| Hotline: 0983.970.780

Quyết tâm, tỉnh nghèo cũng làm tốt

Thứ Tư 02/10/2013 , 10:23 (GMT+7)

Đến nay, Bình Phước lại trở thành một điểm sáng trong việc quy hoạch giết mổ tập trung, dần đưa hàng trăm chủ lò nhỏ lẻ vào làm ăn bài bản…

Sau khi tỉnh Bình Phước được tái lập, việc quản lý chăn nuôi, giết mổ vô cùng khó khăn do kinh tế còn nghèo, địa hình phức tạp, lò mổ nhỏ lẻ tràn lan, dịch bệnh liên tục tấn công. Nhưng đến nay, Bình Phước lại trở thành một điểm sáng trong việc quy hoạch giết mổ tập trung, dần đưa hàng trăm chủ lò nhỏ lẻ vào làm ăn bài bản…

>> Quy hoạch lò mổ tập trung

GIẾT MỔ QUY VỀ MỘT MỐI

Theo chân anh Hưng – Trưởng Trạm thú y thị xã Phước Long (Bình Phước), chúng tôi đến cơ sở giết mổ gia súc tập trung nằm tại KP Phước Vĩnh, phường Phước Bình. Lúc này, cơ sở vừa giết mổ xong trên 100 con heo, nhiều đầu mối đang tấp nập cho xe vào “ăn” hàng để giao cho các điểm tiêu thụ tại địa phương và các huyện lân cận.

“Toàn bộ các lò mổ lậu, nhỏ lẻ của thị xã giờ không còn nữa. Đây là lò mổ tập trung duy nhất còn lại của Phước Long được đầu tư bài bản để cung cấp thịt cho toàn thị xã” – anh Hưng khoe. Điều ngạc nhiên, dù mới xẻ thịt một lượng heo rất lớn, nhưng từ khu vực giết mổ treo, đến khu chuồng nhốt heo đều sạch sẽ, không có mùi hôi hay ruồi muỗi tấn công.

Anh Nguyễn Hoàng Vũ, chủ cơ sở cho biết, sau hơn chục năm giết mổ, buôn bán gia súc theo kiểu tự phát, được sự khuyến khích của ngành thú y, đến năm 2011 anh và vợ nhen nhóm ý định thành lập một cơ sở giết mổ bài bản để tạo kế sinh nhai bền vững.

Đến năm 2012, khi đã đủ điều kiện, lại được khuyến khích bằng các chính sách thuận lợi, đặc biệt là về vốn vay ưu đãi, anh Vũ và vợ đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để san lấp 1.000 m2 đất, đầu tư 2 giàn giết mổ treo gia súc tự động và bỏ ra 900 triệu đồng làm hẳn một con đường bê tông dài 600 mét chạy thẳng từ đường nhựa vào lò giết mổ (nằm bên trong lô cao su, xa khu dân cư).

Theo sơ đồ xây dựng, anh Vũ xây 6 ô nhốt heo sống và 1 ô nhốt trâu bò; tiếp theo là khu gây mê và hệ thống giết mổ treo có 2 bể nhúng (nước sôi) và 2 khu vực cạo lông, làm lòng gia súc riêng biệt. Phía sau cùng là hệ thống xử lý nước thải cho toàn bộ cơ sở.

Ngoài ra, ngay phía cửa ra vào anh Vũ cho xây hẳn một phòng thú y, hằng đêm luôn có 2 cán bộ của Trạm thú y Phước Long túc trực để kiểm soát gia súc và đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.


Giết mổ heo bằng giàn treo tự động tại thị xã Phước Long, Bình Phước

Tương tự, tại thủ phủ của Bình Phước là thị xã Đồng Xoài, toàn bộ các lò giết mổ gia súc nhộn nhạo trước đây, giờ đã gom lại trong một cơ sở giết mổ tập trung duy nhất tại Doanh nghiệp tư nhân Võ Thị Tuyết Nhi, nằm trên địa bàn phường Tân Xuân. Đây cũng là lò mổ cung cấp thịt heo cho siêu thị Coop mart Đồng Xoài với số lượng 6 – 10 con/ngày.

Anh Sơn Bình Khương, quản lý cho biết, cơ sở có 5 giàn giết mổ treo với công suất lên tới 500 con gia súc/ngày. Cơ sở được chia làm 2 khu vực giết mổ heo và trâu bò riêng biệt, trong đó khu giết mổ heo được xây dựng 5 khu chuồng nhốt dành cho 5 đầu mối thu mua heo lớn nhất của thị xã đưa hàng về tập kết.

