| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng:

Rau trong ngưỡng an toàn

Thứ Tư 12/03/2014 , 10:34 (GMT+7)

Cả 106 mẫu rau củ quả tại các chợ, siêu thị và các cơ sở trong chuỗi rau an toàn khi được kiểm nghiệm “đều nằm trong ngưỡng an toàn”.

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng đã tiến hành lấy 106 mẫu rau củ quả tại các chợ, siêu thị và các cơ sở trong chuỗi rau an toàn (RAT, cơ sở Đức Thành Đà Lạt, trang trại Phong Thúy Đức Trọng...) để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV bằng bộ dụng cụ GT Test Kit của Thái Lan.

Kết quả, phân tích định tính 2 nhóm thuốc lân hữu cơ và carbamate bằng bộ dụng cụ này của Thái Lan “đều nằm trong ngưỡng an toàn”.

Điều đáng lưu ý, đầu năm 2013, Chi cục BVTV đã ký kết với Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp để thực hiện nội dung giám sát dư lượng hóa chất trên nông sản, chủ yếu là cây rau ở những vùng rau trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng. Việc ký kết này giữa hai bên cũng đã vừa thực hiện vào đầu năm 2014.

Theo Chi cục BVTV Lâm Đồng, Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng “đã đánh giá cao sự thành công của chương trình giám sát dư lượng hóa chất trên nông sản do Chi cục BVTV Lâm Đồng thực hiện về những giải pháp thực hiện và những khuyến cáo kịp thời đến nông dân, hợp tác xã, trang trại trồng rau, chè tham gia chương trình...”.

TỶ LỆ MẪU ĐẠT NGƯỠNG AN TOÀN CAO

Trong năm 2013, thực hiện chương trình giám sát dư lượng hóa chất trên nông sản, đặc biệt là cây rau, Chi cục BVTV đã thu thập và phân tích 2.800 mẫu rau củ quả bằng phương pháp phân tích nhanh với bộ dụng cụ GT Test Kit của Thái Lan; tập trung chủ yếu trên 12 chủng loại rau là hành poireau, hành lá, cần tây, cải bắp, cải thảo, đậu leo, cà chua, ớt ngọt, đậu Hà Lan, khoai tây, hành tây và dâu tây.

 Kết quả phân tích cho thấy, 96,72% mẫu an toàn, chỉ còn 3,28% mẫu không an toàn - giảm 1,4% so với năm 2012. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, Chi cục BVTV đã lấy mẫu tập trung ở các hộ nông dân 480 mẫu; các vựa rau và chợ đầu mối 540 mẫu; các trang trại 120 mẫu và các cơ sở thu mua và chế biến rau an toàn 580 mẫu để phân tích định tính với kết quả chỉ có 3,66% mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng an toàn (giảm so với 9 tháng đầu năm 2012).

Đồng thời, Chi cục BVTV Lâm Đồng cũng đã tiến hành lấy mẫu và phân tích định lượng 120 mẫu của 6 loại sản phẩm là ớt ngọt, đậu cove, cà chua, cải thảo, hành lá và dâu tây cho kết quả: Chỉ 1,67% mẫu hành lá có dư lượng thuốc Hexaconazle vượt ngưỡng an toàn - thấp hơn nhiều so với năm 2012.

Đặc biệt từ đầu năm đến nay, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhằm tăng cường kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã tiến hành lấy mẫu 106 loại rau củ quả như hành poireau, cần tây, hành tây, bắp cải, cà chua, đậu leo, dâu tây... để kiểm tra bằng bộ dụng cụ GT Test Kit của Thái Lan và kết quả là “đều nằm trong ngưỡng an toàn”.

NHÀ NÔNG Ý THỨC SX RAU AN TOÀN

Để biết về tập quán sử dụng thuốc BVTV của các nông hộ trồng rau, mới đây, Chi cục BVTV Lâm Đồng đã tiến hành thực hiện điều tra 400 hộ nông dân tại Đà Lạt, Đơn Dương và Đức Trọng về hiểu biết và nhận thức về thuốc BVTV; tình hình sử dụng thuốc BVTV trên 8 chủng loại rau cải bắp, cải thảo, hành lá, cà chua, đậu cove, ớt ngọt, khoai tây, dâu tây, kết quả mang lại khá khả quan.

Tuy nhiên, trước tiên, cần ghi nhận là trong năm 2013, thực hiện chương trình ký kết với Ban quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh, Chi chục BVTV tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 20 lớp tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và quy trình sản xuất, phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cây trồng cho 915 lượt nông dân trong tỉnh.

Như vậy, tuy vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng có thể nói, việc kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất rau quả củ, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã ngày càng có tín hiệu tốt hơn; sản phẩm của nông dân làm ra ngày một an toàn hơn.

Cùng đó, Chi cục cũng đã tổ chức 5 cuộc hội thảo khuyến cáo cho 253 lượt người sản xuất để thông báo kết quả phân tích mẫu nông sản, đánh giá tình hình dư lượng thuốc BVTV trên nông sản để từ đó giúp người sản xuất nâng cao ý thức trong sản xuất.

Đặc biệt, tại hội nghị tổng kết chương trình giám sát dư lượng hóa chất trên nông sản do Chi cục BVTV tổ chức gần đây, không ít tham luận, ý kiến của nông dân trồng rau cùng các chủ trang trại trồng chè đã được trình bày và qua đó cho thấy tác động của chương trình kiểm soát dư lượng thuốc BVTV đã làm thay đổi khá rõ nét về nhận thức của người sản xuất trong chương trình sản xuất nông sản an toàn.

Một khảo sát “4 đúng” về sử dụng thuốc BVTV của Chi cục BVTV Lâm Đồng trong tháng 1.2014 đối với 400 hộ nông dân vừa qua cho thấy: “Xác định đúng dịch hại”: Có 97,5% số hộ nông dân nhận dạng được các đối tượng dịch hại chính (sâu hại, bệnh hại) trên cây trồng để lựa chọn thuốc phòng trừ. Hơn 92% số hộ nông dân có kiểm tra kỹ thuốc BVTV trước khi sử dụng.

“Đúng lúc”: Có 86,5% phun thuốc BVTV khi thấy sâu bệnh hại xuất hiện (vẫn còn 13,5% nông dân lựa chọn phương pháp phun thuốc phòng trừ dịch hại theo định kỳ). “Đúng liều lượng, nồng độ”: 62,5% nông dân tăng nồng độ, liều lượng khi sử dụng thuốc BVTV (mặc dầu nhà nông nhận thức rất rõ việc làm này là không đúng với kỹ thuật nhưng hầu hết họ cho rằng do trước đây sử dụng tăng liều lượng và nông độ nên nay phải tiếp tục thực hiệu để mang lại hiệu quả cao).

Và, “đúng cách”: Về nội dung này, Chi cục BVTV Lâm Đồng cho biết là “Theo kết quả điều tra, năm 2013 nông dân trồng rau tham gia dự án chú trọng hơn trong việc bảo hộ lao động, đặc biệt là những nông hộ này đã trang bị các bảo hộ cần thiết trong pha chế thuốc BVTV. Về thời gian cách ly: 94,5% nông hộ được điều tra đã chú ý đến thời gian cách ly của thuốc”.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.