cứ dây dưa tháng này sang năm khác. Chúng tôi cũng không thể canh tác, trồng trọt hay chăm sóc cây nông nghiệp của mình do đã nằm trong diện giải tỏa”. Vụ mùa vừa rồi, anh Sò định đầu tư phân bón cho vườn điều, nhưng nhận được thông tin sắp chặt phá, giải tỏa nên dừng lại.

Cùng cảnh ngộ với anh Sò còn có hàng chục hộ nông dân khác cũng phải chịu cảnh nhìn đất nông nghiệp bỏ hoang. Thiệt hại nặng nhất là hộ nông dân Hà Tấn Tánh với hơn 3 hecta điều nằm “chết rục” trong diện giải tỏa. Anh Tánh cho biết: “Trước năm 2004, kinh tế gia đình tôi phụ thuộc vào số điều này. Mỗi ngày cho thu hoạch từ 50 – 60 kg, trừ chi phí chăm sóc, phân bón, gia đình tôi cũng lãi trên 100 triệu đồng/năm. Nhưng mấy năm lại đây, do không được đầu tư, chăm sóc, cây điều cứ chết dần. Nhiều lần gia đình dự định trồng cây mới, thay thế cây đã chết, nhưng chính quyền và nhà đầu tư không cho”.

Năm 2004, phía chủ đầu tư, Cty FICO chỉ đưa ra mức giá đền bù 20.000 đồng/m2, “kì kèo” mãi đến năm 2009 mới ra giá 45.000 đồng/m2 với lý do đất đồi bỏ hoang, nhưng mức giá ấy quá thấp so với thiệt hại của người nông dân. Các hộ dân có đất trong diện giải tỏa đã nhiều lần gửi đơn lên xã, huyện yêu cầu giải quyết đền bù để lấy vốn làm ăn, hoặc trả lại đất để người dân canh tác, nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Tại dự án KDC và Khu tái định cư An Sơn (xã An Sơn, Thuận An, Bình Dương), như NNVN đã có bài phản ánh,  hàng trăm hecta cây ăn trái hàng trăm năm tuổi của các hộ dân ấp An Phú, Phú Hưng, An Qưới… đang dần bị xóa sổ, nông dân đứng trước nguy cơ bị “đẩy” ra đường. Ông Nguyễn Năm (tổ 13, ấp An Qưới) phản ánh: “Vườn cây ăn quả hàng trăm năm tuổi của gia đình tôi nằm trong vựa trái cây Lái Thiêu nổi tiếng cả nước. Vậy mà chỉ chưa đầy một năm, từ khi lọt vào khu quy hoạch giải tỏa đã trở nên tiêu điều xơ xác. Hiện nay, thu hoạch từ vườn cây ăn quả không còn đáng là bao”.

Ở các huyện Dĩ An, Bến Cát, những địa phương giáp ranh thị xã Thủ Dầu Một cũng xảy ra tình trạng quy hoạch KDC treo, khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị hoang phí, nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Dự án KDC Thương mại và Dịch vụ Đông Bình Dương (xã Tân Bình, Dĩ An) được triển khai từ năm 2003, nhưng đến nay vẫn vướng khâu đền bù, giải tỏa. Gần 126 hecta, trong đó có hơn nửa là đất canh tác nông nghiệp của nông dân.

Trao đổi với NNVN, ông Phan Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Uyên Hưng (huyện Tân Uyên) cho biết: “Nhiều diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang dần bị thu hẹp do các dự án KDC, cụm công nghiệp mọc lên như nấm. Nông dân không có đất sản xuất phải đổ xô về thành phố làm thuê. Tại Uyên Hưng, Uỷ ban đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức các lớp dạy nghề sinh vật cảnh, may mặc, kỹ thuật điện… cho nông dân và con em nông dân không có đất sản xuất, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con”.

Về vấn đề khiếu kiện của các hộ dân ở dự án KDC Đồi Xanh, ông Miên cho biết, Ủy ban thị trấn đã nhiều lần nhận được nhiều đơn thư khiếu nại của bà con phản ánh tình trạng đền bù, giải tỏa chậm của Cty FICO khiến người dân không có đất sản xuất. Sắp tới, Uỷ ban sẽ đề nghị lên huyện tổ chức họp mặt chủ đầu tư và các hộ dân để thỏa thuận mức giá đền bù.

Xem thêm
Việt Nam coi nông nghiệp Nhật Bản là hình mẫu về khoa học, cách thức và thái độ

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu mực để học tập về khoa học, về cách thức, và cả thái độ.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.