| Hotline: 0983.970.780

Rà soát quy mô, thí điểm đưa dân ra khỏi rừng tràm

Thứ Ba 15/07/2014 , 09:23 (GMT+7)

Quy mô thực hiện trên phạm vi 7 xã thuộc huyện U Minh, với diện tích tự nhiên 22.869 ha, diện tích quy hoạch 3.244 ha.

Báo NNVN vừa đăng loạt bài “Trăn trở trên đất Cà Mau” (17 - 18/6/2014), đặt ra một số vấn đề được dư luận rất quan tâm về chuyện phát triển KT- XH của địa phương và cả nhu cầu cần thay đổi trong tư duy quản lý của các cấp lãnh đạo. Ông Lê Dũng (ảnh), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có trao đổi để làm rõ hơn các vấn đề mà NNVN đặt ra.

16-57-52_ong-le-dung

Tình hình nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Cà Mau đang phát triển rất mạnh. Hệ lụy có thể phá vỡ quy hoạch của tỉnh và hiện đã gây ra vấn đề thiếu điện trầm trọng ở các vùng nuôi tôm. Xin ông cho biết hướng giải quyết của tỉnh?

Do hiệu quả của việc nuôi tôm công nghiệp khá cao, nên từ giữa năm 2013 đến quý I năm 2014 diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng đột biến, trong đó có nhiều hộ dân đầu tư ngoài vùng quy hoạch.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và UBND các huyện, thành phố Cà Mau rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời khuyến cáo nhân dân không đồng loạt mở rộng diện tích khi điều kiện nuôi tôm chưa đảm bảo.

Tuy nhiên, tình trạng tự phát đầu tư mở rộng diện tích vẫn tăng nhanh, dẫn đến lưới điện không đảm bảo phục vụ sản xuất, dịch bệnh phát sinh và lây lan sang các vùng nuôi lân cận do xả thải nguồn nước bị ô nhiễm ra sông rạch nhưng chưa được xử lý.

Để đảm bảo nuôi tôm công nghiệp phát triển theo quy hoạch, kế hoạch, nhằm hạn chế tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, nhất là điện, thủy lợi; dịch bệnh phát sinh và gây hại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong nuôi trồng thủy sản;

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, gắn với đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường lực lượng giám sát chặt chẽ môi trường vùng nuôi, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm…

Ở Cà Mau đang tồn tại một thực trạng là người dân phát triển sản xuất chủ yếu mang tính đơn lẻ, tự phát và thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Cà Mau sẽ làm gì để thay đổi tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt trong việc phát triển con tôm vốn là thế mạnh của tỉnh?

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo tăng cường phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; vận động doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm đầu vào có chất lượng và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân; hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất phù hợp và phòng, chống dịch bệnh...

Từ đó, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khá tốt, sản lượng và chất lượng hàng hóa nông sản ngày càng được nâng lên, bước đầu hình thành một số mô hình có hiệu quả, điển hình như mô hình cánh đồng mẫu, nuôi tôm sinh thái, vùng nuôi an toàn...

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn tự phát, chưa mang tính hàng hóa, thiếu liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, tỉnh triển khai thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020.

Trong đó, quy hoạch lại sản xuất theo hướng hàng hóa; ưu tiên nhân rộng các mô hình liên doanh, liên kết có hiệu quả, nhất là trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và sản xuất lúa; đẩy mạnh xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế tập thể; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất...

Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã xây dựng Đề án đưa người dân ra khỏi rừng được nhiều cơ quan ủng hộ, nhưng không có ngân sách để thực hiện. Xin ông cho biết tỉnh sẽ có chính sách nào tháo gỡ trở ngại này?

Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch tổ chức lại sản xuất và bố trí dân cư khu vực rừng tràm tỉnh Cà Mau.

Quy mô thực hiện trên phạm vi 7 xã thuộc huyện U Minh, với diện tích tự nhiên 22.869 ha, diện tích quy hoạch 3.244 ha.

Mục tiêu xây dựng các điểm dân cư gắn với sản xuất nông nghiệp để bố trí ổn định, tái định cư 3.976 hộ dân sống phân tán trong rừng tràm và hộ chính sách không đất sản xuất; dự toán tổng kinh phí thực hiện 1.408 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 848 tỷ đồng, vốn địa phương 225 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 50 tỷ đồng, còn lại huy động từ người dân.

Do nguồn vốn thực hiện Đồ án rất lớn; mặt khác, khi thực hiện phải chuyển đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp, thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng do hộ dân quản lý với diện tích khá lớn, dẫn đến không đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp rừng tràm, gây xáo trộn đời sống của nhân dân trong lâm phần... nên tiến độ triển khai rất chậm.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, trước mắt tỉnh triển khai thực hiện thí điểm, với quy mô bố trí ổn định khoảng 200 hộ dân sống phân tán trong lâm phần.

Về lâu dài, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các sở, ngành, đơn vị có liên quan rà soát quy mô, đối tượng, phạm vi quy hoạch, chính sách hỗ trợ để điều chỉnh Đồ án sát với tình hình thực tế của địa phương và quy định hiện hành.

Trên cơ sở đó, xác định cụ thể kế hoạch, tiến độ, phân kỳ đầu tư và huy động, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để thực hiện.

Hướng chiến lược quy hoạch và phát triển rừng U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Khu vực rừng U Minh Hạ có tổng diện tích 40.576 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó có 8.527,8 ha rừng đặc dụng và 32.048,2 ha rừng sản xuất.

 Theo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Cà Mau đến năm 2020, mục tiêu quy hoạch rừng nói chung, khu vực U Minh Hạ nói riêng nhằm bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái, đa dạng sinh học, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh kết hợp phát triển du lịch sinh thái; sử dụng tài nguyên rừng và quỹ đất được quy hoạch cho lâm nghiệp có hiệu quả và bền vững theo quy định; nâng cao độ che phủ của rừng và cây phân tán.

Xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động lâm nghiệp; phát triển chế biến gỗ nhằm nâng cao giá trị của rừng, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm từ rừng; tạo thêm việc làm, cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân trong lâm phần, góp phần giảm nghèo bền vững; đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.