| Hotline: 0983.970.780

Riêng thẻ ATM thôi mà đã bất đồng ngôn ngữ tiêu xài giữa hai vợ chồng rồi!

Thứ Tư 19/07/2017 , 06:50 (GMT+7)

Cũng chỉ vì tiền một đầu mối hay là góp lại và góp như thế nào mà hai vợ chồng cháu không bàn luận được. Cháu dùng thẻ, mọi thu nhập và chi tiêu đều qua thẻ, vợ cũng thế mà.

Cô kính mến!

Thời bố mẹ cháu đồng lương không là bao, bố đi làm về, tiền lương đưa mẹ giữ hết. Bố thường xuyên được mẹ để tiền vào ví, đôi ba trăm, là đủ. Ít hôm mẹ xem ví, lại để thêm. Bố rất hài lòng việc đó, hay khoe bạn, tao có bà vợ tâm lý, chu đáo. Giờ bố và mẹ đều về hưu, vẫn thế, mẹ cầm hai sổ hưu, bố được vợ thu vén cho mọi nhẽ.

Thời của cháu đã khác. Nhưng vợ cháu không hiểu cái điều ấy. Có lẽ vì bố mẹ vợ của cháu không giống như bố mẹ cháu. Ông ấy giữ rịt tiền lương, bà xoay xở bằng tiền lương của bà, chồng chi tiêu những việc to, chủ yếu là chi cho bên nhà ông ấy, bố mẹ già, mồ mả, giỗ chạp, hiếu hỉ. Có lẽ thế mà cháu ít khi thấy bà vợ cười, bà ấy không tươi như mẹ cháu. Sau này nghiệm ra cháu mới tạm biết như thế.

Cũng chỉ vì tiền một đầu mối hay là góp lại và góp như thế nào mà hai vợ chồng cháu không bàn luận được. Cháu dùng thẻ, mọi thu nhập và chi tiêu đều qua thẻ, vợ cũng thế mà. Nhưng vợ lại muốn như bố mẹ cháu, tiền mặt rút ra, đưa đủ, vợ cầm trịch chi tiêu. Nếu cháu phản ứng rằng bố mẹ em có thế đâu, cũng sống với nhau đến khi có cháu ngoại cháu nội đấy thôi. Cô ấy gầm lại, bố mẹ anh hạnh phúc, sao anh không học bố mẹ mình?

Mệt quá cô ạ. Đám bạn cháu đứa nào cũng theo công thức hôm nay, ăn sáng ở ngoài đường, tiền lương đưa vợ một phần, thu nhập ngoài lương món này đưa món kia giữ kín, chi tiêu ban chiều cho nhu cầu cá nhân trăm thứ, không quỹ riêng thì rúc đầu xuống đất khi có việc à? Làm sao hài hòa được cuộc sống gia đình với những nhu cầu riêng? Làm sao để vợ chồng cùng thỏai mái với công thức thẻ và thẻ của thời đô thị hiện đại, thưa cô? Cháu chán quá, đi làm thì thôi, về nhà thì nghe vợ kêu ca tốn chỗ này, cần sắm chỗ kia, tưởng cháu là cái cột ATM ấy. Có thể khi tiền về một mối thì vợ để dành được nhiều hơn, nhưng như thế thì người chồng bị kiểm soát từ A đến Z, đúng không cô?

**********************

Cháu trai thân mến!

Đúng, cái thời bố mẹ cháu có lẽ trang lứa với cô, nghèo mà thấy đủ. Thực ra khi ấy nghèo xơ xác nhưng là nghèo đồng đều, ai cũng thế nên xã hội an lành, có vật vã ước mơ nhưng người ta có cái triết lý sống ngàn xưa để lại “giấy rách phải giữ lấy lề”.

Thời nào cũng có cái lý của nó thì xã hội mới tồn tại được. Kinh tế mở, hội nhập toàn cầu, ấy là chưa nói đến việc thẻ tín dụng là đòn bẫy tiêu dùng, kích thích kinh tế như Mỹ đó nha. Riêng thẻ ATM thôi mà đã bất đồng ngôn ngữ tiêu xài giữa hai vợ chồng rồi. Tiến tới thẻ tín dụng, gì cũng mua góp và mắc nợ thì gia đình còn dễ lục đục, dễ xa nhau hơn nữa. Hãy chuẩn bị tinh thần cho lối sống đô thị hiện đại, rằng là sẽ phức tạp bội phần, sự va chạm của các thành viên rổn rảng quanh năm, vì mỗi người là một cái tôi to đùng, đi cùng cái tôi ấy là nhu cầu cao ngất bởi tiện nghi, tiêu dùng, điện tử…

Cháu phải có công thức chi tiêu sớm với vợ để cả hai dòng nước đổ vào một dòng chảy rộng và mạnh hơn. Ví như cháu bỏ ra 10 triệu, vợ ít hơn chút đi, 8 triệu, đủ không? Hay là cháu 15, vợ 10, đủ không? Mình làm chồng, nếu thu nhập thấp đành chịu, thế nào cũng phải nói với vợ thu nhập cứng của mình, rồi cứ trách nhiệm chồng mà gánh vác. Phụ nữ họ có những thứ chi tiêu cho họ mà chồng không biết hết được, vì như ăn quà, ví như đi làm tóc, ví như mua sắm, ví như đi spa, ví như…Không thể anh 5 thì em cũng 5, chồng như vậy “nghỉ chơi” luôn.

Và trách nhiệm chồng còn ở chỗ chi cho những đại việc: sửa nhà, mua sắm thêm tiện nghi, đi chơi cuối tuần, đi nghỉ hè, nghỉ tết. Cháu gánh đi rồi vợ sẽ thấy, anh ấy giữ là để cho những việc này, lâu dần cô ấy sẽ quen. Còn phần của vợ, nên nhớ, lọt sàng xuống nia, đàn bà để dành là để bọc lót cho chồng khi mất việc, khi đau ốm, khi bên phía vợ có việc và để dành cho con, cho cháu. Chỉ có đàn bà hư mới để dành tiền cho trai, ngữ ấy, mình không quan tâm.

Cầm trịch một gia đình thời nay rất khó. Mở miệng ra là nghe tiền, vì mỗi bước mỗi tiền, làm gì cũng cần đến tiền. Nhưng hãy chú ý đến nhu cầu, cảm xúc của vợ trong vấn đề này, đừng để cô ấy ấm ức mãi sinh bệnh, sinh khí độc đầu độc cả gia đình. Và nhớ, đừng viện cớ quan hệ bạn bè mà chi quá nhiều chi tụ bạ, bia bọt. Lâu lâu nên đem về một cục nói Em để dành đi, vậy là vợ sướng điên người, chồng yêu, chồng tin, chồng muốn mình để dành cho gia đình, chồng biết nghĩ, chồng đáng yêu quá xá.

Vẫn có người tin vợ mà đưa cả thẻ cho cầm, nếu vợ là người chu toàn, thấu đáo, văn minh thì chồng không thấy bị kiểm soát. Còn tùy chồng ra sao vợ ra sao mới có định nghĩa gia đình ấy hạnh phúc mỹ mãn hay hạnh phúc, hay hạnh phúc tạm được. Mỗi nhà mỗi cảnh, không ai giống ai, vợ chồng có cãi nhau, đừng đem hai bên ra so sánh, khéo rồi chạm nọc, hỗn, tổn thương, sứt mẻ và đổ vỡ, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.