| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 23/02/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 23/02/2017

Rạch ròi quà tặng để tránh nguy cơ tham nhũng hối lộ

Thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhiều lần, kể từ khi nhậm chức, đó là phải xây dựng bằng được một Chính phủ liêm chính, và “làm thực chất, từ những việc nhỏ nhất”.

Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015, được công bố tháng 4/2016, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện, cho biết thực trạng tham nhũng, hối lộ vẫn phổ biến và có chiều hướng gia tăng trong khu vực công.

Tham nhũng, hối lộ thì muôn dạng.

Hành vi tham nhũng, hối lộ tuy đã được quy định khá chi tiết và được liệt kê bằng 12 hành vi trong Bộ luật Hình sự,  trong Luật phòng, chống tham nhũng. Nhưng thực tế cuộc sống và xã hội thì luôn vận động, nên nảy sinh ra những hành vi có nguy cơ tham nhũng, hối lộ, mà ở đó, sự rạch ròi không thể phân định ngay được.

Câu chuyện ngày 29/3/2016, công ty TNHH xây dựng - thương mại & du lịch Công Lý có trụ sở tại TP Cà Mau, tặng 2 xe Lexus trị giá 6,2 tỉ đồng cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau, là một ví dụ. Nó tương tự y hệt như chuyện cũng hồi tháng 3/2016, công ty CP đầu tư - xây dựng & thương mại Hoa Lư (trụ sở tại huyện Nho Quan, Ninh Bình) mua 3 xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, mang nhãn hiệu Toyota, với tổng trị giá khoảng 6,6 tỷ đồng, để tặng cho UBND tỉnh Ninh Bình làm xe công vụ.

16-26-30_mot_trong_hi_xe_dn_tng_c_muvov__pyxk
Một trong hai chiếc xe Lexus được đem làm quà tặng (Ảnh: VOV)
 

Cần lưu ý là theo Quyết định 64/2007 của Chính phủ, thì địa phương được nhận quà của tổ chức, cá nhân tặng.Và thực tế, ôtô cũng đã được làm quà tặng cho một số bộ, ngành.

Hai sự kiện giống nhau về hành vi, nhưng các lãnh đạo hai tỉnh Cà Mau và Ninh Bình đã hành xử khác nhau.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch tỉnh Cà Mau, cho biết: “Việc tặng và nhận hai chiếc xe trên đã thực hiện theo đúng quy trình. Cụ thể, khi doanh nghiệp có nhã ý tặng xe, tỉnh giao Sở Tài chính rà soát, tiếp nhận đúng quy trình nhận tài sản tặng cho, rồi giao UBND tỉnh 1 chiếc và Tỉnh ủy 1 chiếc sử dụng vào việc công”.

Cũng năm ngoái 2016, trong công văn phản hồi Ninh Bình về việc cho phép nhận 3 ôtô, Bộ Tài chính cho rằng Ninh Bình sẽ tự quyết định nhận hay không. Song phải chú ý việc không có chuyện lạm dụng vì nhận chiếc xe mà địa phương phải ưu ái, hỗ trợ cho doanh nghiệp đã tặng xe, vì nếu làm như vậy thì không công bằng với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, sau khi dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã từ chối món quà trên trước khi có văn bản trả lời của Bộ Tài chính.

Động cơ, mục đích của những việc cho – nhận kiểu này, thật khó rạch ròi phân biệt, cũng như phân biệt hành vi hối lộ và hành vi biếu quà tình cảm. Bởi cũng không có văn bản nào của nhà nước có chi tiết cụ thể để dẫn chiếu mà thực hiện. Nhưng cái gốc của vấn đề, thì bên cho, là doanh nghiệp có trụ sở hoặc công trình đầu tư đang nằm trong khu vực địa phương mình quản lý, thì nguy cơ để dẫn đến tham nhũng hối lộ là có thật.

Chống tham nhũng, hối lộ, để xây dựng thành công một Chính phủ liêm chính như lời Thủ tướng nói, thì cần làm thực chất, làm từ những việc nhỏ nhất.

Điều đó đúng.

Và cũng cần rạch ròi, lý trí, để có cách xử thế và hành động dứt khoát, nhằm tránh nạn tham nhũng hối lộ ngay từ những tình huống có nguy cơ!