| Hotline: 0983.970.780

Rừng ngập mặn thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Năm 03/09/2015 , 10:05 (GMT+7)

Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đề xuất dự án “Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển” nhằm tăng cường năng lực thích ứng với biển đổi khí hậu (BĐKH).

Mục tiêu của dự án là cải thiện và tăng cường chức năng của rừng phòng hộ đê biển, chắn sóng, chắn gió, góp phần ổn định bãi bồi ven biển, giảm nguy cơ nhiễm mặn vào đất nông nghiệp và bảo vệ cơ sở hạ tầng xã hội cùng các vùng dân cư khỏi bị nước biển uy hiếp.

Theo kế hoạch, dự án sẽ quản lý bảo vệ, nâng cao chất lượng cho 285.700 ha rừng ngập mặn, phòng hộ và đặc dụng hiện có. Ngoài ra còn phục hồi 7.800 ha và trồng mới 34.200 ha rừng ngập mặn và rừng chắn gió cát dọc bờ biển Việt Nam.

Hỗ trợ các khu bảo tồn, vườn quốc gia ven biển thông qua việc cung cấp trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực. Bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Quản lý rừng bền vững nhằm thích ứng với nước biển dâng và xâm nhập mặn, cũng như khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản dựa vào rừng ngập mặn.

Hỗ trợ cải thiện sinh kế cho cộng đồng tham gia dự án nhằm giúp cộng đồng thích ứng với kịch bản BĐKH và nước biển dâng.

Đặc biệt, dự án sẽ tăng cường nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; tài nguyên rừng được sử dụng hiệu quả và bền vững hơn.

Dự án sẽ cải thiện, nâng cao thu nhập hộ gia đình nông thôn ở các vùng ven biển mà không cần phải di dời, làm cho người dân gắn bó với việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn.

2120910755
Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Bình Định được phục hồi

Tổng vốn của DA là 370 triệu USD, trong đó có 330 triệu USD vay từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) của WB và 40 triệu USD vốn đối ứng.
Dự án sẽ được thực hiện trong 10 năm (từ 2017- 2026) gồm 5 hợp phần: Quy hoạch, lập kế hoạch và phát triển thể chế, tăng cường năng lực; bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn; bảo tồn đa dạng sinh học rừng ngập mặn; cải thiện sinh kế và phát triển du lịch sinh thái; quản lý, giám sát dự án.

“Nước biển dâng và xâm nhập mặn đang gây nhiều khó khăn cho đời sống và SX của cộng đồng dân cư ven biển, dự án này sẽ tạo việc làm cho người dân từ việc phục hồi rừng, nuôi trồng thủy sản và SX bền vững trên chính những vùng đất ngập nước và xâm nhập mặn”, ông Vũ Xuân Thôn, Giám đốc BQL các dự án lâm nghiệp, nói.

Là tỉnh hiện đang bị BĐKH ảnh hưởng trực tiếp, Bình Định cũng đang lo sốt vó tìm cách ứng phó.

Theo ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, tỉnh này đang cấp bách đề ra giải pháp trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn với 150 ha trên địa bàn 4 huyện: Phù Mỹ (33 ha), Phù Cát (19 ha), Tuy Phước (80 ha) và TP Quy Nhơn (18 ha).

“Chúng tôi quan tâm đến rừng ngập mặn với mục tiêu bảo vệ hệ thống đê biển, phòng chống thiên tai góp phần bảo vệ môi trường ổn định lâu dài. Chắn sóng lấn biển, góp phần phục hồi và phát triển nông lâm thủy sản. Tạo công ăn việc làm cho người dân xung quanh vùng”, ông Hổ nói.

Cũng theo ông Hổ, Bình Định đang rất lo lắng về sự xuống cấp nghiêm trọng của đê Đông đoạn từ Gò Bồi đến Huỳnh Giản (Phước Hòa-Tuy Phước). Đoạn đê này ngoài nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt, chống triều cường còn bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân 4 xã thuộc 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước.

“Giải pháp bảo vệ đê biển tốt nhất không gì khác là phải trồng mới và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện có”, ông Hổ khẳng định.

Theo ông Vũ Xuân Thôn, GĐ BQL các Dự án lâm nghiệp thì dự án “Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển” sẽ mang lại hiệu quả kinh tế từ việc giảm kinh phí tu bổ đê điều hàng năm; từ thu hoạch đánh bắt thủy sản trong rừng ngập mặn; từ hiệu quả nuôi trồng thủy sản ngoài đê tăng lên nhờ nguồn thức ăn trong tự nhiên được tăng và môi trường bãi đẻ được phục hồi…

Ngoài ra, dự án sẽ đa dạng hóa và mở ra cơ hội tạo thu nhập bằng cách sử dụng hiệu quả diện tích đất bãi bồi, bãi cát ven biển; những nguồn đầu tư của dự án sẽ tạo thêm việc làm cho hàng vạn lao động; xây dựng được ý thức lâm nghiệp cộng đồng, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức về rừng phòng hộ ven biển trong người dân.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 1] 10 năm chinh phục chim yến

Hơn 10 năm dấn thân vào ngành yến, anh Trần Tuấn Anh đã xây dựng được công ty và thương hiệu yến quy mô tại Bình Phước.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.