| Hotline: 0983.970.780

Rạn vỡ

Thứ Sáu 29/01/2010 , 10:58 (GMT+7)

Càng ngày sống bên chồng, cháu càng thấy chán. Anh hầu như không giúp cháu chăm sóc cho gia đình...

Cuộc sống hôn nhân của cháu bây giờ thật chán nản (Ảnh minh họa)

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu lấy chồng từ năm 2005, con gái cũng đã 4 tuổi. Cùng quê ngoài Bắc, chúng cháu vào Nha Trang học rồi quen nhau rồi về quê tổ chức cưới. Bây giờ cháu đã có nhà đất ở Nha Trang (một nơi giá rẻ), bố mẹ hai bên cho tiền mua đất rồi cho tiền làm nhà. Cháu là viên chức nhà nước, chồng cháu làm ở một doanh nghiệp, lương cả hai vợ chồng cũng chỉ 3 triệu/tháng. Hàng tháng cháu phải hết sức tiết kiệm mới đủ.

Chồng cháu hiền lành, nhưng hơi bảo thủ và cố chấp, vậy nên chúng cháu mới hay cãi nhau, chuyện rất nhỏ cũng cãi nhau, nhiều lúc cãi nhau như trẻ con ấy cô ạ. Bình thường anh ấy đi làm từ sáng đến chiều tối về, cháu về trước đón con, tắm giặt cho nó và cơm nước. Anh về tắm rửa rồi ăn cơm. Sau đó cháu dọn dẹp rồi xem tivi, đi ngủ. Sáng hôm sau lại dậy sớm nấu cơm sáng cho cả nhà (cháu phải mang cơm đi làm vì trưa phải ở lại), cho con ăn rồi đưa nó đi học. Anh cũng ăn đi làm.

Qua đó cô cũng thấy chồng cháu chẳng phải làm việc gì trong nhà, chẳng cho con ăn, nói chung không giúp gì cho cháu, ngoài việc đưa cho cháu 1,8 triệu đồng/tháng (khi nào anh cần tiền thì cháu đưa, lương anh đưa hết cho cháu). Cô biết không, nhiều hôm cơm sáng, anh ăn trước còn không lấy bát đũa cho cháu nữa.

Khi cãi nhau anh cũng chỉ dắt mình xe của anh (vì thềm nhà cháu cao hơn nhiều so với sân), cháu cũng dắt xuống được nhưng hơi vất vả vì tay yếu. Nhiều buổi sáng cháu kêu mệt nhờ anh dậy cắm cơm, anh cũng nói anh mệt lắm. Vậy là cháu phải dậy lục tục đi nấu. Nhiều lúc cháu thấy buồn tủi lắm. Vợ chồng bạn bè cháu họ cùng nhau làm việc nhà, cháu kể thì anh bảo những việc nhỏ đó là của đàn bà, đàn ông làm việc lớn. Anh cũng nói từ ngày lấy vợ sao khổ thế.

Từ trước, cháu thấy bên anh, chồng hay gọi vợ bằng "mày- tao” giờ anh gọi cháu thế thật cô ạ. Mới tối qua, vì chuyện người ngủ thì một người chong đèn thức, vậy mà cãi nhau, không ngờ anh chửi bậy lắm, cũng chẳng kém gì, cháu chửi luôn, sau đó cháu thấy mình không còn phải là mình nữa. Một người có trình độ đại học mà chửi bậy, rồi đòi chia tay, cháu đồng ý, rồi đòi chia nhà đất, anh bảo cháu đi đâu ở thì đi rồi anh trả tiền cho cháu sau. Cháu nói đó là việc lớn đấy, anh cứ quyết đi rồi em theo. Cháu biết là anh sẽ không viết đơn và không tự quyết đâu mà nói cháu viết đi anh ký.

Cháu chán lắm, giờ cháu phải làm sao đây cô, cháu nghĩ nếu li hôn cháu vẫn sống bình thường vì cháu không có ham muốn, (anh cũng vậy, thậm chí cả tháng cũng không "gần" nhau). Cháu thấy mình như trong một vòng tròn không có lối thoát. Cháu cũng muốn cải thiện lại nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Không lẽ chúng cháu phải chia tay sao cô?

Xin cô giữ kín địa chỉ mail cho cháu

Cháu thân mến!

Như nhiều lần cô đã tâm sự với các cô mới xây dựng gia đình và có con nhỏ. Khi mới yêu ta ở trên ngọn cây, chỉ có lá hoa chim chóc hót ca, khi cưới là rơi dần và khi có con thì cầm bằng ngã lăn quay xuống đất rồi đó. Bao nhiêu lo toan và công việc của một cô vợ và một bà mẹ trẻ đổ lên đầu mình. Đàn ông lúc đó họ đi đâu? Họ vẫn ở trong nhà mình, họ cũng từ trên cây rơi xuống, họ cũng bất mãn vì mưu sinh khó quá, họ phải bị vợ quát tháo và kiểm soát, họ mất ăn mất ngủ vì con la con khóc, họ cũng thấy sai lầm và nghĩ giá như đừng có vợ thì hơn. Hai bên âm thầm trách nhau, lấn nhau, gây sự nhau, ấm ức kẻ làm nhiều kẻ làm ít và có khi choảng nhau nữa chứ.

Rồi sẽ qua. Tại sao phải qua? Là vì ai cũng thế cả, cháu chạy về hỏi mẹ mình xem, cháu tỉ tê với mẹ chồng xem, đều một cảnh ấy mà ra cả. Ngày xưa còn khổ hơn, làm gì có máy giặt, xe máy, tủ lạnh và điện thoại, tivi. Vậy mà cũng qua được hết. Tại sao ở các nước giàu người ta phải đến lớp trước khi cưới nhau, là để nghe và học những kinh nghiệm kiểu này đấy. Có người trụ được, cũng có người tan, tùy vào phẩm chất và sự chân thành. Nhưng chưa chi mà bỏ nhau với chừng ấy trục trặc thì xem ra còn oan lắm. Những chuyện của chúng cháu như ăn cơm mà không lấy bát đũa cho vợ, hay người thức người mất ngủ vì ánh đèn là quá nhỏ so với sóng to gió lớn phía trước. Còn rất nhiều sóng gió nữa cháu ơi.

Đàn ông mình nói chung gia trưởng, cố chấp, dễ với phụ nữ ngoài chứ rất hay hơn thua với vợ và ít chịu động tay động chân việc nhà. Cháu hãy tin cô ở nhận định này. Ai siêng năng, ai nhường vợ ai ga-lăng với vợ là cá biệt đấy. Nhưng mình vẫn phải đấu tranh để đừng bị tận dụng, hòa tan hoàn toàn. Đấu tranh bằng mềm mại, khôn khéo, nịnh chồng một chút thì mất gì, chồng mình mình nịnh chứ nịnh chồng ai mà xấu hở cháu? Và phải có văn hóa xin lỗi nhau. Riêng chuyện mày tao với vợ là phải chỉnh, chỉnh bằng được, nếu không, có khi phải bỏ nhau vì mỗi chuyện ấy đấy. Anh có bằng đại học, anh là trí thức mà anh cục súc như vậy sao? Vợ lấn thì chồng lùi, chồng nóng thì vợ nguội, ấy là phương châm sống chung, bởi suy cho cùng, vợ với chồng là người dưng khác họ, hai “nền” văn hóa gộp chung, nhiều trục trặc và khập khênh, phải kê, phải chêm, phải “cưa cắt” nhau từng chút một hoài hoài thì mới tương thích được.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm