| Hotline: 0983.970.780

Rợn người trên các mỏ đá Quỳ Hợp

Thứ Ba 12/04/2011 , 09:12 (GMT+7)

Không có số liệu về các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thổ phỉ, mà chỉ tính riêng 75 doanh nghiệp có giấy phép thì hiện nay họ đang khai thác ở 85 mỏ.

Rợn người cảnh khai thác đá dưới chân lèn Thọ Hợp (Ảnh chụp lúc 16 h ngày 8/4/2011 tại mỏ đã xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp)

Quỳ Hợp là huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, có nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm như thiếc và đá hoa cương (đá trắng) rất lớn. Không có số liệu về các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thổ phỉ, mà chỉ tính riêng 75 doanh nghiệp có giấy phép thì hiện nay họ đang khai thác ở 85 mỏ. Tuy nhiên khi hỏi về tình hình an toàn lao động trên vùng mỏ thì Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện lắc đầu không biết.

>> Những ẩn họa mang tên ''Lèn Cờ''
>> Hà Tĩnh- Lửng lơ tai họa
>> Bồng Miêu sa khoáng hại người
>> Những ngôi làng khốn khổ

Sau sự cố sập mỏ đá Lèn Cờ ở huyện Yên Thành, chúng tôi đến huyện Quỳ Hợp để cảnh báo về tình hình tai nạn lao động. Đây là địa phương có tổng diện tích đất tự nhiên trên 94.000 ha, nhưng trong đó đã có 75% là núi non lèn đá ở độ cao trên 200m so với mặt nước biển. Các lèn đá được phân bổ và trải dài mênh mông trong núi non trùng điệp. Chính nơi này là cứ điểm của các tập đoàn, doanh nghiệp ngày đêm vang vọng tiếng máy khoan, máy đào và nổ mìn khai thác đá trắng để chế biến thành đá ốp lát trong xây dựng và xuất khẩu.

Đây là mặt hàng có giá trị lớn nên trên vùng mỏ đã xảy ra nhiều cuộc chiến đổ máu để tranh giành cát cứ, và năm nào cũng có tai nạn sập hầm, sập mỏ chết người thê thảm. Còn nhớ cách đây chưa lâu, hôm đó vào ngày 23/7/2009 tại mỏ đá Liên Hợp, khi nhóm người khai thác đá cho Cty Long Anh đang làm việc ở chân lèn thì bỗng dưng nghe một tiếng “rầm’’ rất dữ dội. Trong chớp mắt, ngọn núi đá đang khai thác đã bị sập. Tốp người ở vòng ngoài hô hét lên: Hãy cứu lấy người đã bị đất đá vùi. Không quản ngại nguy hiểm đang rình rập, đoàn người đi làm công hôm đó đã nhanh chân đào bới ra khỏi đống đất đá được 3 người.

Thế nhưng đau xót thay, bởi anh Trương Minh Chiến, sinh năm 1975 và anh Lữ Văn Hùng, sinh năm 1984 đều ở xã Châu Lộc (Quỳ Hợp) đã bị chết. Tiếp đó vào ngày 28/7/2009 tại mỏ đá Thung Chinh thuộc xã Châu Quang, khi nhóm lao động cho Cty An Lộc đang dọn đường vào khai thác đá thì núi sập làm cho anh Lộc Văn Hưng, sinh năm 1987 người ở xã Châu Quang tử nạn. Cuối năm ngoái, chủ mỏ Nguyễn Văn An vào khu vực khai thác đá của mình để kiểm tra, nhưng cũng đã bị lèn đá sập gây tử vong tại chỗ…

Anh Sơn bạn tôi ở thị trấn Quỳ Hợp bảo: Nói về sập hầm, sập mỏ gây chết người ở Quỳ Hợp thì năm nào cũng có, thế nhưng khi sự cố xảy ra rồi chủ mỏ chỉ bỏ ra một số tiền dăm bảy chục triệu đồng đền bù là xong cả. Năm trước có 2 người ở Thái Nguyên vào đây làm công khai thác mỏ, nhưng khi mỏ sập chết rồi ông chủ đã cho người cấp tốc chở họ về quê đền bù, thế là yên chuyện. Hỏi: Thế những vụ tai nạn chết người như vậy mà sao họ lại không báo cho công an? Trả lời: Người ta nghĩ dẫu sao thì chuyện cũng đã rồi, vậy nên chỉ cần hai bên tự thoả thuận với nhau là được, chứ nếu mà báo cho công an thì lại thêm lắm chuyện…

Tới cơ quan Công an huyện Quỳ Hợp, sau khi xuất trình giấy tờ và nói rõ mục đích xin số liệu làm việc, Thượng tá Nguyễn Đình Nghị, Trưởng CA huyện rào đón trước: Nói về vùng mỏ thì ở Quỳ Hợp bao la lắm, số liệu về tai nạn lao động sập hầm, sập mỏ gây thương vong và chết người thì anh nên sang bên Phòng LĐ-TBXH huyện là có đủ, vì họ quản lý cái mục đó, còn chúng tôi thì khi có những vụ thương tích hoặc chết người có liên quan đến hình sự mới vào cuộc. Hơn nữa nhiều vụ khi xảy ra rồi họ cứ tự thoả thuận đền bù với nhau, chứ không hề báo cho công an biết. Nói rồi Thượng tá Nghị gọi điện cho Đội trưởng Điều tra hình sự và Đội trưởng Quản lý hành chính về TTXH đến và giao nhiệm vụ: Các anh cung cấp cho báo chí thông tin về những vụ liên quan đến vật liệu nổ trên vùng mỏ. Đây là công việc mà đơn vị ta làm rất tốt.

Thiếu tá Vi Xuân Thuỷ, Đội trưởng Điều tra hình sự cho biết: Vật liệu nổ là yếu tố quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn tính mạng cho con người khai thác đá trên vùng mỏ. Nếu không tuân thủ đúng theo nguyên tắc khi sử dụng thì nó sẽ gây ra hậu họa không lường hết được. Quỳ Hợp là địa phương tập trung nhiều đơn vị doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đặc biệt là đá trắng, cho nên nhu cầu về vật liệu nổ là rất lớn. Chính vì vậy mà qua công tác tuần tra, kiểm tra trong năm 2009 CA Quỳ Hợp đã khởi tố 6 vụ án hình sự và 7 bị can về tội tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ trái phép trên vùng mỏ. Năm 2010 đã khởi tố 5 vụ và 6 bị can.

Từ đầu tháng 1 đến ngày 8/4/2011 đã khởi tố 4 vụ và 6 bị can. Đặc biệt gần đây, ngày 14/1/2011, vào lúc 14h30 phút, khi đoàn công tác vào mỏ đá Phá Líu ở bản Ngọc, xã Châu Hồng, do chủ mỏ là Phan Văn Chính quản lý thì thấy 3 công nhân là Nguyễn Xuân Vương (SN 1961) quê ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Võ Văn Thái (SN 1991) và Nguyễn Văn Phong (SN 1984) quê cùng xã Châu Quang, Quỳ Hợp đang tra kíp và thuốc nổ vào các hố khoan trên lèn đá. Thấy vậy, chúng tôi yêu cầu ngưng công việc để kiểm tra, tất cả họ đều không có giấy phép hành nghề, kể cả chủ mỏ cũng không có giấy phép khai thác. Qua khám xét CA còn tịch thu 8 kg thuốc nổ, 35 m dây cháy chậm và 6 kíp đốt. Hiện vụ việc đã khởi tố, 3 bị can nói trên cùng tang vật đã được chuyển tới CA tỉnh...

Tới Phòng LĐ-TBXH Quỳ Hợp, khi hỏi về tình hình an toàn lao động trên vùng mỏ trong những năm gần đây như thế nào thì ông Hoàng Khắc Thanh - Trưởng phòng ấp úng một lúc rồi rút điện thoại gọi sang bên CA huyện, tuy nhiên vẫn không có số liệu trả lời. Tôi bảo: Sáng nay tôi đã làm việc với CA huyện rồi, ở bên ấy họ bảo chức năng theo dõi và quản lý an toàn lao động là thuộc thẩm quyền của phòng ta. Thấy ông Thanh vẫn cứ im lặng, tôi bảo: Trên vùng mỏ của ta theo tôi được biết thì năm nào cũng có sập hầm, sập mỏ gây thương vong và chết người, điển hình có các vụ ở mỏ đá Liên Hợp, mỏ đá Thung Chinh… vậy hàng năm phòng không có tổng hợp để báo cáo cấp trên? Nghe vậy ông Thanh thở dài: Tôi mới đến làm Trưởng phòng này từ tháng 9/2010, công tác theo dõi an toàn và tai nạn lao động trên địa bàn huyện đúng là chức năng của Phòng LĐ-TBXH, nhưng quả thật đến nay tôi vẫn chưa thấy có báo cáo tổng hợp nào cả!?

Tới mỏ đá Thọ Hợp, trên một lèn đá cheo leo, chúng tôi thấy 3 người đang mình trần dùng xà beng nạy đá. Phía lưng chừng, sát vách đá cheo leo này có 3 người đang ngồi nghỉ hút thuốc lào, phía dưới chân lèn là ngổn ngang những tảng đá to mỗi viên như một gian nhà, tại đây cũng có một con đường hằn sâu hai làn lốp xe vận tải đi qua để bốc xếp đá. Thấy tôi dương máy ảnh ngước lên, một vị khách rú ga xe máy chạy ngang qua rồi hét toáng lên: Ông chạy nhanh đi, không thì đá sập đấy. Vội vàng chớp xong kiểu ảnh, tôi phóng xe tới chỗ người vừa đi qua đang nghỉ ở bên kia đường. Anh này hỏi tôi: Ông làm gì mà đến chỗ nguy hiểm để ngắm nhìn? Tôi bảo thì thấy họ ở trên cao tít kia đang phá đá hay hay. Anh bảo: Làm đá kiểu này là nguy hiểm lắm, nhưng mà không làm thì không có ăn, tháng trước tôi cũng làm ở đây, mỗi tháng tích cực thì cũng được vài, ba triệu, trừ ăn uống còn mang về cho vợ con triệu hơn, triệu kém. Nhưng mà bây giờ thì tôi đã nghỉ, bởi tuần trước về nhà xem ti vi thấy vụ sập lèn đá ở huyện Yên Thành mà khiếp cả hồn cả vía.

Với tôi bây giờ, khi ngồi bên trang viết và xem lại tấm ảnh vừa chụp được tôi vẫn thấy rởn người khiếp vía, bởi an toàn lao động trên vùng mỏ Quỳ Hợp nếu không ai quản thì hiểm họa nổ mìn, sập lèn, sập mỏ và tang thương chắc sẽ còn tiếp tục xẩy ra.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.