“Hệ thống giết mổ được khép kín từ A tới Z. Khi heo nhập về, cán bộ thú y sẽ kiểm soát giấy tờ nguồn gốc, kiểm dịch, nếu đạt yêu cầu sẽ đưa vào chuồng nhốt. Tiếp theo, từ 1h30 đến 5h30 sáng, heo sẽ được đưa vào khu gây mê, sau đó đưa vào khu làm lông sạch sẽ và được treo lên bằng hệ thống máy tự động để tiến hành giết mổ và pha lóc thịt, xương… Công đoạn cuối cùng là cán bộ thú y sẽ đóng dấu kiểm soát giết mổ trước khi sản phẩm đưa ra thị trường” – anh Khương nói.

CƯƠNG QUYẾT LÀ LÀM ĐƯỢC!

Chỉ cách đây hơn chục năm, Bình Phước có tới 172 điểm giết mổ heo và 13 điểm giết mổ trâu, bò nằm khắp các thị trấn, thị xã, vùng đông dân cư. Đáng ngại là các điểm giết mổ đều trên nền sàn, không có hệ thống xử lý nước thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sản phẩm không đảm bảo VSATTP và nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Vậy nhưng, theo ông Phạm Văn Hoang – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Phước, dù còn nhiều khó khăn với địa hình rừng núi phức tạp, nhưng với quyết tâm rất cao, lãnh đạo tỉnh Bình Phước ngay lúc đó đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ.

Trong đó, Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt “Quy hoạch chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2006-2020” đã tạo bước đà quan trọng. Đến nay tỉnh đã gom 172 điểm giết mổ lại thành 29 cơ sở tập trung, nằm rải rác ở tất cả các thị trấn, thị xã, phục vụ cho nhu cầu thực phẩm an toàn của người tiêu dùng.

“Cái hay là 100% các lò mổ này thuộc sở hữu tư nhân, điều đó chứng tỏ nếu tạo điều kiện tốt thì doanh nghiệp sẽ không ngại đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm” – ông Hoang nói.

Để kiểm soát tốt hệ thống giết mổ này, lãnh đạo Chi cục Thú y Bình Phước cho rằng, việc nâng cao chất lượng của lực lượng kỹ thuật viên kiểm soát giết mổ là rất quan trọng.

Cụ thể, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng công tác kiểm soát giết mổ” sau đó nhanh chóng triển khai thực hiện đề án. Trong quý III/2012, Chi cục đã tổ chức thi tuyển kỹ thuật viên kiểm soát giết mổ và đã tuyển chọn được hàng chục cán bộ có trình độ từ trung cấp trở lên, có năng lực phẩm chất đạo đức, nhiệt tình và trách nhiệm.

Tiếp theo, Chi cục ký kết hợp đồng lao động và đưa về các Trạm thú y huyện, thị xã trực tiếp làm việc tại các cơ sở giết mổ tập trung để giám sát chặt đầu vào, đầu ra của gia súc, gia cầm.

Riêng tại các vùng sâu, vùng xa của Bình Phước, ông Hoang cho biết, Chi cục vẫn cho duy trì gần 20 điểm giết mổ quy mô nhỏ vì đây là địa bàn ít dân cư, giết mổ không thể tập trung lớn, việc quản lý cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, các cơ sở nhỏ này vẫn thường xuyên được kiểm tra, giám sát về chất lượng, dịch bệnh và vệ sinh lò mổ. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp tỉnh Bình Phước từ năm 2010 đến nay không bùng phát dịch bệnh tai xanh hay cúm gia cầm nguy hiểm.

Cùng với việc quy hoạch các lò giết mổ tập trung, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã có Quyết định “Phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”.

Theo đó, tập trung tổ chức lại ngành chăn nuôi theo hướng liên kết và quản lý chặt chẽ theo các chuỗi sản phẩm từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, công nghiệp, hiện đại. Đồng thời củng cố và nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh của hệ thống thú y.

Mục tiêu dài hạn của Bình Phước đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi hàng hoá theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp đạt trên 88% tổng đàn đối với gia cầm và đạt trên 70% tổng đàn đối với đàn gia súc. Trong đó, đàn bò đạt 65.000 con, trâu 20.000 con, heo 700.000 con và gia cầm đạt 9 triệu con.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất