| Hotline: 0983.970.780

Quy trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng công cụ kéo tay

Thứ Hai 13/12/2010 , 09:25 (GMT+7)

Khoanh vùng tập trung ở nơi chủ động tưới tiêu để tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh...

1. Chuẩn bị ruộng gieo:

Khoanh vùng tập trung ở nơi chủ động tưới tiêu để tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ, phòng trừ sâu bệnh. Làm đất kỹ, phẳng (như làm đất gieo mạ); giữ nước trên mặt ruộng đến trước khi gieo. Bón đủ phân lót trước khi bừa lần cuối. Đất đồi gò, đất cát pha, chân vàn cao làm đất xong, tạo rãnh, gieo ngay. Đất đồng bằng, với chân vàn, làm đất xong buổi sáng, buổi chiều gieo hạt; với chân vàn thấp và bùn hẩu nên làm đất xong trước khi gieo 1 ngày hoặc 1đêm, giữ nước trên mặt ruộng đến trước khi gieo tháo cạn.

2. Ngâm ủ hạt giống:

- Xử lý hạt giống: Trước khi ngâm xử lý hạt giống bằng nước muối 15% nhằm chọn ra 100% hạt chắc, mẩy, loại bỏ hoàn toàn hạt lép, lửng và hạt cỏ dại: Pha 1,5 kg muối ăn với 10 lít nước sạch, sau đó đổ thóc giống vào dung dịch nước muối đã pha theo tỷ lệ một phần thóc ba phần nước, dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch, tiếp tục ngâm với nước sạch, khi thấy hạt trong, phôi hạt phình lên, đãi sạch rồi ủ. Thời gian ngâm từ 48 - 60 giờ, tuỳ giống và điều kiện thời tiết, trong quá trình ngâm cứ 10-12 giờ thay nước một lần (dung dịch nước muối có thể xử lý được 3-4 lần, cứ mỗi lần tiếp theo lại bổ xung thêm muối và nước theo đúng tỷ lệ). Với giống lúa lai thì không được xử lý bằng nước muối, thời gian ngâm ngắn hơn từ 24-36 giờ, tuỳ giống và điều kiện thời tiết.

* Lưu ý với giống liền vụ: sau khi xử lý nước muối thì xử lý tiếp theo 1 trong 3 cách sau:

+ Ngâm hạt giống trong dung dịch axit Nitric HNO3, nồng độ 0,2% trong 24 giờ

+ Ngâm hạt giống trong nước có pha thuốc Lufain 91 hoặc Lufain 91A trong 24 giờ

+ Ngâm hạt giống trong nước có hoà Supe lân, nồng độ 5% trong 24 giờ

Sau khi xử lý xong vớt ra đãi sạch ngâm tiếp bằng nước sạch cho đến khi đạt yêu cầu thì đem ủ.

- Ủ hạt giống: Trước khi ủ nên xử lý hạt giống bằng CRUISER (pha 5 ml Cruiser với 1-1,5lít nước sạch trộn đều 20 kg thóc giống) để diệt các mầm bệnh và bọ trĩ gây hại thời kỳ đầu.

- Điều khiển độ dài của mầm và rễ: điều khiển ngâm ủ để để mầm dài hơn hoặc bằng rễ, khi gieo xuống rễ bám ngay vào đất theo 1 trong 3 cách sau:

+ Điều khiển bẳng cách vừa ngâm vừa ủ: ngày ngâm, đêm ủ;

+ Khi hạt nứt nanh chộn với tro bếp hoai mục (10 kg giống chộn với 0,3 - 0,4kg tro bếp) trong khoảng thời gian 10 – 15 phút, sau đó đãi sạch, tiếp tục ủ sẽ kích thích mầm phát triển dài hơn rễ.

+ Nếu không có tro bếp có thể dùng kaliclorua nồng độ 5%: Pha 50gr KCl với 10 lít nước sạch, ngâm hạt giống từ 10 - 15 phút sau đó vớt ra, đãi sạch, tiếp tục ủ.

- Độ dài mầm và rễ phù hợp là: mầm dài bằng 1/2-2/3 hạt thóc, rễ dài bằng 1/3-1/2 hạt thóc.

3. Thời vụ gieo:

- Vụ xuân: Lấy mốc thời điểm lúa trỗ an toàn của vùng đồng bằng Sông Hồng là từ 1 – 15/5 để làm căn cứ tính thời điểm gieo cho từng giống, từng trà lúa. Tập trung gieo từ sau lập xuân đến 20/2, khi nhiệt độ bình quân trong ngày > 15oC.

- Vụ mùa, trà cực sớm và sớm, gieo từ 25/5 – 5/6; trà chính vụ: gieo từ 5/6 - 20/6,

4. Gieo hạt:

4.1. Chuẩn bị trước khi gieo:

* Làm phẳng ruộng và tạo rãnh

- Trước khi gieo tháo cạn nước, vét rãnh sâu xung quanh ruộng sau đó dùng cây chuối hoặc ống nhựa có đường kính 10 - 12 cm bịt kín 2 đầu bên trong có chứa nước hoặc bùn loãng; chiều dài dài hơn chiều rộng của giàn gieo khoảng 10cm, hai đầu buộc 2 ống quần hoặc bao tải nhỏ chứa đầy cát bên trong, dùng dây thừng để kéo vừa có tác dụng san phẳng mặt luống, tạo lớp bùn loãng trên mặt, đảm bảo khi gieo hạt giống chìm trong bùn, tăng cường khả năng chống đổ và phòng tránh chim chuột phá hoại, vừa tạo rãnh thoát nước thuận lợi cho việc chăm sóc sau này.

- Sau khi tháo nước, trang phẳng mặt luống tạo lớp bùn mới trên mặt, phải gieo ngay.

- Nếu ruộng phẳng, dốc thì không cần lên luống, vết bánh của giàn kéo đồng thời là đường thoát nước.

- Tuyệt đối không để đọng nước trên mặt luống: sau khi gieo phải kiểm tra ngay, nếu thấy có đọng nước trên mặt luống thì phải lội xuống ruộng theo rãnh, dùng que gậy kéo một vệt từ chỗ đọng nước xuống rãnh. Nếu để đọng nước sau này sẽ bị mất khoảng, tốn công tỉa dặm.

* Chuẩn bị giàn gieo: Giàn gieo có 6 trống để đựng giống, mỗi trống có 4 hàng lỗ (2 hàng lỗ mau 14 lỗ/1 hàng gieo với mật độ 30-40kg/ha; 2 hàng lỗ thưa 7 lỗ/1 hàng gieo với mật độ 20-30kg/ha); hàng cách hàng 20 cm. Tuỳ theo từng chân đất, giống, thời vụ mà chọn mật độ gieo phù hợp.

+ Đất đồi gò, vàn cao, cát pha, vụ xuân thì gieo hàng lỗ mau; Dùng dây chun bịt bớt hàng lỗ thưa.

+ Đất đồng bằng, chân vàn, vàn thấp, vụ mùa thì gieo hàng lỗ thưa; Dùng dây chun bịt bớt hàng lỗ mau.

+ Đối với lúa lai hoặc áp dụng biện pháp thâm canh lúa cải tiến thì gieo hàng lỗ thưa. Điều khiển ngâm ủ để mầm dài gần bằng hạt thóc, lượng giống sẽ xuống ít hơn.

Mở nắp trống, chia đều lượng giống vào trong các trống (chỉ đổ đầy 2/3 trống), đóng nắp lại, kiểm tra nắp cho chắc chắn, tránh để bật nắp.

4.2. Gieo hạt: Sau khi chuẩn bị xong, đưa giàn vào vị trí gieo, kéo thẳng xuôi theo chiều mũi tên trên nắp trống, khi tới đầu bờ nhấc giàn gieo lên quay ngược lại 1800, đặt một bánh ở lần kéo sau trùng với bánh ở lần kéo trước rồi tiếp tục kéo, cứ như vậy đến khi gieo hết ruộng.

Trước khi kéo phải đẩy lùi giàn gieo về phía sau để hạt giống văng ra ngay từ đầu hàng, kéo đều tay để mống xuống đều theo hàng.

Khi đang kéo mà dừng lại, nếu muốn kéo tiếp phải đẩy lùi, kéo đi kéo lại tại chỗ cho hạt mống rơi xuống rồi mới kéo tiếp. Nếu không làm như vậy thì sẽ có một khoảng trống không có mống, sau này phải dặm lại.

Khi gần hết ruộng phải mở nắp trống ra, kiểm tra lượng giống bên trong để điều chỉnh kịp thời.

5. Bón phân:

* Lượng phân bón cho lúa gieo thẳng tương tự như với lúa cấy, xong cần giảm lượng đạm và tăng lượng ka li so với lúa cấy khoảng 10%, cụ thể lượng phân bón cho 1 sào như sau: Phân chuồng: 200 - 300kg (nếu không có phân chuồng có thể thay thế bằng phân bón hữu cơ vi sinh, lượng bón bằng 1/3 PC); Đạm urê: 6-7kg, Lânsupe 15 - 20 kg, kali Clorua: 6 -7 kg, nếu ruộng chua bón thêm vôI bột 15 - 20 kg, bón ngay khi làm đất lần đầu. Tùy theo từng chân đất, giống, mùa vụ, để định lượng phân bón cho phù hợp:

+ Đất đồi gò, đất cát pha, vàn cao, vụ xuân, ruộng nghèo dinh dưỡng, giống có tiềm năng năng suất cao thì bón lượng nhiều;

+ Đất đồng bằng, chân vàn, vàn thấp, chân bùn hẩu, vụ mùa, giống lúa chất lượng thì bón lượng ít.

Có thể thay thế phân đơn bằng phân NPK chuyên dùng, NPK để lúa phát triển cân đối, giảm sâu bệnh, khi thay thế bằng phân chuyên dùng, NPK phả căn cứ vào hàm lượng dinh dưỡng các chất ghi trên bao bì để qui đổi theo lượng phân đơn.

* Cách bón:

- Đất đồi gò, cát pha, chân cao khả năng giữ nước, giữ phân kém, chia làm nhiều lần bón hơn. Cụ thể:

+ Bón lót: Trước khi bừa lần cuối bón 100% PC (hoặc phân HCVS) + 50% lân + 20% đạm (hoặc 50% NPK chuyên dùng bón lót).

+ Bón thúc: lần 1(bón nhử): Khi lúa được 2 - 2,5 lá , bón 20% đạm + 50% lân + 20% ka li, (hoặc 50% NPK chuyên dùng bón lót); lần 2(bón thúc đẻ): Khi lúa đạt 5 - 6 lá, bón 40% đạm + 30% kali (hoặc 70% lượng NPK chuyên dùng bón thúc); Lần 3( Bón đón đòng): Khi lúa bắt đầu phân hoá đòng bón nốt lượng phân còn lại.

- Đất đồng bằng, chân vàn, vàn thấp, bùn hẩu khả năng giữ nước, giữ phân tốt nên bón ít lần hơn. Cụ thể:

+ Bón lót: Trước khi bừa lần cuối bón 100% PC (hoặc phân HCVS) + 100% lân + 40% đạm (hoặc 100% NPK chuyên dùng bón lót).

+ Bón thúc: Lần 1(bón thúc đẻ): khi lúa được 5 - 6 lá bón 50% đạm + 30% kali (Hoặc 100% phân NPK chuyên dùng bón thúc); Lần 2(bón đón đòng): Khi lúa bắt đầu phân hoá đòng bón nốt lượng phân còn lại. Nếu ruộng lúa còn xanh, ruộng trũng không cần bón thêm đạm.

* Nên sử dụng phân bón NPK chuyên dùng để lúa phát triển cân đối, giảm sâu bệnh, bón bổ xung các loại phân bón qua lá vào thời kỳ trước và sau trỗ để tăng sức chống chịu, tăng độ chắc mẩy của hạt như: Chế phẩm Penac P; K-H; Phân bón lá đầu trâu 502,702,902; các chế phẩm phân bón Đức…, bón theo hướng dẫn ghi trên bao gói.

6. Tưới nước và chăm sóc sau khi gieo:

- Phun thuốc trừ cỏ: Đối với lúa gieo thẳng phun thuốc trừ cỏ là yêu cầu bắt buộc : Dùng Prefit 300 EC (hoặc Sofit 300 EC), phun ngay sau khi gieo từ 1 - 3 ngày. Sau khi phun phải giữ nước ở rãnh để đảm bảo ruộng luôn đủ ẩm, không để nứt nẻ ít nhất trong vòng 1 tuần đầu. Đặc biệt lưu ý: Đối với vụ xuân, nếu để khô hạn, gặp rét đậm vừa không phát huy hiệu lực của thuốc, vừa lúa dễ bị chết rét; Vụ mùa sau khi phun nếu gặp mưa phải đắp trổ bờ, giữ nước trong 24 giờ, sau đó tháo nước từ từ để không ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc.

- Khi lúa đạt 2 - 2,5 lá, đưa nước láng mặt ruộng, kết hợp bón phân thúc lần 1, sau khi bón phân 2 - 3 ngày tháo cạn, giữ ẩm. Khi lúa đạt 5 - 6 lá, đưa nước trở lại, bón phân thúc lần 2, kết hợp tỉa dặm định mật độ, giữ mực nước nông để lúa đẻ nhánh được thuận lợi.

- Khi lúa đẻ đủ số dảnh cơ bản xung quanh 300 dảnh/m2, tháo cạn để ruộng khô nẻ chân chim, sau đó tưới tháo xen kẽ.

- Khi lúa bắt đầu phân hoá đòng, đưa nước trở lại, kết hợp bón phân đón đòng, giữ nước cho đến khi lúa chín đỏ đuôi, tháo cạn nước để thu hoạch được thuận lợi.

 Các biện pháp chăm sóc khác như đối với lúa cấy.

7. Phòng trừ sâu bệnh:

Như đối với lúa cấy nhưng cần thường xuyên kiểm tra hơn ở đầu vụ để phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng gây hại ở thời kỳ đầu, như: ốc bươu vàng, chim, chuột và bọ trĩ. Đối với vụ xuân: Sau khi gieo thời tiết vẫn còn rét, lúa lên chậm, trong vòng 10 - 15 ngày đầu ra thăm ruộng không nhìn thấy lúa, mà chỉ nhìn thấy đất, bà con không nên sốt ruột, từ khi lúa đẻ nhánh sẽ phát triển nhanh hơn lúa cấy. Đối với vụ mùa sau gieo thường gặp mưa vì vậy gieo xong phải giữ nước ở rãnh, đắp kín trổ bờ để nếu sau gieo có gặp mưa nước dâng lên hạt giống không bị trôi, sau đó tháo nước từ từ. Mưa có thể làm hạt giống bị vùi sâu trong bùn, mọc chậm nhưng sau đó lúa vẫn phát triển bình thường.

(*): Tác giả hiện là Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm