| Hotline: 0983.970.780

Rủi ro trồng cam mật độ dày

Thứ Tư 28/09/2016 , 09:45 (GMT+7)

Sự phát triển nhanh diện tích cam sành ẩn chứa nhiều rủi ro và thiếu bền vững do nhà vườn áp dụng phương thức “đánh nhanh, rút lẹ”: Trồng thật dày, thâm canh tối đa, thu lời nhanh...

Cam sành là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn ở ĐBSCL. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh diện tích cam sành ẩn chứa nhiều rủi ro và thiếu bền vững do nhà vườn áp dụng phương thức “đánh nhanh, rút lẹ”: Trồng thật dày, thâm canh tối đa, thu lời nhanh...

 

Trồng cấp tốc: Thực trạng và nguyên nhân

Hiện các vùng trồng cam sành có tiếng ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng… phần lớn vườn trồng mới đều trồng mật độ rất dày so với khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học. Mật độ trồng cam sành của nhà vườn phổ biến khoảng 4.000 cây/ha, gấp 8 lần so với khuyến cáo (500 cây/ha).

Tình trạng trồng dày “đặc nghẹt” dẫn đến hệ lụy là vườn cam xuất hiện nhiều sâu bệnh, phải phun thuốc BVTV hàng tuần, khiến môi trường sản xuất không an toàn cho nông dân và ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng; nhà vườn phải đầu tư thâm canh rất cao nhưng vườn cây suy kiệt rất nhanh. Vì sao nhà vườn lại áp dụng phương án “bạo phát, bạo tàn”, “đánh nhanh, rút lẹ” trong việc trồng cam sành?

Trả lời câu hỏi này nhà vườn Lương Thanh Bình (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) và Võ Thanh Tòng (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) đều có chung một câu trả lời là do áp lực của bệnh vàng lá gân xanh cao nên cố gắng thâm canh tối đa, khai thác triệt để cây cam trong 2 - 3 năm rồi “hạ màn làm lại”.

Theo nhà vườn Võ Hoàng Việt (huyện Vũng Liêm), với mật độ trồng rất dày, phun phân bón, thuốc BVTV 40 - 50 lần/vụ trái (bình quân 1 lần/tuần) để cây cho trái mùa nghịch, năng suất trung bình thu được khoảng 50 tấn/ha, giá bán 25 - 30 ngàn đồng/kg thì lợi nhuận đem lại lên đến trên 500 triệu đồng/ha/năm.

Ông Việt cho rằng, chỉ cần thu hoạch cam được 2 - 3 năm rồi phá bỏ vẫn chấp nhận được! Chưa kể trồng dày không tốn công tạo tán và không cần chống đỡ khi cam mang trái. Do đó, chấp nhận “đánh nhanh, rút lẹ”, không đi theo hướng thu hoạch lâu dài và bền vững mà ngành chuyên môn khuyến cáo!

Lý giải về thực trạng trồng cam theo phương án “bạo phát, bạo tàn” nhiều nông dân cho rằng, trong điều kiện mạnh ai nấy trồng với giống không bảo đảm chất lượng, phòng trừ bệnh không đồng loạt và triệt để thì bệnh vàng lá gân xanh thường xuyên hiện diện và lây lan.

Trong một khu vực chỉ cần vài vườn bỏ phế hoặc không loại bỏ cây bệnh triệt để thì những vườn trồng thưa (ngay cả trường hợp giống sạch bệnh) sẽ bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh và tỷ lệ cây bệnh cao hơn so với vườn trồng dày (mặc dù số lượng cây nhiễm bệnh ở vườn trồng thưa có thể thấp hơn vườn trồng dày), dẫn đến năng suất vườn trồng thưa thấp hơn vườn trồng dày. Tỷ lệ cây nhiễm bệnh ở vườn trồng thưa tiếp tục tăng theo tuổi cây nên năng suất không gia tăng như mong đợi.

Trồng cam với mật độ dày đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng thưa trong ngắn hạn. Tuy nhiên, những hệ lụy lâu dài của việc trồng dày chưa được nhà vườn quan tâm thấu đáo. Đó là gây ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhà vườn; sản phẩm không an toàn nên sớm muộn người tiêu dùng cũng sẽ tẩy chay.

Theo ông Lê Văn Đậu (HTX Cam sành Ba Trinh, huyện Kế Sách), bệnh vàng lá, thối rễ là nguyên nhân thứ hai khiến nhà vườn không đi theo hướng trồng thưa ăn bền do mực thủy cấp trong vườn cao, cây càng lớn, bộ rễ ăn sâu thì rễ càng bị hư hại nhiều, bệnh vàng lá, thối rễ càng nghiêm trọng.

 

Giải pháp nào để "trồng thưa, ăn bền"?

Giải pháp quy hoạch trồng thành vùng tập trung, theo kiểu cánh đồng lớn khoảng vài chục héc - ta bằng cách liên kết các nhà vườn trong HTX hoặc trồng theo quy mô trang trại như ở miền Đông Nam bộ. Trồng mật độ thưa trồng ngay hàng thẳng lối, trồng trên mô cao 40 - 50cm để thoát nước và hạn chế bệnh xì mủ, tỉa cành bên trong để tán thông thoáng, bón phân hữu cơ nhiều hơn để hạn chế bệnh vàng lá thối rễ… tăng tuổi thọ cho cây, theo hướng an toàn bền vững. Kiểm soát bệnh vàng lá gân xanh đồng loạt và nghiêm ngặt bằng tổng hợp các biện pháp, trong đó cây giống sạch bệnh là yếu tố quan trọng.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với nhà vườn trong HTX như trợ giá cây giống sạch bệnh, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi hoặc hỗ trợ một phần lãi suất vay trong sản xuất cam sành.

Đối với doanh nghiệp hoặc trang trại, nhà nước khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách như tăng hạn điền, giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư trồng cam theo phương thức tiên tiến.

Bên cạnh việc tổ chức sản xuất theo quy mô lớn để có thể áp dụng các kỹ thuật tiên tiến; quản lý tốt bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ; tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt và an toàn thì trong chuỗi giá trị của cây cam sành cần có sự tham gia của doanh nghiệp thu mua và tiêu thụ trái cam sành.

Khi mối liên kết “4 nhà” được thực hiện thực chất và bền chặt trong chuỗi giá trị, cây cam sành sẽ phát triển bền vững ở ĐBSCL.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.