| Hotline: 0983.970.780

Rau hoa quả - mũi nhọn tái cơ cấu ngành trồng trọt

Thứ Tư 18/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Trái cây Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới và hấu hết các châu lục; đặc biệt khi các hiệp định FTA và TPP được ký kết, cơ hội mở ra cho rau quả Việt Nam là cực lớn.

1. Nhìn vào hiện trạng

Nước ta có diện tích gieo trồng rau các loại khoảng 850 ngàn ha/năm, năng suất tính bình quân mới đạt gần 18 tấn/ha; sản lượng ước đạt gần 15 triệu tấn.

Diện tích rau được phân bổ đều khắp các vùng trong cả nước. Những tỉnh có năng suất đạt cao nhất là Lâm Đồng, Đăk Lăk, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, TP.HCM (trung bình trên 200 tạ/ha).

Với ngành hàng hoa, cây cảnh: Năm 2013, cả nước có khoảng 18.700 ha hoa, cây cảnh; trong đó các tỉnh miền Bắc có 9.500 ha, miền Nam khoảng 9.200 ha, thu nhập bình quân trồng hoa, cây cảnh trên cả nước là 250 triệu đ/ha/năm.

Nhiều mô hình đạt 700 - 800 triệu đ/ha/năm; có những cây thế giá hàng tỷ đồng, các vùng trồng hoa, cây cảnh chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Nam Điền (Nam Định), Đà Lạt (Lâm Đồng), TP.HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang.

Cây ăn quả: Diện tích tăng khá nhanh, từ 696,6 ngàn ha năm 2001 tăng lên 781,4 ngàn ha năm 2012 (tăng thêm 171,8 ngàn ha), tốc độ tăng 2001-2012 là 2,3%/năm. Năm 2013, diện tích cây ăn quả các loại toàn quốc là trên 800 ngàn ha; vùng ĐBSCL có diện tích và sản lượng lớn nhất cả nước, tỷ suất hàng hoá cao nhất với gần 70% sản lượng được bán ra trên thị trường; tiếp đến vùng trung du miền núi phía Bắc; Tây Nguyên.

Sản lượng quả năm 2012 đạt 7,488 triệu tấn, trong đó nhiều nhất là chuối 1,796 triệu tấn, xoài 776,3 ngàn tấn, cam quýt 690,3 ngàn tấn, vải, chôm chôm 649,3 ngàn tấn, nhãn 545,3 ngàn tấn, dứa 571,6 ngàn tấn, bòng bưởi 443,6 ngàn tấn. Bình quân sản lượng quả trên đầu người đạt 84,3 kg/người/năm.

Năm 2013, xuất khẩu rau quả đạt trên 1,09 tỷ USD, riêng quả các loại đạt 0,951 tỷ USD. Năm 2014, xuất khẩu rau quả tăng trưởng khá nhanh và đạt 1,47 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm 2013, trong đó gần 90% là trái cây.

Những hạn chế của ngành hàng rau, hoa quả: Vùng SX mặc dù đã được quy hoạch song vẫn chưa rõ nét, quy mô SX dạng nông hộ, nhỏ lẻ, chủng loại không ổn định, chất lượng không đồng đều, quản lý tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm còn quá nhiều hạn chế..., chưa tạo được động lực đột phá.

Chúng ta đã ban hành tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) nhưng đến nay mới chỉ có trên 10.000/800.000 ha cây ăn quả đang áp dụng và có chứng nhận VietGAP và các tiêu chuẩn GAP khác.

Nhiều chính sách còn chưa đồng bộ và bất cập, tính tiếp cận và tính khả thi chưa cao, liên kết chuỗi, liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau hoa quả với nông dân, liên kết, hợp tác trong tổ, nhóm nông dân để cùng nhau SX theo tiêu chuẩn GAP chưa nhiều và chưa chặt chẽ, chính sách đất đai, hạn điền và chính sách cho phát triển trang trại đều là những vấn đề cần được cụ thể và điều chỉnh.

Khâu yếu nhất của ngành hàng rau, hoa, quả Việt Nam nói riêng và nông sản nói chung vẫn là khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Hệ quả của những hạn chế trên cũng cần phải nhấn mạnh yếu kém của khoa học công nghệ trong lĩnh vực này: Chọn tạo và SX giống cho rau, hoa, quả gần như chưa có thành tựu đáng kể và cũng chưa được quan tâm xứng đáng.

Có tới trên 80% hạt giống rau các loại, chủ yếu là rau cao cấp hiện có trong SX chúng ta phải nhập nội từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Lĩnh vực giống hoa tương tự như vậy và cây ăn quả cũng không hơn gì; quản lý SX giống, cây đầu dòng, chọn tạo, nhân dòng sạch bệnh… là những vấn đề chúng ta cần phải tập trung giải quyết.

2. Tiềm năng và triển vọng

Theo quy hoạch và kế hoạch phát triển cây ăn quả toàn quốc được Bộ NN-PTNT trình Chính phủ phê duyệt, diện tích cây ăn quả đến năm 2010 đạt 1 triệu ha, tầm nhìn năm 2020 khoảng 1,3 triệu ha. Bố trí chủ yếu ở trung du miền núi phía Bắc, ĐBSCL, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và một số vùng khác có đủ điều kiện.

Như vậy, theo quy hoạch, riêng về diện tích cây ăn quả các loại thì chúng ta đang không đạt được diện tích đã quy hoạch theo lộ trình, tái cơ cấu và chuyển đổi, chúng ta còn nhiều đất để “dụng võ” cho ngành hàng này.

Về thị trường, trái cây Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 nước trên thế giới và hấu hết các châu lục; đặc biệt khi các hiệp định FTA và TPP được ký kết, cơ hội mở ra cho rau quả Việt Nam là cực lớn.

Về rau, Việt Nam có thể trồng rau ở nhiều vùng và nhiều vụ trong năm, phát triển mạnh rau quả trở thành “vườn rau” và “bếp ăn” của thế giới là hết sức khả thi.

Chúng ta có đầy đủ các chủng loại rau, rau nhiệt đới và rau ôn đới, nhất là các loại rau củ, quả. Các vùng cao nguyên như Đà Lạt, Mộc Châu, Sa Pa, vùng núi Tây Bắc có điều kiện lý tưởng để phát triển rau, hoa ôn đới.

Miền Bắc với 2 vụ lúa, 1 vụ đông là một vụ thuận lợi để trồng rau cận ôn đới với các chủng loại rau củ quả, chi phí vừa không cao, sâu bệnh ít và tiêu tốn ít nguồn tài nguyên mà giá trị lại rất cao. Với 4 mùa khí hâu rõ rệt, miền Bắc có điều kiện vô cùng thuận lợi cho trồng rau, ngay cả khi mà các khu vực bắc bán cầu vài tháng tuyết phủ.

10-43-50-dscf93841085702267
Rau an toàn, hướng SX bền vững

Phát triển rau, hoa, quả sẽ là cơ hội và điều kiện để chúng ta đẩy nhanh một nền nông nghiệp công nghệ cao. Có thể giúp nông nghiệp Việt Nam vươn lên vị thế mới, với việc hình thành những “xí nghiệp” nông nghiệp công nghệ cao diện tích hàng chục, thậm chí hàng trăm ha và giá trị thu nhập hàng tỷ đ/ha.
Bằng chứng dễ thấy là giá trị xuất khẩu thu về từ rau quả đã nhanh chóng vượt qua mốc 1 tỷ USD và chỉ năm 2013 với 2014, con số tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng này đã xấp xỉ 1,5 tỷ USD.

Hoa, cây cảnh, cây thế, cây bonsai mặc dù diện tích không nhiều, nhưng đã phát triển là hình thành các vùng chuyên canh, các làng nghề với nhiều bàn tay nghệ nhân khéo léo.

Có thể nói đây là một lĩnh vực tiềm năng, tiềng năng ngay trong thị trường nội địa với sự phát triển rất nhanh của các khu đô thị, các hệ thống giao thông cao tốc; sẽ rất tiềm năng nếu chúng ta quảng bá, xuất khẩu được ra các nước trong khu vực.

Hoàn toàn có cơ sở để dự báo giá trị xuất khẩu rau, hoa quả của Việt Nam sẽ đạt ngưỡng hơn 2 tỷ USD trong thời gian 2 - 3 năm tới, khi chúng ta mở được cửa vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, một thị trường rất khả quan cho rau quả Việt đó là Nga.

3. Giải pháp trước mắt và lâu dài

Rà soát và điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt với 11 loại cây ăn quả chủ lực và lợi thế đã được xác định để đảm bảo cân đối với khả năng tiêu thụ, tránh việc mở rộng tự phát và phát triển nóng vượt tầm kiểm soát. Quy hoạch vùng rau, rau an toàn, hoa cây cảnh gắn với phát triển và ứng dụng công nghệ cao.

Đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa khó tưới sang trồng cây ăn quả chủ lực, có thị trường, hoặc chuyển sang trồng các loại rau quả phục vụ chế biến.

Đánh giá giống, chất lượng giống và các cây đầu dòng, quản lý tốt cây giống, nguồn gen quý để chọn lọc, lai tạo để có giống cây, giống rau tốt cung cấp cho SX, nhất là việc cải tạo vườn tạp, thay thế các giống già cỗi, năng suất thụt giảm.

Tổ chức SX và liên kết SX theo chuỗi, gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, SX theo các tiêu chuẩn GAP, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa cho các sản phẩm rau, quả chủ lực của Việt Nam.

Thực hiện tốt các cam kết với ASEAN, WTO, các hiệp định bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với các nước nhập khẩu nông sản. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giữ vững các thị trường lớn, truyền thống và mở rộng các thị trường Đông Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ… Phát triển, mở rộng thị trường nội địa, nhất là các khu du lịch, các đô thị, khu dân cư lớn.

Xúc tiến và kêu gọi đầu tư trong nước và liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng các khu công nghệ cao cho SX và chế biến, bảo quản; nhất là việc bảo quản rau, quả tươi, đầu tư hạ tầng cho các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu.

Thúc đẩy dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô SX, khuyến khích nông dân góp giá trị đất để tham gia cổ phần vào các doanh nghiệp SX - tiêu thụ. Cụ thể hóa và ưu tiên lồng ghép các nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách đã được ban hành: Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về áp dụng GAP trong SX; Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về liên kết SX, xây dựng cánh đồng lớn; Nghị định 210/2013/NĐ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Xây dựng mới chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa; chính sách đổi mới tổ chức dịch vụ thuốc BVTV; trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ giống mới; hoàn thiện gói kỹ thuật đồng bộ; xây dựng mô hình, đào tạo, tập huấn.

(Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt)

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.