| Hotline: 0983.970.780

"Rùng mình" phun thuốc mãng cầu

Thứ Tư 08/10/2014 , 09:40 (GMT+7)

Vì lợi nhuận nên nhiều nông dân Tây Ninh đã phá mía, cao su để trồng mãng cầu đồng thời sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ để bảo toàn và nâng cao năng suất

Tây Ninh được xem là "vương quốc" mãng cầu với diện tích ước tính 8.000 ha. Gần đây do được giá và ổn định, 1 ha thu bình quân 200-300 triệu/năm. Sau khi trừ chi phí, người nông dân cầm chắc hơn phân nửa.

Theo ghi nhận, vì lợi nhuận nên nhiều nông dân đã phá mía, cao su để trồng mãng cầu đồng thời sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ để bảo toàn và nâng cao năng suất (NS). Mặc dù ngành chức năng đưa ra nhiều khuyến cáo nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.


Một nông dân xã Thanh Tân, TP Tây Ninh chỉ vào gốc cao su cho biết, sau khi phá cao su thì người dân địa phương trồng mãng cầu 

Chúng tôi về xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, nơi có DT trồng mãng cầu gần 700 ha. Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Chủ tịch Hội Nông dân xã, 1 ha trồng mãng cầu sau 18 tháng sẽ cho trái, thu hoạch mỗi năm 2 lứa, bình quân 10 tấn/ha/lứa, với giá bán 15.000 đ/kg, sẽ cho thu 300 triệu/năm. Sau khi trừ chi phí còn lãi phân nửa. Nếu so với cao su, mía trong thời điểm hiện tại, cây mãng cầu vẫn là sự lựa chọn số 1.

"Tuy nhiên, cây mãng cầu nhiều sâu bệnh nên nông dân xịt thuốc nhiều lắm, sau khi trồng là đã xịt rồi, bình quân 5-7 ngày xịt một lần, không sâu bệnh cũng xịt, mà có sâu bệnh cũng xịt nhưng nhiều hơn", ông Tòng nói.

Đến nhà ông Tư Mạn, trồng 1,5 ha mãng cầu, NS lúc nào cũng vượt 30 tấn/ha. Ông cho biết, bệnh trên cây mãng cầu chủ yếu vàng lá , chết cành, thối rễ; về sâu có bọ trĩ, rệp sáp, ruồi vàng, trong đó đáng sợ nhất là con rệp sáp, bọ trĩ gây hại từ lúc cây cho trái từ tháng thứ 2 trở đi. Vì vậy gần như tất cả các loại thuốc BVTV có mặt trên thị trường đều được ông "nghiên cứu" và sử dụng.

"Nếu trên chai thuốc trị rệp sáp 450 ml nhà SX hướng dẫn sử dụng pha 200 lít nước/ha thì mình tăng lên gấp 1,5-2 lần xịt mới chết, đặc biệt là con ruồi vàng sống rất dai, thuốc phải "độc" nó mới chết nhanh. Mỗi loại hay một thứ, có thứ diệt được cả trứng và sâu. Trong mùa mưa, xuất hiện nhiều rệp sáp, ruồi vàng gây hại", ông Mạn đúc kết.

Tìm hiểu được biết trên thị trường có vô số thuốc sâu "độc" đang được dùng khá phổ biến trên cây mãng cầu như Bisad, Movent, ReMy, Tosodant, Emaplant, HitHoper, Confidor, Moedento... Trong đó, không ít loại chưa đăng ký trong danh mục được phép sử dụng trên cây mãng cầu.

Ông Hà Văn Mẫn, cán bộ kỹ thuật HTX mãng cầu Thạnh Tân cho hay, theo qui trình kỹ thuật, gần đến ngày thu hoạch thì không được phun thuốc, nếu có phun phải có thời gian cách ly. Tuy nhiên, cây mãng cầu từ khi tuốt lá để ra hoa cho đến thu hoạch thường bị con rệp sáp tấn công làm đen vỏ, giảm NS, vì vậy người nông dân buộc phải phun thuốc.

"Theo báo cáo thanh tra 9 tháng của Chi cục BVTV Tây Ninh, vừa qua đã xử phạt 9.000.000 đ đối với 1 cơ sở buôn bán thuốc cấm Suprathion 40EC, xử phạt 19.500.000 đồng đối với đại lý N.B.Q (Phước Lưu, Trảng Bàng) vì đã buôn bán loại thuốc trừ sâu, bọ trĩ, nhện đỏ... hiệu "Chim Ưng" 3,8 EC (NSX 24/10/2013) kém chất lượng với số lượng 600 chai, giá bán 30.000 đ/chai của Cty TNHH Sơn Thành".

"Người ta phun lúc nào, phun hôm trước rồi hôm sau thu hoạch mang ra chợ bán hoặc sau khi phun cách ly 1 tuần rồi mới thu hoạch thì nói thật đến nay không ai kiểm tra, kiểm soát nổi", ông Mẫn bộc bạch.

Tại xã Phan, huyện Dương Minh Châu, nơi có  khoảng 100 ha mãng cầu. Vừa qua, có một cuộc hội thảo chuyển giao kỹ thuật bón phân cho loại cây này do Cty PVFCCo Đông Nam Bộ phối hợp với Trung tâm KN Tây Ninh tổ chức.

Trong  hội thảo với hơn 100 nông dân tham gia, bất ngờ là nhiều câu hỏi đặt ra không chỉ phân bón mà cả thuốc BVTV. Bởi vấn đề sâu bệnh hại mãng cầu đang "nóng", trong khi thuốc BVTV lại quá nhiều, thuốc nào cũng được quảng cáo hay, tốt. Ông Nguyễn Văn Nhân (PGĐ TTKN tỉnh) phải thừa nhận: "Bà con địa phương đang xài thuốc quá nhiều".

Điều đáng nói, không chỉ nông dân mà cả thương lái đều xài thuốc vô tội vạ. Ông Th, một thương lái chuyên mua mãng cầu "non" ở huyện Dương Minh Châu cho biết, hàng năm ông đi mua mãng cầu non khoảng 20-30 ha lúc cây ra hoa, làm trái.


Hình thuốc BVTV và phân bón lá (Ảnh minh họa)

Sau khi kiểm tra vườn, quan sát cây sinh trưởng và đặc biệt là tình hình sâu bệnh, ông mới ra quyết định giá mua. Thấp nhất là 80 triệu/ha/năm, may ra chủ vườn chấp nhận. "Khi mình nhận bàn giao vườn mãng cầu, điều đầu tiên là "dập" thuốc để vừa phòng, vừa trị cho chắc ăn. Sau đó cho ăn phân bón lá để kích thích xanh chồi, mập trái như loại "sóc nâu" chẳng hạn".

"Hiện nay, chỉ có duy nhất nông dân Huỳnh Biển Chiêu ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu trồng 5 ha mãng cầu theo mô hình VietGAP từ năm 2012, tuy nhiên theo ghi nhận thì ông Chiêu vẫn sử dụng thuốc BVTV theo qui trình kỹ thuật, chỉ có khác là ông này bọc trái khi cây chuẩn bị bước vào thu hoạch".

Cũng theo ông Th, bình quân 1 lứa mãng cầu từ lúc tuốt lá cho đến thu hoạch quả là 4 tháng, ông sử dụng khoảng 16 kg thuốc/ha, 30 lít phân bón lá và thuốc kích thích tăng trưởng. Nếu tính tổng cộng 30 ha, số thuốc BVTV mà ông Th sử dụng lên tới hàng tạ; còn tính đơn vị 1.000 ha, tổng cộng số thuốc BVTV mà nông dân xài riêng cho mãng cầu phải lên tới hàng trăm tấn!

Chị G, một đại lý cấp 1 bán thuốc BVTV nằm trên địa bàn xã Phan tiết lộ, bình quân mỗi năm doanh số đại lý của chị bán thuốc phòng trừ sâu bệnh cây mãng cầu đạt khoảng 2 tỷ đồng. Vì thế, gần như năm nào chị cũng được các công ty thuốc "thưởng" cho đi du lịch, gần nhất là Thái Lan, Hàn Quốc, xa hơn là đi Mỹ, Châu Âu".

Một cán bộ của Chi cục BVTV  Tây Ninh thừa nhận, việc kiểm tra sử dụng thuốc BVTV hiện nay trong dân rất khó, nếu có cũng theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" do lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng, trong khi số hộ nông dân trồng mãng cầu lại quá lớn.

"Chúng tôi chỉ nhắc nhở họ sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc '4 đúng' (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách), và không chỉ đảm bảo vệ sinh ATTP mà còn đảm bảo môi trường an toàn thông qua các buổi hội thảo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật. Tuy nhiên việc họ có thực hiện hay không rất khó biết, bởi công tác hậu kiểm không có", vị này nói.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất