| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 26/09/2017 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 26/09/2017

'Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân', thiếu chế tài xử lý!

Bộ trưởng Công an mới ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BCA, quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân, có hiệu lực từ 6/10/2017.

Hiện cũng đã có nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, ngành nghề ban hành những bộ quy tắc ứng xử của mình. Chẳng hạn, “Bộ quy tắc ứng xử về văn minh du lịch” của Bộ VH-TT&DL; Bộ quy tắc ứng xử của ngành Kiểm toán; Bộ quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ, thậm chí Bộ này còn có những bộ quy tắc ứng xử riêng cho cán bộ làm ở địa phương, làm trong từng lĩnh vực nhỏ hơn như lưu trữ…; Quy tắc ứng xử của chính quyền TP Hà Nội…

Theo nguyên tắc chung, các “bộ Quy tắc ứng xử” của mỗi ngành nghề, mỗi địa phương, đều được xây dựng dựa trên những điều mà cơ quan ban hành mong đợi ở các đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của Quy tắc, sẽ cư xử chuẩn mực trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trong quan hệ xã hội và môi trường tự nhiên. Những điều cần thực hiện sẽ được trình bày cho dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hành động, phù hợp với pháp luật và các quy định khác.

Tuy vậy, không một bộ quy tắc nào có thể đề cập đến mọi tình huống có thể xảy ra, cũng không thể bao gồm toàn bộ những điều khoản pháp luật hoặc bao gồm toàn bộ các tình huống liên quan. Vì thế, những “Bộ Quy tắc ứng xử” này không thể thay thế cho sự tư duy và phán đoán đúng đắn, mà chỉ nhằm mục đích giúp cho mỗi người đặt câu hỏi hợp lý và đưa ra quyết định đúng đắn. Nó là một nguồn tài liệu để giúp bạn ứng xử và hành xử tốt trong các tình huống mà bạn có thể gặp phải trong các mối quan hệ.

Việc ban hành Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân là rất cần thiết khi nó đưa ra cách xử thế chuẩn mực trong những tình huống cụ thể. Nhưng Thông tư 27 này, khi được ban hành đã lược bớt đi 1 điều khoản so với bản dự thảo được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an từ ngày 18/7/2017 - là “Điều 17 về Khen thưởng, kỷ luật”, trong đó có nêu: “Kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân là một trong các tiêu chí để đánh giá, nhận xét cán bộ và bình xét danh hiệu thi đua hằng năm” và “lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp quản lý sẽ bị xử lý trách nhiệm liên đới khi có cán bộ, chiến sĩ vi phạm”.

Hai chế tài này là cần thiết, chúng đảm bảo cho việc thực hiện được tốt, sao lại lược bỏ?