| Hotline: 0983.970.780

Rơm ngày càng trở nên đắt hàng, nhiều dịch vụ kiếm khá tiền

Thứ Sáu 27/05/2016 , 14:01 (GMT+7)

Nhà ông Sáu Phát, với 2 cái máy cuốn rơm, trong mùa thu hoạch rơm, mỗi ngày làm ở mức độ vừa phải, cũng thu hoạch được khoảng 600 cuộn rơm. Vào thời điểm này, giá mỗi cuộn khi giao tận nhà, có người giả 23.000 đồng. 

Người nuôi bò cần rơm, người trồng nấm cần rơm, người trồng thanh long cũng cần rơm … Nhu cầu lớn về rơm từ chăn nuôi, trồng trọt, đang làm cho rơm ngày càng trở nên đắt hàng, và nhiều người đang kiếm khá tiền với dịch vụ kinh doanh rơm.

Nhu cầu lớn

Gia đình ông Sáu Phát (ấp Lộc Trát, Gia Lộc, Trảng Bàng, Tây Ninh) là một hộ nông dân đã khá lên nhờ con bò sữa. Gần đây, ngoài đàn bò, gia đình ông lại có thêm một khoản thu nhập khá từ dịch vụ kinh doanh rơm khô.

Theo thông tin từ ông Phát và một số hộ làm nghề kinh doanh rơm ở Gia Lộc, nhu cầu sử dụng rơm đang ngày càng tăng cao. Ở Trảng Bàng (Tây Ninh), Củ Chi (TP.HCM) .., nhiều hộ mua rơm để thêm khẩu phần thức ăn thô cho bò sữa. Ngay chính gia đình ông Phát cũng cần rơm để nuôi bò.

Nghề trồng nấm đang phát triển cũng làm gia tăng đáng kể nhu cầu sử dụng rơm. Bên cạnh đó, những người trồng cây ăn trái cũng cần rơm để tủ gốc. Rồi rơm được sử dụng trong làm phân vi sinh …

Mới đây, một thương lái chuyên mua rau củ quả từ Lâm Đồng đưa xuống Đông Nam bộ cũng tìm tới Trảng Bảng đặt vấn đề mua rơm đưa lên trên đó bán cho những hộ có nhu cầu. Rơm cũng đang được nhiều thương lái thu mua để chở ra Bình Thuận bán cho những trang trại thanh long cần rơm để ủ gốc.

Thậm chí một lượng rơm không nhỏ cũng đang được chở từ ĐBSCL ra tận ngoài Bắc để bán cho những người chăn nuôi bò sữa (nhất là ở Mộc Châu) hay dùng vào những công việc khác.

Lái rơm, buôn rơm

Chính vì vậy, khi vào vụ thu hoạch lúa, những người kinh doanh rơm đang hoạt động nhộn nhịp chẳng kém gì các thương lái thu mua lúa. Khi lúa bắt đầu trổ đòng, họ đã phải tìm đến các chủ ruộng, đặt cọc khoảng 1,4-1,5 triệu đồng/ha. Sau khi lúa thu hoạch xong, họ đưa người, đưa máy đến ngay để thu hoạch rơm.

Có nhiều người còn lặn lội sang Campuchia, thu mua rơm đưa về Việt Nam. Trước đây, các xe tải chở rơm từ Campuchia về Việt Nam vẫn được thông quan một cách bình thường. Nhưng từ sau vụ một xe tải chở rơm bị cơ quan chức năng phát hiện bên dưới rơm chất đầy thuốc lá nhập lậu, xe tải không còn được chở rơm từ Campuchia về nữa.

Thay vào đó, người ta phải vận chuyển rơm từ Campuchia về Việt Nam bằng các phương tiện vận tải thô sơ, nhỏ hơn. Khi đã qua biên giới, người ta mới tập kết rơm ở một địa điểm rồi đưa lên xe tải để chở về các tỉnh. Nhiêu khê vậy nhưng vẫn nhiều người vẫn làm, chứng tỏ nhu cầu sử dụng rơm hiện rất lớn và kinh doanh rơm đang lãi khá.

Như nhà ông Sáu Phát, với 2 cái máy cuốn rơm, trong mùa thu hoạch rơm, mỗi ngày làm ở mức độ vừa phải, cũng thu hoạch được khoảng 600 cuộn rơm. Vào thời điểm này, giá mỗi cuộn khi giao tận nhà các hộ sử dụng, có giả 23.000 đồng. Lúc rơm chưa nhiều, giá 27.000 đ/cuộn. Nếu bán ngay tại ruộng cho thương lái, giá mỗi cuộn rơm từ 15.000-17.000 đồng.

16-54-49_nh-2-kiem-tien-tu-rom
Nông dân mua cuộn rơm về cho bò ăn

Máy cuốn rơm trong nước luôn được các nhà sản xuất nghiên cứu, cải tiến để càng ngày càng phù hợp hơn với điều kiện địa hình đồng ruộng ở Việt Nam. 
Ông Trần Đại Dũng, PGĐ Trung tâm Thương mại Dịch vụ (Cty Z755), cho hay nhà máy thường xuyên cử kỹ sư tới những hộ đã mua và sử dụng máy để ghi nhận những ý kiến của nông dân về máy cuốn rơm khi vận hành trong thực tế. Qua đó có những giải pháp cải tiến kịp thời, nhằm gia tăng chất lượng của máy, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Tính ra, trong mùa thu hoạch rơm, nếu bán ngay tại ruộng cho thương lái, với mức giá thấp là 15.000đ/cuộn, thì mỗi ngày ông Sáu Phát cũng có doanh thu chừng 9 triệu đồng. Còn thương lái, nếu chở rơm cuộn ra tận Bình Thuận để bán cho người trồng thanh long, có những lúc bán được tới 35.000-40.000đ/cuộn.

Phụ đem lại thu nhập chính

Không chỉ những hộ kinh doanh rơm mới thu lợi từ rơm, mà những hộ trồng lúa cũng có thêm thu nhập từ thứ phụ phẩm mà trước đây vốn chỉ để đốt bỏ trên đồng ruộng, thậm chí rơm từ chỗ là sản phẩm phụ lại cho thu nhập ngang hàng với bán lúa.

Như đã nói ở trên, với việc những người làm nghê kinh doanh rơm phải đặt cọc 1,4-1,5 triệu đồng/ha, thì đó chính là khoản thu nhập thêm của những người trồng lúa từ rơm. Nhờ bán rơm nên những hộ trồng lúa lại không phải mất tiền để thuê người thu dọn, đốt rơm trên đồng ruộng, tiết kiệm được khoảng 300.000đ/ha.

Để tăng hiệu quả kinh doanh rơm, hầu hết những người làm nghề này đều đã mua sắm các loại máy móc phục vụ cho việc thu hoạch và cuộn rơm lại thành những cuốn rơm chắc chắn. Nhiều hộ chọn mua máy cuốn rơm của Trung Quốc vì có giá rẻ, khoảng 80-90 triệu đồng/máy.

Tuy nhiên, máy Trung Quốc nếu bị hỏng thì gần như phải cất kho vì không có phụ tùng thay thế. Mặt khác, những cuộn rơm cuốn bằng máy của Trung Quốc chỉ có khối lượng chừng 11-12 kg khô/cuộn.

Vì vậy, những người kinh doanh rơm đang chuyển mạnh sang sử dụng các loại máy cuốn rơm được sản xuất trong nước như máy cuốn rơm của Cty Thông tin điện tử Z755 (được gọi nôm na là máy quốc phòng) và một số cơ sở khác.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.