| Hotline: 0983.970.780

Rừng lim 800 năm của 12 dòng họ

Thứ Tư 30/05/2012 , 11:07 (GMT+7)

Làng Đại, xã An Lạc, thị xã Chí Linh (Hải Dương) nằm bên bờ sông Nguyệt Giang chảy từ Kiếp Bạc đến sông Kinh Thầy. Người ta bảo đây là đất của thánh thần. Cũng phải, bởi làng Đại có quá nhiều câu chuyện lạ kỳ.

Làng Đại, xã An Lạc, thị xã Chí Linh (Hải Dương) nằm bên bờ sông Nguyệt Giang chảy từ Kiếp Bạc đến sông Kinh Thầy. Người ta bảo đây là đất của thánh thần. Cũng phải, bởi làng Đại có quá nhiều câu chuyện lạ kỳ.

>> Thần hộ mệnh làng Tiền
>> Cây dã hương và vận làng Dương Phạm

Cây tổ của 12 dòng họ

Làng Đại không giàu nhưng cũng chẳng nghèo. 504 hộ với 1.515 khẩu sống dựa vào 230 mẫu ruộng. Không có khu công nghiệp, không tệ nạn, ngôi làng cứ như một ốc đảo xanh giữa bốn bề đồng ruộng. Trưởng thôn Đại Dương Văn Đông (57 tuổi) nói rằng, báu vật của làng thì nhiều, nhưng quan trọng nhất, thiêng liêng nhất là rừng lim cổ thụ 800 năm tuổi nằm trong quần thể di tích đền Cao ở trên núi Thiên Bồng. Tương truyền, đây chính là cụ tổ của thập nhị gia tiên, 12 dòng họ hiện nay ở làng. Dẫn tôi leo lên đồi lim, ông Đông tự hào: Bao đời nay, dù có bất cứ chuyện gì thì người dân làng Đại vẫn bảo vệ rừng lim còn hơn cả tính mạng của mình.

Rừng lim nằm ở phía Tây của đền Cao bây giờ còn 54 cây lim cổ thụ và 400 cây lim trưởng thành. Cây có tuổi đời cao nhất khoảng hơn 800 năm vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam năm ngoái, người làng gọi là cây tổ, nguồn gốc của 12 dòng họ trong làng.


Cây lim tổ của làng Đại

Ngọc phả làng kể lại rằng: Từ thuở người Tàu còn đô hộ nước ta, chúng giết hết đàn ông chỉ để lại 12 cô gái xinh đẹp. May mắn trong số trai tráng làng có một người đàn ông trốn thoát và nấp vào bụi dứa. Con chó của giặc đánh hơi được, chúng chọc giáo xuyên phải tay ông. Giữa lúc nguy cấp thì một con cáo nhảy từ bụi dứa ra đánh lừa được giặc, nhờ đó ông thoát chết. Giặc Tàu lấy cớ ép 12 cô gái làm vợ bằng cách bắt họ trồng 12 cây sanh với điều kiện, khi nào cây lên xanh tốt thì phải theo hầu. Người đàn ông nọ đã bày mưu để 12 cô gái đuổi giặc đi bằng cách lấy nước sôi tưới từ ngoài vào gốc để cây dần dần chết. Người Tàu coi trọng phong thủy, sợ chạm đến long mạch nên phải bỏ đi.

Khi đất nước thanh bình trở lại, người đàn ông đi lại với cả mười hai cô và 12 đứa trẻ được sinh ra mang 12 dòng họ của dân làng Đại bây giờ: Họ Dương, họ Nguyễn, họ Cao, họ Mạc, họ Phạm, họ Hoàng, họ Tạ, họ Bùi, họ Đào, họ Đỗ, họ Lỗ và họ Lê. Khi người đàn ông kia mất, cây lim cổ thụ nhất bỗng nhiên xuất hiện chiếc bướu lồi ra hình con cáo đang cuộn tròn nằm ngủ.

