| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh loạt bài "Ồ ạt móc ruột sông hồ"

Rất nhiều mối nguy

Thứ Năm 03/04/2014 , 10:10 (GMT+7)

Nếu bờ đập hồ Dầu Tiếng vỡ, TP. HCM sẽ chìm trong nước, và đó sẽ là một tai họa thế kỷ.

"Có 2 mối nguy rất lớn là mất an toàn cho hệ thống bờ đập và chất độc hóa học dioxin lắng đọng dưới lớp trầm tích đáy hồ có thể bật lên. Nếu bờ đập hồ Dầu Tiếng vỡ, TP. HCM sẽ chìm trong nước, và đó sẽ là một tai họa thế kỷ”.

Trao đổi với PV Báo NNVN về tình trạng khai thác cát ở khu vực hồ Dầu Tiếng, PGS-TS. Lương Văn Thanh (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và xử lý nước, cho biết như vậy.

11-20-37_anh-1

Được biết từ năm 2007 - 2010, ông đã thực hiện dự án “Đánh giá tồn lưu dioxin và các tác động môi trường tới hồ Dầu Tiếng - đề xuất giải pháp khắc phục”. Ông có thể nói rõ hơn về dự án này?

Đây là nhiệm vụ môi trường cấp Bộ, nằm trong “Chương trình khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Bộ NN-PTNT giao cho Viện Kỹ thuật Biển chủ trì thực hiện nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá những tác động do tồn lưu của dioxin tới môi trường và sức khoẻ con người. Và tôi là chủ nhiệm dự án này.

Khu vực hồ Dầu Tiếng và các vùng lân cận từng phải hứng một lượng dioxin rất lớn. Theo thời gian, mưa gió và dòng chảy, dioxin hội tụ về khu vực lòng hồ, lắng đọng dưới lớp trầm tích sông hồ.

 Chính vì thế, việc nghiên cứu, đánh giá tồn lưu dioxin ở hồ Dầu Tiếng là rất cần thiết nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu về ảnh hưởng của chất độc hoá học trên lưu vực tới môi trường trầm tích, đất và thủy sinh vật cho các cơ quan quản lý và sử dụng nước hồ vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Quá trình nghiên cứu cho kết quả cụ thể thế nào, thưa ông?

Dioxin và các đồng phân độc của nó không còn được phát hiện trong thành phần nước ngầm dọc thành hồ cho thấy nguồn nước cấp của hồ cho tưới tiêu, sinh hoạt rất an toàn.

Riêng môi trường trầm tích đáy hồ, chúng tôi tiến hành khoan lấy mẫu, phân tích 26 điểm. Ở độ sâu 30 cm, chỉ phát hiện một lượng rất nhỏ dioxin, trong ngưỡng cho phép. Nhưng các mẫu thử nghiệm ở độ sâu 1 m trở lên thì hàm lượng dioxin và các đồng phân độc của nó tăng lên, trong đó 2 mẫu có nồng độ 12,5 và 12,9 ppt (đơn vị đo nồng độ hóa học, 1 ppt bằng 1 phần ngàn tỷ khối lượng), vượt ngưỡng cho phép, có thể gây nguy hiểm cho người và môi trường.

Chúng tôi rất lo lắng về việc khai thác cát lòng hồ tràn lan như hiện nay. Bởi lẽ, nếu khai thác quá sâu vào lớp trầm tích, các máy hút cát sẽ khuấy trộn và khuếch tán dioxin vào tầng nước mặt. Dioxin không tan trong nước nên nguồn nước này chuyển về hạ lưu phục vụ nông nghiệp và càng nguy hiểm hơn khi lẫn vào nguồn nước sinh hoạt của con người.

11-20-37_anh-3
Những chiếc tàu hút cát cách bờ đập chính hồ Dầu Tiếng (khu vực giáp ranh) chỉ vài trăm mét

Theo ông, việc khai thác cát tràn lan như hiện nay có ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống bờ đập hồ?

Ảnh hưởng nghiêm trọng! Thứ nhất là khai thác quá gần bờ đập chính sẽ khiến lòng hồ sát bờ đập ngày càng sâu, khiến phần chân đê yếu đi. Thứ 2 là xe tải chở cát chạy trên bờ đê, tạo ra độ rung chấn, cũng làm chân đê yếu đi.

Bình thường, nếu hồ Dầu Tiếng chỉ cần xả lũ 500 m3/giây là đã gây ngập cho khu vực TP.HCM. Trong trường hợp khẩn cấp nhất, gây mất an toàn hồ thì lưu lượng xả theo thiết kế sẽ buộc phải tăng lên đến 2.800 m3/giây. Còn nếu bờ đập hồ Dầu Tiếng vỡ thì cư dân TP. HCM, Bình Dương "thành cá" hết.

Nghị định 112/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi, việc tập kết cát bên trong lòng hồ Dầu Tiếng, vận chuyển cát bằng xe tải chạy trên đê là bị nghiêm cấm. Cụ thể, quy định cấm các hoạt động của xe cơ giới, xây dựng kho, bãi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu bên trong vùng lòng hồ.

Như vậy là phải cấm triệt để việc khai thác cát ở lòng hồ, thưa ông?

Không nhất thiết phải cấm hẳn. Hồ Dầu Tiếng rộng đến hơn 27.000 ha, là nơi đón nhận dòng chảy từ khắp nơi đổ về, theo thời gian, đất, cát và các loại tạp chất đều dồn về. Cho nên, việc khai thác cát có thể giúp nạo vét lòng hồ, tăng dung tích chứa và vệ sinh.

Sau khi xem hình ảnh và những đoạn clip do PV cung cấp, TS Lương Văn Thanh nói: “Thời điểm tôi làm dự án, tình trạng khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng không nghiêm trọng thế này. Tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp chấn chỉnh chứ như vậy thì rất nguy hiểm".

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, dưới lớp trầm tích đáy hồ từ 1 m trở lên có 1 lượng đioxin vượt ngưỡng cho phép khá cao. Và ở độ sâu hơn, có thể mức độ dioxin lắng đọng sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Chi phí cho phân tích một mẫu dioxin rất tốn kém, lên đến 7 triệu đồng và phải phân tích nhiều mẫu, ở nhiều vị trí. Còn xử lý dioxin lại càng tốn kém hơn và không khả thi, nhất là nó lại nằm sâu dưới đáy hồ như vậy. Cho nên, muốn khai thác, trước tiên phải vẽ địa hình lòng hồ, lập bản đồ phân bố tồn lưu dioxin trong khu vực hồ.

Sau đó quy hoạch, phân vùng cấp phép và quản lý hoạt động khai thác cát một cách chặt chẽ, khống chế độ sâu. Chỉ được khai thác ở độ sâu từ 1 m trở lại. Các hoạt động khai thác phải cách xa khu vực đập chính từ 2 km trở lên. Tốt nhất là chỉ cho khai thác ở phía thượng nguồn.

Nhưng nếu chúng ta không xử lý nghiêm thì sẽ không ngăn được các hoạt động khai thác gần bờ đập chính, vì khai thác cát gần bờ giúp họ giảm chi phí xăng dầu, vận chuyển, thời gian. Đặc biệt, cấm triệt để các loại xe tải nặng chạy trên bờ đê hồ.

Nếu khai thác đúng quy định thì có hàng trăm tàu khai thác cả ngày lẫn đêm cũng chẳng bõ bèn gì so với lượng nước. Nhưng một thực tế là việc giám sát, kiểm tra của ngành chức năng chưa đồng độ, việc quản lý cũng có vấn đề, ví dụ, đơn vị quản lý hồ nước lại không có quyền cấp phép khai thác… nên lâu nay vẫn tồn tại tình trạng khai thác quá sâu, gần bờ đập chính. Nhưng, như trên tôi đã nói, hiểm họa là rất lớn.

Đây là một công trình cực lớn, ảnh hưởng đến an sinh của hàng triệu người. Cần phải phân cấp, phân nhiệm quản lý nghiêm ngặt hơn.

Cảm ơn ông!

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất