| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 20/10/2016 , 07:10 (GMT+7)

07:10 - 20/10/2016

Quyên góp cứu trợ - câu chuyện niềm tin

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là hai cơ quan được Chính phủ giao làm công tác đầu mối trong việc tiếp nhận và chuyển tiền cứu trợ. Thế nhưng, từ vài năm nay, hình ảnh về hoạt động cứu trợ của các cơ quan này khá mờ nhạt...

Mấy hôm nay, câu chuyện lũ lụt gây hậu quả nặng nề, đau xót đối với bà con miền Trung, là câu chuyện thời sự nóng bỏng, gây tâm tư nhất.

Và chuyện MC Phan Anh kêu gọi và quyên góp được gần 14 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung. Rồi đến chiều 18/10, hình ảnh Phan Anh cùng nhóm thiện nguyện của anh đã trao 1.300 phần quà cứu trợ cho đồng bào tại xã Mai Hóa - Quảng Bình, là những câu chuyện sáng nhất, cảm động nhất. Nhiều cá nhân, tổ chức cũng đồng loạt đứng lên kêu gọi quyên góp.

Nhưng theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, họa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, thì các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ là:

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện có đăng ký và được phép hoạt động.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 72/2008/TT-BTC quy định: "Các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương không tổ chức phân phối tiền, hàng cho các địa phương, cá nhân (trừ những khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo địa chỉ); thực hiện giao nộp các khoản đóng góp cho ban cứu trợ cùng cấp".

Các tổ chức xã hội, các tờ báo… muốn làm công tác cứu trợ cần gửi văn bản cho Ban cứu trợ để nơi đây gợi ý địa điểm, liên hệ các địa phương giúp. Tiền bạc, hàng hóa vẫn do các tổ chức, các tờ báo giữ, bảo quản. Ban cứu trợ là tổ chức thuộc MTTQ, được sử dụng con dấu của Ủy ban MTTQ cùng cấp, hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm.

Luật thì thế, nhưng trong khi đó, những đầu mối cứu trợ ở tầm quốc gia hoạt động khá chậm rãi. Vì việc phân bổ thông qua quá nhiều khâu, nhiều cấp làm chậm trễ công tác cứu trợ.

Rồi nhất là tình trạng “xà xẻo”, “ăn bẩn” phổ biến với đủ cách: Bớt lại tiền, hàng; gửi tiền cứu trợ vào ngân hàng và lấy tiền lãi hàng tháng để tiêu xài cá nhân; phân chia không đúng đối tượng, người giàu cũng được hưởng cứu trợ; bớt tiêu chuẩn, tăng đối tượng; sử dụng sai mục đích… Thậm chí, còn có chuyện mang quần áo cứu trợ miền Trung, bán ra ngoài gara sửa chữa ôtô để làm… giẻ lau.

Có lẽ rất nhiều người biết như vậy nên hay chọn cách tự mình đi đến tận nơi ủng hộ, trao tiền, hàng tận tay cho đồng bào, cho dù có khó khăn, vất vả, thiếu thốn. Vì đó là câu chuyện niềm tin.