Không ai nhớ hình con cáo xuất hiện từ bao giờ nhưng dân làng Đại truyền đời những câu chuyện linh thiêng về cụ tổ và cho rằng cái bướu hình con cáo chính là hiện thân của ông. Dưới gốc cây, làng Đại lập bàn thờ tổ do ban đầu họ thờ ông tổ gồm 12 người, đại diện cho 12 dòng họ trong làng trông nom. Họ làm việc không công nhưng ai cũng cố gắng hoàn thành tối đa vì niềm tự hào dòng họ nhà mình. Bất cứ việc to, việc nhỏ trong làng đều phải thắp nhang xin phép cụ tổ cả. Lẽ đương nhiên, chẳng ai dám xâm phạm dù chỉ là chiếc lá.


Trưởng thôn Đông kể những chuyện ly kỳ bên rừng lim cổ thụ

Việc bảo vệ cây lim tổ và rừng lim cổ thụ cũng hết sức ly kỳ. Trưởng thôn Đông khẳng định rằng, ban đầu có 60 cây lim cổ thụ, nhưng đợt cải cách văn hóa, chính quyền đòi chặt hết. Nhưng mới cưa được 6 cây thì 108 cụ già làng Đại cứ hai người ôm một gốc tuyên bố: Nếu cưa cây thì hãy cưa luôn cả chúng tôi. Chính quyền tạm thời nhượng bộ chờ lệnh cấp trên. Người làng Đại cơm đùm cơm nắm đi bộ cả ngày đường lên Hà Nội xin Thủ tướng Phạm Văn Đồng giữ lại cho làng, bởi rừng lim là cụ tổ của họ. Nếu chặt đi dân làng sẽ không một ai thiết sống nữa.

Thời chiến tranh chống Pháp, đất An Lạc chịu nhiều trận càn của giặc, hàng trăm quả đại bác, hàng chục tấn bom quân thù phá tan hoang làng xóm nhưng không quả nào rơi trúng ngôi đền và đồi lim. Rồi đến thời máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, có 8 quả bom trút xuống gần khu vực đền, tưởng đền chùa, rừng lim sẽ hóa thành tro, nhưng lạ ở chỗ, bao nhiêu bom đạn rơi ra đồng, ra bãi cả.

Vì những chuyện lạ kỳ như thế mà rừng lim cổ thụ trường tồn. Nhưng theo trưởng thôn Đông, lý do chính vẫn là ý thức bảo vệ của người dân. “Từng cành cây, chiếc lá rụng xuống cũng được dân làng bảo vệ. Loài cây quý nhưng không ai dám đụng đến cả. Không chỉ là quan niệm về tâm linh, rừng lim còn có giá trị di sản, văn hóa và môi trường. Gọi là báu vật làng Đại cũng chẳng ngoa đâu”, ông Đông bày tỏ.

Đất của thánh thần

Người ta gọi làng Đại là đất của thánh thần. Có lẽ vì vùng quê này có tới 5 ngôi đền thờ trong quần thể di tích đền Cao. Bốn ngôi đền thờ những bậc thánh nhân của làng, ngôi còn lại thờ vua Lê Đại Hành. Có cảm tưởng, hầu hết dân làng Đại đều là con cháu của thánh thần cả. Dương Văn Đức, một người con của làng Đại hiện làm cán bộ văn hóa thị xã Chí Linh, khoe với tôi: Làng Đại là đất thiêng, có những phong tục, những nét văn hóa không nơi nào có được.

Thiêng nhất là đền Cao, nơi thờ 5 anh em họ Vương đã có công giúp vua Lê Đại Hành đánh tan quân xâm lược Tống năm 981. Đó chính là những bậc thánh nhân mà mộ của họ bây giờ vẫn vẹn nguyên để dân làng ngày ngày hương khói.


Ban thờ tổ của 12 dòng họ làng Đại

Anh Đức kể: Vào thời Đinh, làng Đại có đôi vợ chồng ông Vương Đức Tĩnh và bà Đào Thị Thanh sống với nhau đã lâu nhưng chưa có con. Một đêm bà đang tắm bên bến sông bỗng gặp gió lớn sóng to, ầm ầm như rồng hút nước. Rồi bà thụ thai. Đủ 9 tháng 10 ngày thì sinh một lúc được 5 người con gồm hai gái 3 trai, đặt tên là Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu, Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng. Năm 981 quân Tống xâm lấn bờ cõi nước ta. Vua Lê Đại Hành truyền hịch đi khắp nơi tìm người hiền tài ra phò vua giúp nước. Năm người con họ Vương đang có tang cha mẹ nên không dám về triều ứng thí. Đến khi nhà vua hành quân đi đánh giặc đến núi Chí Linh, nhận thấy ở đây địa thế hiểm yếu liền cho lập đồn trại đóng quân. Hàng ngày thấy những người con họ Vương đi ngang qua cửa trại, nhà vua nhận thấy họ đều là người tài năng liền cho thử tài và chiêu dụng, phong chức. 

Không giàu có nhưng làng Đại yên bình. Một phần là vì đất làng rất thiêng. Hàng năm khách thập phương khắp cả nước, những người có họ trong 12 dòng họ làng Đại đều kéo về thắp hương lên bàn thờ Tổ ở gốc cây lim cổ thụ bằng tất cả sự thành kính. Ông Đông bảo rằng, bất cứ việc lớn việc nhỏ của dân làng nếu thành khẩn khấn cầu trước cụ Tổ đều thành công cả.
Năm vị tướng ra trận cầm quân tiến đánh giặc chạy tan tành. Vua cho mở tiệc khao thưởng quân sĩ và dân làng rồi kéo về kinh thành Hoa Lư. 5 ngài xin ở lại  mãn tang cha mẹ sẽ về triều bái yết. Không ngờ ý trời linh hoá, đêm hôm đó trời đất tối tăm mờ mịt, mưa gió ầm ầm, 5 ngài đều thăng hoá về trời (đêm 24 tháng Giêng).

Nhà vua thương xót liền phong mĩ tự cho 5 ngài: Vương Thị Đào là “Đào hoa trinh thuận công chúa”. Vương Thị Liễu là “Liễu hoa linh ứng công chúa”. Vương Đức Minh là “Thiên Bồng Đại tướng quân đại Vương”. Vương Đức Xuân là “Dực thánh linh ứng đại vương”. Vương Đức Hồng là “Anh vũ dũng lược đại vương”. Năm vị được nhân dân tôn làm “Thượng đẳng phúc thần” và đã xây dựng đền thờ phụng.

Đời đời kiếp kiếp dân làng Đại thờ phụng những bậc thánh nhân của làng bằng cách lựa chọn những người uy tín nhất trong làng để hương khói, truyền đạt ý chỉ của những bậc thánh nhân. Những người có trách nhiệm mỗi tháng hai lần vào hậu cung để dọn dẹp và kiểm tra những báu vật của làng gọi là cụ trùm và quan đám. Những báu vật ấy chỉ có họ mới biết, “sống để dạ chết mang theo” không bao giờ được tiết lộ ra ngoài.

Trong những ngày lễ hội, dù có giỗ chạp thì ông trùm, quan đám cũng không được thắp hương lên ban thờ gia tiên, thậm chí không được… ăn các món trên ban thờ nhà mình. Họ đều phải ăn chay, tắm rửa sạch sẽ, khi làm lễ phải  đội khăn, che miệng, vào hậu cung thì bước chân phải trước, ra khỏi cung bước chân trái trước. Hết “nhiệm kỳ” làm quan đám sẽ được thăng chức cụ Lềnh. Làng Đại bây giờ có khoảng 30 cụ Lềnh như thế. Khắt khe, khổ cực nhưng lại là niềm tự hào của cả dòng họ nên ai cũng cố gắng phấn đấu để làm. Mỗi năm dân làng tổ chức 24 sự lệ lớn nhỏ. 24 sự lệ này, tỉnh Hải Dương đang làm hồ sơ xin công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất