| Hotline: 0983.970.780

Rau màu loay hoay tìm đầu ra

Thứ Sáu 14/03/2014 , 10:28 (GMT+7)

Chăm bón cực công, nông dân trồng hoa màu nuôi hy vọng tới kỳ thu hoạch. Nhưng trở ngại lớn nhất là khâu tiêu thụ, giá cả thất thường.

Hiện nay ở vùng ĐBSCL, nông dân năng động muốn chuyển dịch cơ cấu SX, gia tăng thu nhập, song còn gặp không ít trở ngại trong việc lựa chọn cây trồng, định hình một vùng chuyên canh...

Giá cả lên xuống thất thường

Như NNVN đã thông tin trong bài viết "Người trồng khoai lang hớn hở" (số  52, ra ngày 13/3/2014),  hiện người trồng khoai lang tím Nhật Bản đang phấn khởi vì khoai lang được mùa, được giá. Vùng trồng khoai lang huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hiện đang có hơn 4.400 ha khoai lang.

Anh Chín, nông dân xã Tân Qưới tạm ngừng canh tác vụ lúa ĐX, chuyển sang trồng khoai tím Nhật trên đất mới, năng suất trúng khá.

Anh Chín vui mừng cho hay vừa vỡ đất thu hoạch khoai, bán trúng giá bất ngờ đạt 890.000 đ/tạ. Thật lạ là hàng hút khách bất ngờ, trong khi đó vụ năm ngoái anh chỉ bán được 280.000 đ/tạ khoai.

Anh Chín nói: "Dân trồng khoai lang ai cũng biết rủi ro vì giá cả khó đoán, giống như đánh bạc"...

Một chủ nhiệm HTX trồng rau tại quận Bình Thủy (Cần Thơ) cho rằng: Nông dân vào HTX vốn không nhiều, nếu chọn kênh vào siêu thị cần có vốn gối đầu sau gần nửa tháng xoay vòng. Đã vậy, rau màu phải đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn đặt ra. Đó là lý do vì sao phần nhiều nông dân trồng rau màu vẫn còn loay hoay gặp khó trong việc chọn lựa cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường và vẫn chuộng phương thức tiêu thụ sản phẩm theo lối mòn cũ. Quả là một vấn đề đặt ra cho nhà quản lý giải quyết khi bài toán quy hoạch, SX theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Có lẽ anh Chín và một số nông dân trồng khoai ở Bình Tân đang gặp hên thật. Trái lại, thời giá thị trường nhiều mặt hàng nông sản khác ở ĐBSCL đang rớt giá thê thảm. Ngay trên vùng trồng rau màu chuyên canh ở huyện Chợ Mới (An Giang) với hơn 7.200 ha, là một trong những vùng trồng rau màu tập trung lớn nhất tỉnh An Giang và từng đạt giá trị vượt trên 500 triệu đồng/ha/năm.

Nhưng vào giữa tháng 3 năm nay nắng nóng như cháy da, nông dân vẫn cặm cụi ngoài đồng lo thu hoạch rau màu trong tâm trạng kém vui.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở ấp Hòa Thượng, xã Kiến An, huyện Chợ Mới, nhiều năm gắn bó với cây rau màu cho biết: "Từ sau Tết anh đã xuống giống 2.000 m2 củ cải trắng. Chờ tới kỳ thu hoạch, tiền bán củ cải thu được không đủ trang trải chi phí đầu tư bỏ ra từ 5-6 triệu đồng/công, đó là chưa tính công chăm sóc".

Anh Tuấn buồn bã: "Sau 2 tháng trời, bán hết cho thương lái chỉ thu được 2,5 triệu đồng, lỗ nặng".

Ở cùng xóm anh Tuấn, anh Lê Văn Đủ trồng 3 công hành lá và 2 công cà chua cũng âu sầu: “Tôi làm rẫy hơn chục năm qua, nhưng chưa có khi nào gặp giá cả xuống thấp như vậy. Khổ nỗi bao nhiêu chi phí như phân bón, thuốc BVTV, tiền thuê nhân công… đều tăng cao. Còn giá bán lại quá thấp, thử hỏi làm sao nông dân có đủ vốn để theo đuổi nghề trồng rau màu".

Hiện nay hành lá rớt giá 2.000 - 3.000 đ/kg, thấp hơn năm ngoái khoảng 12.000 -15.000 đ/kg.

Cà chua thương lái mua bèo bọt 500-700 đ/kg, giảm gấp 3 - 4 lần so với mấy năm trước.

Bên cạnh các loại rau ăn lá, các loại cây khác như ớt, bắp, củ sắn… đều đồng loạt giảm giá mạnh khiến nhiều nông dân điêu đứng trong lúc vụ rau màu Xuân hè đang mùa thu hoạch.

Anh Lê Văn Bình, ở xã Khánh Bình, huyện An Phú (An Giang), trồng 6 công ớt, trong đó 3 công giống ớt chỉ thiên và 3 công giống ớt Sen Hồng.

Anh than vãn: "Hơn 3 tháng trời cực công chăm sóc, tới khi thu hoạch ớt rớt giá hơn 50% so với vụ ớt vừa qua. Thương lái đến rẫy xem ớt chỉ chọn mua giống ớt chỉ thiên giá 16.000 đ/kg. Còn 3 công ớt giống Sen Hồng thương lái chê không mua và nếu bán ngang ngửa chỉ 5.000 - 6.000 đ/kg. Thương lái chê giống ớt này không cay như các giống khác, màu sắc sau khi sấy xong không đẹp và dễ hư hao trong lúc vận chuyển".

Thế là anh Bình đành thuê nhân công hái ớt và đem ra chợ bán để mong lấy lại một phần chí phí.

Đầu ra bấp bênh

Theo anh Lê Minh Tùng, thương lái mua ớt ở huyện An Phú (An Giang), mấy năm gần đây, hễ vào mùa nắng là mùa cao điểm thu mua ớt cung ứng hàng cho các vựa XK sang Trung Quốc. Trông mong vào thị trường này là chính, nhưng thường thay đổi khó lường.

Chẳng hạn như giá bán từ đầu năm đến nay giảm mạnh nên các vựa giảm mua.

Trước đây vựa của anh Tùng cung ứng cho một DN ở Đồng Tháp mặt hàng ớt sấy từ 15 - 20 tấn/ngày. Khi ớt có giá, anh Tùng thu mua 50- 60 tấn ớt/ngày của nông dân, nay thì chán quá.

Quay về thị trường tiêu thụ nội địa, có một điều nghịch lý vẫn tồn tại lâu nay là vì sao giá rau màu tại ruộng rẫy lúc rớt giá xuống thấp thì giá bán rau cho các bà nội trợ vẫn cao ngất?

Tại các chợ lớn tại các tỉnh, TP như Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp giá rau cao, thậm chí chênh lệch rất lớn so với giá rau tại ruộng, rẫy.

Đơn cử như cà chua bán 6.000 - 7.000 đ/kg. Củ cải trắng 7.000 đ/kg, hành lá có giá 8.000 đ/kg. Giá rau từ nông dân đến chợ chênh lệch nhau 7 - 10 lần. Theo lý giải của tiểu thương, sở dĩ giá rau cao hơn nhiều so với giá nông dân bán ra tại rẫy vì họ phải lấy hàng qua tay các đầu mối. Hơn nữa hiện nay sức mua yếu.

Trong khi nông dân làm ăn riêng lẻ chọn kênh phân phối qua tay thương lái thu gom đến tận ruộng thì một số nông dân vào HTX làm ăn liên kết với các siêu thị cũng chưa thoát cảnh khó khăn, nhất là khi rau màu sản lượng tăng lên gặp lúc dội chợ, rớt giá.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm