| Hotline: 0983.970.780

Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế

Thứ Năm 12/01/2012 , 10:54 (GMT+7)

Những ngày này, có lần theo những địa danh trong câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu mới thấy cái rét nơi đây tê tái đến nhường nào.

"Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/Gió qua rừng Đèo Khế gió sang". Những ngày này, có lần theo những địa danh trong câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu mới thấy cái rét nơi đây tê tái đến nhường nào.

Tê tái Đèo Khế

Nhiều người vẫn nhầm Đèo Khế trong thơ Tố Hữu là con đèo giữa Thái Nguyên và Tuyên Quang. Nếu Đèo Khế là ranh giới giữa huyện Đại Từ (Thái Nguyên) và huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), thì phải là: "Rét từ thành Tuyên rét xuyên xứ Thái", chứ không thể từ Thái Nguyên thổi sang Yên Thế.

Vậy, Đèo Khế trong câu thơ Tố Hữu ở đâu? Qua những chuyến tìm hiểu khá vất vả, chúng tôi đã đến được xóm Đèo Khế, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Đích thị Đèo Khế này là nơi Tố Hữu đã trải nghiệm cái rét của vùng rừng núi. Nơi này nằm giữa ngã ba sông, nơi gặp gỡ của suối La Hiên và suối Cầu Mai, nên hút gió từ vùng núi đá khu vực xã La Hiên, huyện Võ Nhai, nhiệt độ trong năm luôn thấp hơn xung quanh vài độ, đặc biệt vào mùa đông, gió thông thốc, rất lạnh.

Xóm Đèo Khế có 124 hộ dân, 100% là người dân tộc Nùng gốc từ huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn về định cư từ những năm 1924, 1925. Ông Lý Viết Hoà, Bí thư chi bộ Đèo Khế cho biết, xóm nằm giữa ngã ba sông, phân xóm thành 4 cụm dân cư. Vị trí địa lý như vậy thì thuận lợi về thuỷ lợi, tưới tiêu nhưng rất vất vả vả về giao thông, đi lại. Hiện chỉ có 1 cầu bán kiên cố, mỗi năm, xóm phải làm tới 8 cây cầu tạm, cầu tre, cầu khỉ. Xe ô tô, xe ngựa chỉ ra vào mùa khô còn mùa mưa thì chịu chết. 

Nhà nào ở Đèo Khế cũng có bếp lửa để chống chọi với rét

Mùa này ở Đèo Khế, nhà nào cũng có một bếp lửa sưởi nhưng củi đốt bếp chỉ là vài cành cây đốn tỉa chứ không phải cả thân cây to như trước đây. Rét chưa trồng cấy được, dân làng ngồi tán ngẫu bên bếp, những bậc cao niên trong bản đều khẳng định, sở dĩ có tên Đèo Khế vì vùng này xưa rất nhiều cây khế. Đâu đâu cũng có khế, khế mọc khắp nơi trên đồi, dưới bãi. Rét ở Đèo Khế cũng thật lạ lùng, mùa đông gió thổi vào xóm từ trên núi cao xuống, cả ngày lẫn đêm, nên gọi Đèo Khế là đèo hút gió cũng được.

Trưởng bản Nông Văn Thắng đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Văn Nghiệp, chị Lưu Thị Bé, hộ nghèo của bản. Mới ba mươi sáu tuổi, anh đã lên chức bố vợ. Dù bếp lửa đã được nhóm lên giữa nhà, răng chúng tôi vẫn đánh vào nhau cầm cập bởi ngôi nhà tranh tre vách đất trống hoác, tuềnh toàng. Vợ chồng anh Nghiệp vừa bắt 2 con chó con định đem bán ngoài chợ La Hiên để lấy ít tiền sắm Tết nhưng thấy khách vào lại đi đun nước, thổi mãi lửa không lên nên phải chạy đi hàng xóm lấy lửa.

 Mấy đứa nhỏ chơi tha thẩn ngoài vườn, chân trần trên đất không, quần áo mong manh, hở bụng, tím tái vì gió quất vào người. Nghiệp vừa bị tai nạn xe máy khi đi ăn cỗ cưới ở Lạng Sơn về húc vào xe buýt. Ban đầu xe buýt bắt phạt 5 triệu nhưng khi thấy hoàn cảnh Nghiệp "rách" quá nên không những không bị bắt phạt, người ta còn cho thêm 5 triệu đồng. Sau đận ấy, Nghiệp "đi" 4 chiếc răng cửa nên giờ trông anh hom hem như già làng.

Vợ chồng Nghiệp cho biết có 3 sào ruộng, hết gạo ăn thì 2 vợ chồng lại đi làm thuê. Rét thế này, cái ăn còn thiếu nói chi đến cái mặc. Tết nhất đến nơi chưa biết trông vào đâu, chả dám mong đến thịt cá, chỉ thèm bữa cơm no bụng đã khó. Nhà Nghiệp chống chếnh tứ bề, gió Đèo Khế lùa vào quần quật, rít lên những âm thanh rùng rợn.

Trưởng bản Nông Văn Thắng nói, mùa đông giờ đã bớt lạnh nhiều rồi, xưa kia trời đã lạnh mà còn thiếu ăn, thiếu áo thiếu quần nên khổ vô cùng, nay lạnh nhưng cũng đỡ hơn vì cuộc sống khá lên rồi. Đời sống của bà con tập trung vào chè lúa, ngô khoai sắn, nên chỉ còn 15% hộ nghèo. Trên đường từ Đèo Khế qua xã Hợp Tiến để sang Yên Thế (tỉnh Bắc Giang), chúng tôi đều thấy người dân đang che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm cho gia súc.

Gió về Yên Thế

Yên Thế là huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh Bắc Giang với hơn 4 triệu con. Xác định chăn nuôi gia cầm là một trong những nguồn thu lớn của người dân nên thời điểm này ngoài việc tập trung hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh, ngay từ đầu mùa đông, UBND huyện Yên Thế đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chống rét cho đàn gà.

Sưởi ấm gia cầm ở Yên Thế

Đáng chú ý, huyện có cơ chế hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng lò úm cải tiến để giữ ấm cho gà với mức 200 nghìn đồng/lò. Nhờ vậy, trong mùa đông này, toàn huyện có tổng cộng hơn 1.000 lò úm gà cải tiến. Nhiều hộ có thu nhập hàng năm lên tới vài trăm triệu từ chăn nuôi gia cầm như: hộ bà Phan Thị Hạnh (bản Rừng Dài, xã Tam Tiến);  hộ ông Nguyễn Hữu Thịnh (xã Đồng Kỳ); hộ ông Lăng Văn Liệu (thôn La Thành, xã Tiến Thắng với số lượng bình quân 3.000 - 5.000 con/lứa cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Nuôi gà thả vườn để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ hiện là giải pháp quan trọng tại nhiều xã của huyện. Trong vòng 4 năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tiến Thắng giảm từ 39% còn 17%. Theo ông Triệu Văn Phượng, Bí thư Đảng uỷ xã, bước đột phá về xóa đói giảm nghèo là chính quyền đã phối hợp tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhất là kiến thức về chăn nuôi nhằm phát huy thế mạnh đồi rừng và các tổ chức hội đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng.

Trong thời gian qua, gần 2.600 lượt hộ được vay gần 30 tỷ đồng vốn để phát triển sản xuất. Đa số hộ mạnh dạn đầu tư nuôi gà hàng hoá theo mô hình thả vườn, quy mô từ 1.000 đến 5.000 con. Tổng đàn gà của xã thường xuyên duy trì từ 300- 400.000 con.

Theo chân cán bộ thú y xã Đồng Kỳ, chúng tôi đến gia đình anh Hoàng Huy Hào, thôn Đồng Lân để xem cách chống rét cho đàn gà. Anh Hào cho biết mặc dù nuôi nhiều nhưng chưa năm nào gà nhà anh bị chết rét. Hiện tổng đàn 2 nghìn con, ngày nào gia đình cũng thắp 8 bóng điện và quây cót xung quanh, bên trên che kín bằng bạt, chuồng nuôi gà trưởng thành thì đặt thùng phuy sưởi ấm kết hợp rải rơm trấu dưới nền.

Anh Hoà cũng cho biết, người dân trong thôn mua nhiều bồ kết tích trữ, không phải để gội đầu mà để dành đến khi thời tiết rét đậm rét hại thì đốt bồ kết cạnh chuồng gà để làm hạn chế mầm bệnh và chống suy giảm hô hấp ở gà. Theo Sở NN - PTNT tỉnh Bắc Giang, năm ngoái, toàn tỉnh có hơn 7.300 con gia súc, gia cầm bị chết rét làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo người dân khi sử dụng các thiết bị điện hoặc áp dụng các biện pháp như: đốt lửa xung quanh chuồng trại, lò úm, phuy sưởi cần đặc biệt cẩn trọng đề phòng hoả hoạn vì thời điểm rét đậm, rét hại không khí cũng rất hanh khô.

Xác định đàn gia súc, gia cầm là tài sản lớn, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân, đặc biệt là các hộ dân ở các xã miền núi, đặc biệt khó khăn, ngay từ đầu mùa đông năm nay, Sở NN - PTNT có công văn gửi cho UBND các huyện, thành phố để chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm.

Sở NN - PTNT khuyến cáo các hộ dân nhất là ở các huyện miền núi, vùng cao không được chủ quan, lơ là mà cần chủ động bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ; cho gia súc, gia cầm ăn thêm thức ăn xanh và tinh, nhất là vào ban đêm để tăng sức đề kháng; theo dõi diễn biến thời tiết, những ngày giá rét tuyệt đối không thả rông trâu bò, cho nghỉ cày, kéo. Đàn gia cầm cần nuôi nhốt có kiểm soát và đốt lò sưởi ấm hoặc thắp bóng điện.

Đối với thuỷ sản cần che kín ao bằng bạt ni lông, bèo, xốp để tăng khả năng giữ nhiệt, chắn gió Bắc; không kéo lưới, thay nước ao khi nhiệt độ xuống thấp; duy trì mực nước trong ao từ 2 mét trở lên; làm sọt tre chứa đầy rơm rạ cắm xuống đáy ao làm nơi trú rét cho cá, nhiệt độ xuống dưới 15oC ngừng cho ăn.

Xem thêm
Tri ân những người làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 17/4 tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Acecook Việt Nam - Những dấu ấn bước đầu trong phòng chống thiên tai

Những năm qua, Acecook Việt Nam và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa giúp cộng đồng nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.