| Hotline: 0983.970.780

Rau xanh Hà Nội sạch

Thứ Tư 19/06/2013 , 09:31 (GMT+7)

Thủ đô Hà Nội đang từng bước quy hoạch các vùng rau an toàn, áp dụng các mô hình sản xuất mới nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV. NNVN đã có cuộc khảo sát ở nhiều vùng sản xuất rau lớn của TP và nhận thấy những tín hiệu đáng mừng.

+ Bước chuyển trong sử dụng thuốc BVTV

+ Cần tập huấn sâu rộng

Thủ đô Hà Nội đang từng bước quy hoạch các vùng rau an toàn, áp dụng các mô hình sản xuất mới nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV. NNVN đã có cuộc khảo sát ở nhiều vùng sản xuất rau lớn của TP và nhận thấy những tín hiệu đáng mừng.

Thuốc BVTV hóa học dần sạch bóng

Tín hiệu đầu tiên là việc các vùng sản xuất rau lớn ở ngoại thành Hà Nội như Mê Linh, Thường Tín cả người dân lẫn một số doanh nghiệp đều hướng đến mô hình sản xuất rau sạch, sử dụng thuốc BVTV một cách phù hợp, đúng quy trình hơn.

Xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) còn 252 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng rau màu, cây củ quả. Mặc dù chưa được quy hoạch trở thành vùng sản xuất rau an toàn nhưng Tiền Phong là xã có diện tích trồng rau lớn nhất huyện Mê Linh. Quá trình chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang trồng rau màu chủ yếu do người dân tự phát. Đã có thời điểm, Tiền Phong là điểm nóng về tình trạng sử dụng thuốc BVTV tràn lan, nhưng bây giờ đã khác.

Qua khảo sát, chất lượng các loại rau ở cánh đồng lớn nhất xã nằm ở thôn Yên Nhân, nơi chiếm phần lớn diện tích rau màu của xã Tiền Phong khá tốt. Thuốc BVTV vẫn được sử dụng khá nhiều, nhưng chủ yếu là thuốc sinh học, hầu như nông dân không còn dùng thuốc hóa học trên cây rau nữa. Ông Hoàng Văn Phương, Chủ tịch Hội nông dân xã Tiền Phong khẳng định: Thuốc BVTV sinh học vừa rẻ, có nguồn gốc xuất xứ, vừa đảm bảo môi trường, lại phù hợp với rau màu nên nó đang dần thay thế các loại thuốc có thành phần hóa học độc hại. Ở xã Tiền Phong này, mỗi năm có vài cuộc hội thảo đầu bờ do các công ty cung ứng thuốc BVTV tổ chức nên cả chính quyền xã lẫn người dân đều hết sức yên tâm. Không còn tràn lan như ngày trước nữa.

Vụ dưa bở năm nay gia đình anh Đặng Văn Việt trồng 2 sào. Tất cả các loại thuốc BVTV từ thuốc trừ sâu, trừ cỏ, kích thích tăng trưởng đều là thuốc sinh học.


Người dân dùng thuốc BVTV sinh học

“Một vụ dưa bở kéo dài khoảng 3 tháng. Thừa nhận thuốc BVTV sử dụng khá liên tục, chủ yếu để đánh nấm, sâu, bọ trắng. Được cái bây giờ dùng thuốc sinh học thôi, không dùng thuốc hóa học nữa”. Theo anh Việt, từ năm 2011, khi một số đại lý cung ứng thuốc BVTV ở xã Tiền Phong bị xử lý vì buôn bán thuốc Trung Quốc, cung cấp nhiều loại thuốc độc hại, kém chất lượng cho người dân như thuốc diệt giun, diệt cỏ, diệt sâu thì người dân trong xã hầu như chẳng mấy ai dùng thuốc hóa học. Tất cả họ, khi được hỏi đều trả lời rằng dùng thuốc sinh học tốt hơn nhiều, thuốc hóa học vừa độc hại vừa không phù hợp. Còn một chủ cửa hàng buôn bán thuốc BVTV ở trung tâm xã Tiền Phong giải thích: Thuốc BVTV hóa học chỉ phù hợp với đồng ruộng, trồng lúa thôi. Trồng rau màu không cần liều lượng quá mạnh, quá nóng, nên dùng thuốc sinh học là phù hợp nhất.

"Do phần lớn diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ các dự án nên diện tích rau màu của xã Tiền Phong giảm dần, nếu không, xây dựng vùng rau an toàn ở đây quá phù hợp. Nhận thức người dân đã thay đổi, họ có trách nhiệm với thương hiệu rau sạch, biết lo lắng cho chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường", ông Phương nói.

Không giống như xã Tiền Phong, xã Thư Phú đã được quy hoạch trở thành vùng rau an toàn lớn nhất của huyện Thường Tín từ mấy năm nay. Chỉ riêng thôn Vĩnh Lộc đã có tới 120 mẫu đất trồng rau, hơn 1.000 hộ dân tham gia và hàng chục các đại lý buôn bán thuốc BVTV hoạt động. Vào vai các thương lái mua rau để đem vào trung tâm Hà Nội, chúng tôi đã cố sức điều tra rất nhiều ngày nhưng ở vùng rau này hầu như người dân không còn sử dụng thuốc BVTV hóa học nữa. Từ các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV cho đến các hộ trồng rau đều lắc đầu mỗi khi nhắc đến thuốc BVTV hóa học.

Ông Nguyễn Thành Tư, một nông dân trồng rau ở thôn Vĩnh Lộc giải thích: Những năm trước thì sử dụng nhiều, nhưng bây giờ hết rồi. Thứ nhất là các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV đều phải đăng ký, phải được đào tạo về chuyên môn, hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc phù hợp. Thứ hai nữa là với người trồng rau họ thấy dùng thuốc BVTV sinh học vừa an toàn, vừa hiệu quả nên thuốc BVTV hóa học bị loại bỏ cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa tỷ lệ hỏng ăn khi sử dụng thuốc BVTV hóa học cao hơn nhiều so với tỷ lệ của thuốc sinh học. Ví dụ như vụ này, người dân trồng cây cải ngọt, nếu lạm dụng thuốc BVTV hóa học nhiều quá, khi đem về bảo quản, tưới nước thì cây rất dễ hỏng. Có khi chỉ sau một đêm là héo quắt, không bán được cho ai. Từ những thực tế như vậy mà người trồng rau bỏ thuốc BVTV hóa học, chuyển sang dùng thuốc sinh học.

Tôi thử vào hai cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ở trung tâm xã Thư Phú và trung tâm xã Hà Hồi hỏi mua thuốc về phun cho cải ngọt. Mỗi sào một bình, có tất thảy 5 gói, từ thuốc diệt cỏ cho đến thuốc trừ sâu đều được cung ứng bởi các công ty có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, kể cả các loại thuốc siêu kích thích, thuốc thúc đẩy lớn nhanh, thuốc làm xanh lá…


Dùng thuốc BVTV sinh học vừa đảm bảo môi trường vừa hiệu quả cao

Cần tập huấn sâu rộng

Việc nông dân thay thế thuốc BVTV hóa học bằng thuốc sinh học là tín hiệu đáng mừng. Chất lượng sản phẩm các loại rau sẽ an toàn hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, qua khảo sát có thể thấy giá cả và chất lượng của các loại thuốc BVTV sinh học vẫn còn là câu chuyện cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

“Tâm lý người dân là cứ có thuốc mới về là họ lại dùng. Nhiều khi thuốc không phù hợp hoặc là kém chất lượng cũng tự chịu chứ không biết kêu ai”, ông Hoàng Văn Phương phân tích.

Nếu thời tiết bình thường thì bình quân mỗi vụ dưa bở, bí, cải ngọt đều quá một tháng mới có thể thu hoạch. Ở xã Tiền Phong, cứ 2 - 3 ngày nông dân phun thuốc BVTV một lần. Chủ yếu là để phòng bệnh. Dọc theo các thửa ruộng trồng rau, vỏ thuốc, bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV vứt nhan nhản. Anh Đặng Văn Việt cho rằng dù đã thay đổi về chất, chuyển từ thuốc hóa học sang sinh học nhưng hiện nay lượng thuốc BVTV vẫn còn phải sử dụng quá nhiều. Như đám ruộng trồng dưa bở nhà anh, cứ hai hôm lại phun một lần. Thuốc sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ bọ nhảy, thuốc diệt giun… Bình quân mỗi sào trồng rau màu ít nhất cũng phải đầu tư vài trăm ngàn tiền thuốc. Hết trồng dưa bở thì chuyển sang trồng bí, đất đai không có thời gian cày xới, ủ ải nên mật độ sử dụng thuốc BVTV càng dày hơn.

Điều người dân lo ngại nhất hiện nay là chưa tìm được những loại thuốc chuyên dụng. Họ đang tự bơi trong ma trận của quá nhiều loại thuốc BVTV. Cũng có loại chất lượng tốt nhưng được một hai vụ lại nhờn thuốc. Đánh sâu, diệt cỏ không chết nữa thì phải chuyển sang thử nghiệm thuốc khác. Vụ trồng bí vừa rồi ở thôn Yên Nhân có gia đình chết cả ruộng bí vì phun thuốc kém chất lượng. Mà đó lại là thuốc của công ty uy tín hẳn hoi, đem đến đại lý thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời là: Chúng tôi chỉ nhập thuốc về, thật giả thế nào phải tìm công ty mà hỏi.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm