| Hotline: 0983.970.780

Rời quê không phải chuyện hay và tốt

Thứ Tư 10/12/2014 , 09:45 (GMT+7)

Tính gì cũng đừng nghĩ đến chuyện rời quê là hay và tốt. Không lâu nữa rồi bố mẹ cháu già đi, biết đâu lúc ấy quê cháu là miếng mật để các cháu quay về, vây quanh bản quán. 

Cô Dạ Hương kính mến!

Thấm thoát mà đã cháu đã vào năm thứ ba đại học. Chúng cháu có cả thảy 3 anh em. Anh trai cháu không đỗ đại học, anh đi trung cấp, lận đận xin việc mãi giờ cũng tạm ổn rồi cô.

Em trai cháu vừa vào năm thứ nhất, trong con mắt nhiều người, như thế là rất hạnh phúc cho gia đình thuần nông như bố mẹ cháu, đúng không cô?

Vấn đề cháu muốn xin ý kiến tư vấn thuộc về chuyện gia tộc chứ không phải chuyện tình cảm gì đâu cô.

Số là, thưa cô, bác cả và chú út nhà cháu đều đã vào Nam từ sớm. Cả hai đều có công việc ổn định, chú út còn kinh doanh rất khá nữa.

Bác và chú đều có nhà riêng và đã đưa được ông bà nội vào (khi ở nhà người này khi ở nhà người kia, không cố định hẳn với ai). Cháu khi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn học, cũng đều nhờ bác và chú rất nhiều.

Khi em cháu trúng tuyển đại học ở TP.HCM, chúng cháu rất muốn bố mẹ cháu vào Nam luôn thể. Việc trọng đại ấy được đặt ra, một bài toán khó cho ông bà nội, bác cả và chú.

Thật sự cháu thích thời tiết và không khí làm ăn trong này. Tương lai của anh trai cháu, cả cháu và em cháu nữa, chắc sẽ ở trong này hết. Nếu chúng cháu có áp lực với bố mẹ cháu để hai người chuyển vào trong này thì cũng đâu có gì là tội lỗi, đúng không cô?

Ở ngoài quê, ông bà nội để lại cho bố mấy sào hương hỏa, bố mẹ cháu cũng có những sào ruộng riêng, nhờ cần mẫn chăn nuôi nên nhà có trâu, có dê và có vịt có gà.

Vướng nhất là ngôi từ đường của dòng họ trên đất ông nội cháu thừa tự. Nhưng ban tộc biểu sẽ cử người tới hương khói, dòng họ của ông bà vẫn còn người ở chung quanh xóm mà cô.

Thế mà ông bà nội giận các cháu, giận ghê lắm. Ông bảo các cháu học hành chưa chi mà phụ bạc, tính gần chẳng tính xa. Bố mẹ cháu lúc đầu thấy chúng cháu nài nỉ cũng xuôi, vì vào Bình Dương bây giờ vừa gần Sài Gòn, cũng vừa có thể thuê đất làm nông được.

Lâu dài rồi sẽ bán đất, bán cơ ngơi để đổi lấy đất đai trong này, đó là hậu vận mà bố mẹ cháu xứng đáng được hưởng chứ cô.

Cháu là gái nhưng cháu “đầu têu” trong chuyện này. Cháu cũng sợ khi làm phật ý ông bà nội. Theo cô, cháu nên thôi “đấu tranh” hay để mặc vậy, khi ông bà khuất bóng rồi hẵng tính?

---------------------

Cháu thân mến!

Cháu có hiểu hai chữ quê hương nó nặng lòng như thế nào với những người có tuổi không? Rồi cháu sẽ hiểu khi cháu đã già.

Ngồi buồn nhớ tuổi thơ, nhớ từng cái bờ, ngọn gió, rặng cây. Nhớ từng món ăn, chỗ từng ngồi, mùi thơm từng cây gia vị mà miền khác không có. Người miền ngoài gian lao, càng khó nhọc nỗi gắn bó quê hương càng trĩu. Đơn giản vì nhiều cay cực nên muối mặn hơn, gừng cũng cay hơn.

Là nhà nông có cả ba con đều được học hành và đều đang ở miền Nam cả, thì đó là niềm hãnh diện cho bố mẹ cháu. Đúng, cháu đã nghĩ không sai khi hình dung tương lai của gia tộc nhỏ của mình sẽ được như bác cả và chú út.

Nhưng nếu ai cũng vào Nam hết thì bản quán ngoài kia giao cho ai? Mỗi thành viên trong gia tộc đều có một sứ mệnh và số phận. Có người nhà cao cửa rộng phố thị, cũng có người heo hút xóm nghèo.

Suy cho cùng, ra đô thị không phải lúc nào cũng hay, nhất là muộn như những người đứng tuổi. Rồi sẽ sống giữa bốn bức tường, như nhà tù ư? Với người quen không khí, tự do chim trời cá nước ở quê thì cuộc sống ở chung cư hay nhà hình ống đúng là ngục thất đó cháu.

Cho dù bố mẹ bán cả cơ ngơi để đổi lấy một khoảnh đất ở Bình Dương thì cũng không chở được hồn quê, tình quê theo.

Sao không nghĩ, máy bay giá rẻ bây giờ sẽ làm cái việc đưa đón bố mẹ vào và các cháu thay nhau ra hoặc cùng ra sum họp? Sao không nghĩ chữ hiếu của bố mẹ là tuổi già của ông bà nội, không phải nhiệm vụ chăm lo trực tiếp mà là từ đường, hương hỏa và sự nối dài nghĩa quê với dòng họ?

Thôi cháu ơi, thiết kế sớm cho bố mẹ ở Bình Dương là tốt nhưng trời chưa duyệt, người chưa thuận. Đúng, để ông bà nội trăm tuổi rồi tính, nhưng tính gì cũng đừng nghĩ đến chuyện rời quê là hay và tốt.

Không lâu nữa rồi bố mẹ cháu già đi, biết đâu lúc ấy quê cháu là miếng mật để các cháu quay về, vây quanh bản quán. Điện đã khắp, giao thông thông suốt, làm ăn thoáng ra, ở đâu cũng là làm là ăn thì ở quê, về quê, đáo quê vẫn tốt hơn chứ.

Đời là vô thường, không biết đâu mà khăng khăng thế này là hay còn thế kia là dở, đúng không?

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm