| Hotline: 0983.970.780

Quy ước làng Dừa

Thứ Hai 09/03/2015 , 06:20 (GMT+7)

Xã Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) vốn có tên là Kẻ Giá hay làng Dừa. 20 năm qua, Yên Sở được xây dựng dựa trên “Quy ước làng Dừa”. 

Hiện quy ước này trở thành kim chỉ nam, là xương sống để chính quyền và nhân dân Yên Sở xây dựng NTM.

Ở Yên Sở có một nét riêng biệt, làng cũng chính là xã, xã nằm trong làng. Người dân quen gọi là làng chứ ít người gọi là xã Yên Sở. Yên Sở từng có tên là làng Dừa bởi trước đây, dừa được trồng khắp nơi, từ vườn nhà cho đến quanh ao hồ. Ước có tới trên 1 vạn cây.

Năm 1995, HĐND xã Yên Sở họp phiên bất thường để thông qua bản "Quy ước làng Dừa". Bản quy ước này có tổng cộng 63 điều. Từ vấn đề văn hóa - xã hội, kinh tế, giáo dục cho đến việc hiếu hỷ đều được chính quyền địa phương lấy ý kiến người dân rồi thông qua. Yên Sở đã làm được những việc mà cho đến nay nhiều địa phương khác vẫn “bó tay”.

Ông Lê Minh Cường, Bí thư Chi bộ thôn 2, hồ hởi dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh làng Dừa. Ông Cường bảo: Tính ra, khéo thôn tôi văn minh nhất xã. Về việc ma chay, những năm gần như 100% người mất được gia đình đưa đi hỏa táng. Các nghi thức rườm rà, tốn kém trong đám tang cũng được lãnh đạo thôn vận động các gia đình lược bớt. Ví dụ như không rải vàng mã ra đường, không tổ chức ăn uống linh đình. Người quá cố không để trong nhà quá 24 giờ. Trường hợp chờ con cháu ở xa về thì không quá 48 giờ.

“Các cơ quan đoàn thể của thôn phải họp bàn rồi mời các hộ dân về nhà văn hóa thôn để tuyên truyền. Đặc biệt, thôn tôi có CLB người cao tuổi, tuần họp một lần. Chính các cụ là người tuyên truyền lại cho con cháu thực hiện. Mỗi gia đình có người mất đưa đi hỏa táng, xã, huyện sẽ hỗ trợ 7 triệu đồng. Nhưng người dân chúng tôi không phải vì số tiền này mà vì trách nhiệm với quy ước, hơn nữa lại bảo vệ chính môi trường sống của mình”, ông Cường chia sẻ.

Mùng 10 tháng Giêng vừa qua, bà Nguyễn Thị Chung (thôn 2) có cô con gái út đi lấy chồng. Thực hiện quy ước, bà Chung vẫn tổ chức cỗ bàn nhưng không mở rộng như xưa. Khách mời chỉ là anh em nội ngoại, bạn bè thân thiết.

“Giờ văn minh, cưới xin cũng đơn giản, gọn nhẹ hơn xưa nhiều. Mọi thủ tục cũng đơn giản. Trước đây phải dạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới, rồi đưa dâu. Giờ thì chỉ còn ăn hỏi rồi cưới luôn. Tục thách cưới từ nhiều năm nay đã không còn”, bà Chung kể.

Điều đặc biệt ở Yên Sở là đám cưới thường được tổ chức tại nhà văn hóa thôn. Chính quyền vận động, người dân nghe theo, thế là đỡ tốn kém một khoản cho gia đình.

Vào 28 tháng Chạp năm 2014, thôn 2 có 31 cụ được tổ chức mừng thọ chung tại nhà văn hóa thôn. Buổi lễ có tiệc trà, bánh kẹo, hoa quả. Theo ông Cường, việc tổ chức chung lễ mừng thọ cho các cụ sẽ ấm cúng, tăng tình đoàn kết trong thôn.

14-10-34_3
Niềm vui trên những con đường NTM

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Phong, bà Nguyễn Thị Thân (SN 1935) vừa làm lễ mừng thọ ở tuổi 80. Nói về "Quy ước làng Dừa", ông Phong gật gù, đúng là văn minh thật. Nhờ có quy ước, dù đời sống kinh tế có đi lên, nhưng người dân Yên Sở vẫn sống chân chất, đầy tình người.

“NTM giờ đúng là sướng thật. Đời sống được nâng lên, người cao tuổi như chúng tôi được chăm sóc tốt hơn. Trước được một, giờ phải được trăm lần”, bà Thân rủ rỉ.

Tháng 3/2010, Yên Sở được huyện Hoài Đức chọn làm thí điểm xây dựng NTM. Lấy bộ quy ước có sẵn, Yên Sở tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng. Ngay những ngày đầu tiên, qua khảo sát, Yên Sở đã có 7 tiêu chí đạt chuẩn. Trong đó, văn hóa luôn là lĩnh vực tiên phong.

Ông Nguyễn Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết, nhờ có quy ước rõ ràng, mọi cuộc họp bàn tuyên truyền cho người dân diễn ra suôn sẻ. Người dân hoàn toàn nhất trí, ủng hộ với chủ trương xây dựng NTM. Nhưng trước hết, các cán bộ xã, thôn phải thực hiện làm gương. Nhà cán bộ xã, thôn có đám cưới không được tổ chức ăn uống linh đình, chỉ có một bữa tiệc chính. Thành phần khách mời cũng chủ yếu là họ hàng, xóm giềng, bạn bè thân thích. Quy ước làng cũng nhấn mạnh vấn đề đạo đức, đạo lý, trật tự an ninh… Yên Sở cũng là địa phương đầu tiên của huyện Hoài Đức được công nhận là làng văn hóa.

Sau 4 năm bắt tay vào công cuộc xây dựng, cuối năm 2014, Yên Sở chính thức được UBND TP. Hà Nội công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Cơ sở vật chất, đường sá được trải bê tông rộng rãi, sạch đẹp. Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân ngày càng được nâng lên.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.