| Hotline: 0983.970.780

Quý Lộc sau một năm đạt chuẩn

Thứ Sáu 14/03/2014 , 09:42 (GMT+7)

Tháng 1/2013, xã Quý Lộc, huyện Yên Định (Thanh Hóa) vinh dự là xã đầu tiên đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Thanh Hóa.

Vậy, việc duy trì 19 tiêu chí đã đạt sau một năm ở Quý Lộc ra sao?

Duy trì tiêu chí không dễ

Quý Lộc là một trong những xã có diện tích hẹp nhưng dân số đông nhất nhì so với các xã điểm xây dựng NTM của tỉnh Thanh Hóa. Toàn xã có 1.370 ha đất tự nhiên (trong đó đất SXNN 869 ha) nhưng có đến 3.065 hộ dân với hơn 1,2 vạn khẩu; đây là một lợi thế nhưng cũng là một thách thức của địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình. Thuận lợi là huy động nguồn lực đóng góp dễ dàng hơn nhưng khó khăn chính là việc duy trì các tiêu chí sau khi đã đạt chuẩn.

Ông Trịnh Đình Thịnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: "Tháng 1/2013, chúng tôi được công nhận là xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM. Thời điểm đó, vừa vinh dự vì thành tích đạt được nhưng cũng rất lo lắng cho bước duy trì, phát triển các tiêu chí về sau. Và quả thật, giữ được chuẩn NTM không dễ dàng. Trong đó, tiêu chí y tế và môi trường là những tiêu chí khó duy trì nhất".

Theo lý giải của ông Thịnh, trong thời gian gần 3 năm xây dựng NTM, việc vận động người dân tự nguyện tham gia BHXH, BHYT đạt trên 70% đã rất khó khăn nhưng đến khi đạt chuẩn NTM rồi, duy trì tỷ lệ trên lại càng khó khăn hơn, bởi giải pháp duy nhất thực hiện tiêu chí này chỉ có vận động, tuyên truyền.

Điều đáng nói ở đây, nhận thức của người dân không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, BHXH, ngoài ra không loại trừ một số hộ dân do điều kiện kinh tế khó khăn, không thể tham gia bảo hiểm.

Còn đối với tiêu chí môi trường, không riêng gì Quý Lộc, hầu hết các xã đã đạt chuẩn NTM cũng rất trăn trở trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.

"Chăn nuôi ở Quý Lộc hiện đang rất phát triển với gần 4 nghìn con trâu bò, hơn 20 nghìn con lợn và 4 triệu gia cầm. Nhưng đi kèm với thành tích trên không thể tránh khỏi ô nhiễm môi trường. Mặc dù, xã đã thành lập riêng một đội thu gom rác, vệ sinh môi trường nhưng không thể làm xuể công việc vì ngày nào cũng có trâu, bò thải phân trên đường bê tông hoặc mùi hôi bốc lên từ các trang trại chăn nuôi. Vì thế, tôi nghĩ người dân phải tự ý thức bảo vệ môi trường thì tiêu chí này mới bền vững được", ông Thịnh nhấn mạnh.

Phải là gì?

Sau gần 3 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn xã Quý Lộc đã đổi thay hoàn toàn với đường giao thông bê tông hóa gần 100%; hệ thống kênh mương phục vụ SX được đầu tư đến tận đồng ruộng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,68% xuống còn 4,67%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17,3 triệu đồng lên gần 32 triệu đồng/người/năm (2013).

Để giữ vững thành tích xã NTM đầu tiên của xứ Thanh, Quý Lộc tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Chương trình (từ 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020).

Theo đó, những tiêu chí đang đạt thấp, xã tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng. Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng các giải pháp cụ thể như: Quy hoạch 500 ha SX lúa chất lượng cao; chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, màu hiệu quả thấp sang trồng mía nguyên liệu; phối hợp Cty Giống cây trồng Trung ương SX 50 ha giống lúa Q5, Khang dân đột biến và trồng một số loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế từ 70-200 triệu đồng/ha như ớt, ngô ngọt...

Đối với chăn nuôi, ngoài 171 mô hình trang trại, gia trại đã có, hình thành thêm cụm chăn nuôi bò thịt hàng hóa với 32 hộ dân tham gia; nhân rộng mô hình CLB nuôi gà đẻ trứng của Hội Phụ nữ; hoàn thành dự án SX giống lợn nái ngoại nhằm cung ứng giống cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn.

+ "Quý Lộc là xã điển hình trong xây dựng NTM ở Thanh Hóa. Mặc dù, đất chật, người đông nhưng sự đồng thuận từ chính quyền đến mỗi một người dân thể hiện rất rõ nét, đây chính là chìa khóa để Chương trình xây dựng NTM thành công", ông Trần Đức Năng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thanh Hóa.

+ "Xây dựng NTM là chương trình có nhiều cái hay, trong đó, tôi tâm đắc nhất là việc đưa được nhiều cây, con mới vào SX; công tác VSMT được phát động định kỳ làm cho cảnh quan môi trường nông thôn sạch đẹp hơn; hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ ngày càng phát triển mạnh, tạo được sự đoàn kết chặt chẽ trong nhân dân", nông dân Trịnh Văn Minh.

Ông Trịnh Văn Minh ở thôn 7 cho biết, gia đình ông có 2 trang trại chăn nuôi gà, một trang trại quy mô 1.000 con/lứa, được đầu tư từ năm 2001.

Trong thời gian phát triển trang trại ông nhận thấy nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vì khó khăn về tài chính nên không có điều kiện mở rộng. Đến năm 2013, tiếp cận được chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh, huyện, xã theo Chương trình xây dựng NTM, ông Minh mạnh dạn thuê đất, vay vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng xây mới thêm một trang trại quy mô 10.000 con gà/lứa.

"Nhờ có kinh nghiệm nên mỗi năm tôi xuất bán bình quân 4 lứa gà, sau khi trừ chi phí đầu tư tôi còn lãi ròng 70-80 triệu đồng/lứa. Với nông dân, thu nhập của gia đình tôi được xếp vào hàng "khủng".

Tôi rất cảm ơn chính quyền các cấp đã tạo điều kiện để những nông dân có máu làm giàu như tôi có cơ hội phát triển", ông Minh phấn khởi.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Minh còn là một trong những hộ chăn nuôi đi đầu trong việc chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp con giống, giúp đỡ hơn 20 hộ dân trong thôn phát triển thành công mô hình chăn nuôi gà quy mô lớn.

Trở lại với các giải pháp xây dựng NTM bền vững, theo ông Thịnh, nếu chỉ phát triển trồng trọt và chăn nuôi thôi thì chưa đủ. Với một xã đông dân như Quý Lộc, tạo điều kiện cho con em đi XK lao động cũng là một cách để nâng cao thu nhập cho bản thân họ và gia đình. Đồng thời, nhân rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như ép tôn, SX gạch, đá, xi măng, may mặc, SX miến, bún...

Đối với các phong trào văn hóa, xã hội, vệ sinh môi trường; hằng tuần, hằng tháng xã phát động phong trào toàn dân đổ tấm đan xi măng, đậy rãnh thoát nước và 12 tổ thu gom rác của 12 thôn tổng vệ sinh các trục đường, khu dân cư.

Với lộ trình đặt ra như trên, tin tưởng rằng đến năm 2015, Quý Lộc sẽ hoàn thành mục tiêu thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đạt 141 triệu đồng/ha; thu nhập đầu người 40 triệu đồng/người/năm.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm