| Hotline: 0983.970.780

Rào cản hữu hình cần tháo bỏ

Thứ Năm 27/02/2014 , 10:02 (GMT+7)

Cây trồng biến đổi gen đã được trồng trên thế giới tới nay gần 20 năm hết sức an toàn mà không hề có một chứng minh khoa học nào đủ sức bác bỏ...

* Việt Nam có thể phát triển 1 triệu ha ngô biến đổi gen

* Con “ngáo ộp” tin đồn và liều thuốc chữa hội chứng sợ sệt

Không cần sáng tạo lại cái bánh xe

Giữa muôn trùng vây của đội quân báo chí hùng hậu từ truyền hình, phát thanh đến báo in, báo mạng Việt Nam, Tiến sỹ Clive James - người sáng lập và chủ tịch danh dự Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) vẫn không hề tỏ ra nao núng. Hàng loạt những câu hỏi hóc búa của cánh phóng viên tung ra liên tiếp đã được ông hóa giải một cách nhẹ nhàng, hợp lý.


Tiến sỹ Clive James

Ông bảo: “Các lợi ích và sự an toàn của cây trồng biến đổi gen đã được khẳng định tại những nước có đến một nửa dân số thế giới đang sinh sống. Chúng ta không cần sáng tạo lại cái bánh xe, không cần đi ngược lịch sử làm gì bởi cây trồng biến đổi gen đã được trồng trên thế giới tới nay gần 20 năm hết sức an toàn mà không hề có một chứng minh khoa học nào đủ sức bác bỏ”.

Khi được hỏi về rào cản lớn nhất cho cây trồng biến đổi gen hiện nay trên thế giới, Tiến sĩ Clive James khẳng định: “Giờ đây cái chúng ta cần là sự dũng cảm của các nhà lãnh đạo ở những nước mà nông dân vẫn chưa có lựa chọn nào khác ngoài những phương pháp canh tác, các giống cây trồng đã cũ kỹ. Cuộc cách mạng xanh và giờ là cuộc cách mạng công nghệ sinh học thực vật đang giúp đáp ứng nhu cầu về sản lượng lương thực gia tăng cùng với việc bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau. Lãnh đạo của Brazil từng ra lệnh cho áp dụng nhanh chóng cây trồng biến đổi gen vào nước mình để đạt được những kết quả như hiện nay. Bởi thế, theo tôi rào cản duy nhất và nhìn thấy được bây giờ đối với cây trồng biến đổi gen chính là ý chí chính trị”.

Để thay đổi ý chí chính trị, không còn gì khác chúng ta phải dùng thông tin của gần 20 năm áp dụng cây trồng biến đổi gen của thế giới mà tuyên truyền, thuyết phục. Nếu có được một lượng thông tin đầy đủ thì các nhà lãnh đạo mới có thể ra những quyết định đúng đắn. “Tiềm năng cho cây ngô biến đổi gen toàn cầu còn rất lớn cỡ 120 triệu ha trong đó châu Á là châu lục có tiềm năng nhất với 57 triệu ha mà cụ thể Trung Quốc 35 triệu ha, Ấn Độ 8 triệu ha, Indonesia 4 triệu ha, Philippines 3 triệu còn Việt Nam theo tôi sẽ vào khoảng 1 triệu ha”.

Tin lành, tin dữ

Tại cuộc hội thảo, một trong những nguyên nhân của chứng sợ hãi, xa lánh cây trồng biến đổi gen được chỉ ra là do chứng bội thực tin đồn. “Tin dữ đồn xa, tin lành đồn gần” quả rất đúng với trường hợp này. Dù đến tận bây giờ chưa có bất cứ chứng cứ khoa học nào đủ sức thuyết phục nhưng tin đồn vẫn như những hạt quả ké bám chặt vào đầu óc của nhiều người gây ra những ngộ nhận rất nực cười về cây trồng biến đổi gen (hay còn gọi là cây trồng công nghệ sinh học).

Cùng chung những vấn đề tương tự như ở Việt Nam, bà Mahaletchumy Arujanan - Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Malaysia chia sẻ nhiều kinh nghiệm về truyền thông. Thứ nhất là hậu quả của nhân tố Seralini khi nhà khoa học này công bố trong tạp chí Thực phẩm và Hóa chất năm 2012 rằng ngô NK603 và Glyphosat có xu hướng gây ung thư cho chuột. Như một quả bom hạt nhân, công bố này khiến triệu triệu người trên thế giới kinh hãi muốn lánh xa cây trồng biến đổi gen.


Bà Mahaletchumy Arujanan

Nhưng sự thực là gì? Seralini đã không tuân theo các hướng dẫn của OECD về thử nghiệm trên động vật, chủng chuột Spargue-Dawlay sử dụng trong thí nghiệm bản thân nó đã thường mắc các chứng bệnh u bướu, mẫu thí nghiệm nhỏ không có ý nghĩa về mặt thống kê. Tất cả những cái đó khiến cho nhiều nhà khoa học chứng minh nghiên cứu của Seralini là không hoàn thiện. Báo cáo gây sợ hãi cho hàng triệu người của ông đã bị rút lại trong tháng 12/2013. Có hàng ngàn bài báo đã được công bố ủng hộ cho sự an toàn của cây trồng biến đổi gen sau đó.

Những tin đồn như nấm độc mọc sau mưa lại tiếp tục. Đồn rằng chấp nhận cho cây trồng biến đổi gen vào nước mình, nông dân sẽ phải mua giá giống cao, sẽ không thể giữ được giống cho các vụ mùa tiếp theo.

“Sự thực là nông dân hoàn toàn tự do lựa chọn giống giữa giống truyền thống, giống lai và giống biến đổi gen. Các tập đoàn không lấy bằng sáng chế về thực phẩm cơ bản mà chỉ lấy bằng sáng chế về các loại hạt giống. Trên thế giới giống lai có năng suất cao được đưa ra từ những năm 1920 nên mua hạt giống mới cho từng vụ mùa không phải là điều mới mẻ nữa. Giữ giống khi gieo trồng trên phạm vi lớn dẫn đến năng suất tụt giảm do quá trình thụ phấn và sự lan rộng gen sang quần thể khác. Nền nông nghiệp càng ít tập trung và năng suất thấp thì ảnh hưởng tàn phá của nó càng nhiều”.

Cây trồng biến đổi gen là cây trồng có các gen ngoại lai cụ thể được đưa vào cấu trúc DNA bằng kỹ thuật di truyền. Các loại giống cây trồng xử lý bằng phóng xạ, bằng nhân lai chéo, bằng đột biến nhờ hóa chất... đều không phải là cây trồng biến đổi gen.

Đồn rằng cây trồng biến đổi gen tác động xấu đến môi trường? Thực tế loại cây trồng này ít tác động tới đa dạng sinh học, giúp cho chất lượng thực phẩm tốt hơn, sức khỏe nông dân được cải thiện thêm (bởi không phải phun thuốc trừ sâu). “Ai cổ vũ cho sự độc quyền? Ở các nước đang phát triển quá trình quản lý càng nghiêm ngặt, rườm rà càng cản trở sự nghiên cứu và thương mại hóa”, bà Mahaletchumy Arujanan kết luận.

Cũng có nhiều điều kiện gần gũi với Việt Nam nhưng Philippines - nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn và trồng ngô biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi từ năm 2003 đã có bước tiến dài. Ngô là cây trồng quan trọng thứ hai tại đây và năm 2012 quốc gia này đã tự đảm bảo nguồn cung về ngô không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như trước. Ngoài ngô chuyển gen thế hệ thứ nhất chỉ có một đặc tính đơn như kháng sâu bệnh, chịu thuốc trừ cỏ nước này đã có giống mang đặc tính tổng hợp. Philippines có 68 phê chuẩn cho việc sử dụng trực tiếp cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi và chế biến.

Theo ước tính, công nghệ mới đã giúp người trồng ngô ở đây giảm 60% lượng thuốc sâu, tăng năng suất thêm 34% so với ngô thông thường (năng suất tăng gián tiếp thông qua việc không bị sâu bọ phá hoại - PV) và quan trọng nhất là lợi nhuận tăng 218 USD/ha (cho hai vụ). Năng suất cao hơn, chi phí sản xuất giảm đi đồng nghĩa với thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Cuộc sống của người trồng ngô biến đổi gen giờ đây trở nên thanh thản hơn vì ít phải nghĩ đến sâu bệnh và họ có thêm thời gian cho các hoạt động xã hội cũng như gia đình.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất