| Hotline: 0983.970.780

Quyết liệt dập dịch chổi rồng

Thứ Năm 18/08/2011 , 10:37 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật tại hội nghị bàn về dịch bệnh chổi rồng trên nhãn...

* Sẽ công bố dịch?

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật tại hội nghị bàn về dịch bệnh chổi rồng trên nhãn tổ chức tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam hôm qua (17/8).

Bệnh chổi rồng trên nhãn là thông tin nóng nhất ở ĐBSCL những ngày gần đây vì diện tích nhiễm bệnh liên tục tăng và đã có dấu hiệu lây nhiễm sang cây chôm chôm. Ông Hồ Văn Chiến, GĐ Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: Bệnh chổi rồng được phát hiện từ năm 2003 ở Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi đó ông đã mời Hội đồng khoa học thuộc Sở KH-CN Vũng Tàu làm việc và phát hiện các tác nhân khác nhau gây bệnh là: Vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria; côn trùng môi giới là nhện lông nhung, Phytoplasma.

Hiện tổng diện tích nhiễm bệnh chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 34.770 ha nhãn. Trong đó Đồng Tháp là tỉnh nhiễm nhiều nhất và nặng nhất với gần 3.650 ha, kế đến Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre... Nguy hại hơn là khi cây nhiễm bệnh, nhiều nhà vườn ít quan tâm, thậm chí bỏ luôn nên sẽ gây ra hệ lụy rất lớn.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Chợ Lách, Bến Tre cho hay: Chợ Lách đang nhiễm bệnh chổi rồng rất nghiêm trọng, từ 70 - 90% cây nhãn và đang có dấu hiệu lây lan sang cây chôm chôm. Ông Liêm đề nghị các cơ quan chức năng, các viện, trường sớm có giải pháp hỗ trợ nhà vườn phòng trừ, nghiên cứu thêm nguyên lý sinh học giữa nhện và cây trồng.

Đánh giá tác nhân gây bệnh, ông Hồ Văn Chiến khẳng định: Bệnh lan nhanh là do côn trùng môi giới gây nên, còn gần đây có thông tin cho rằng do ong mật làm trung gian là không chính xác. TS Nguyễn Văn Hòa, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cũng khẳng định: Ong mật không phải là đối tượng trung gian làm nhiễm bệnh vì tác nhân của bệnh chổi rồng là do vi khuẩn thuộc nhóm Gamma Proteobacteria và côn trùng môi giới lây lan bệnh là nhện lông nhung.

Trước tình hình dịch hại, thời gian qua Tiền Giang đã kết hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam và nông dân ứng dụng các biện pháp quản lý bằng thuốc hóa học diệt trừ nhện lông nhung; ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tạo tán mới...Tuy nhiên, các biện pháp trên chưa thực sự phát huy hiệu quả do nhà vườn chưa áp dụng đồng loạt. Thậm chí, nhà vườn còn chủ yếu xử lý ra hoa theo giá cả thị trường nên rất khó quản lý, phòng trừ dịch bệnh.

Trong khi đó, Bà Rịa- Vũng Tàu trước đây khi vườn nhãn bị chổi rồng tấn công, nhà vườn đã thay đổi giống có tính chống chịu cao như nhãn xuồng cơm vàng, Ido...Mặt khác, khi phát hiện sớm bệnh, ngành BVTV tỉnh đã tập huấn phòng trừ kịp thời và hiện tại nhà vườn rất chủ động trong việc phòng trừ nên đã phát huy hiệu quả.

Đại diện ngành BVTV khẳng định: Bệnh chổi rồng không đến mức phải "bó tay" vì không thể phòng trị. Hiện cơ quan BVTV tỉnh Trà Vinh đã khuyến cáo nhà vườn thực hiện tốt quy trình quản lý, phòng trừ bằng giải pháp vệ sinh vườn sau thu hoạch như: tỉa cành, tạo tán, tác động ra các cơi lá và hoa đồng loạt, phun ngừa bằng thuốc hóa học trên các cơi lá và hoa. Kết quả cho thấy khả năng kháng bệnh khá cao.

Nhện lông nhung xuất hiện mật độ cao trong mùa khô, nhất là tháng 3, 4, còn tháng 8, 9 thì giảm. Vì vậy ngành BVTV khuyến cáo bà con nên tạo tàn tỉa tán trong mùa mưa vì mật số nhện lông nhung lúc này rất thấp. Đối với những vùng mật số cao thì khuyến cáo bà con phòng trừ đồng loạt.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá: Cơ hội phòng chống dịch chổi rồng là trong khả năng. Mô hình quản lý như Trà Vinh là mô hình tốt. Hay thực hiện chuyển đổi giống của Bà Rịa- Vũng Tàu cũng là mô hình rất hay. Tuy nhiên, về cơ bản, ông Dư lưu ý: Phòng trừ thì nên nghiên cứu, thí điểm thêm phương pháp sinh học, không nên lạm dụng thuốc hóa học.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho rằng: Đối với việc công bố dịch, phạm vi trong tỉnh có diện tích nhiễm 60%, nhiễm nặng 30% thì đã đủ tiêu chuẩn công bố. Việc sớm công bố dịch là cần thiết. Bởi như vậy chúng ta mới có cơ chế, tập trung được các giải pháp phòng chống dịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đề nghị: Trong thời gian tới Viện Cây ăn quả miền Nam và các Trường cần đẩy mạnh nghiên cứu tác nhân gây bệnh và cơ chế lây lan, tìm các biện pháp phòng trừ theo hướng hạn chế tối thiểu thuốc BVTV. Cũng theo ông Hồng, nếu cần, chúng ta có thể mời chuyên gia quốc tế về cùng nghiên cứu. 

Liên quan đến đề nghị về công bố dịch, ông Hồng cho hay Cục sẽ tham mưu cho Bộ các cơ sở để công bố dịch. "Tôi yêu cầu địa phương báo cáo số liệu chính xác, giao cho Trung tâm BVTV phía Nam rà soát kỹ, trước ngày 25/8/2010 có báo cáo cụ thể để Cục báo cáo Bộ NN-PTNT" - ông Hồng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, trước mắt, ông Hồng đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương nhanh chóng tham mưu với tỉnh để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho nhà vườn trong việc phòng trừ bệnh. Về phía Cục, Cục sẽ đề xuất với Trung ương tăng tiền hỗ trợ. Trong khi chờ kết quả thì các địa phương nên áp dụng theo mức cũ từ nguồn kinh phí dự phòng.  Phương châm là phải tập trung cao độ, khẩn trương và quyết liệt để ngăn chặn được bệnh chổi rồng.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất