| Hotline: 0983.970.780

Rừng phòng hộ bị “vàng tặc” băm nát

Thứ Năm 27/06/2013 , 09:47 (GMT+7)

Suốt nhiều năm qua, nạn khai thác vàng trái phép tại núi Kim Sơn thuộc xã Ân Nghĩa (Hoài Ân - Bình Định) chưa bao giờ “nguội”. Thế nhưng gần đây, tình trạng này thêm nóng hơn do tin đồn có người trúng vàng ký.

Suốt nhiều năm qua, nạn khai thác vàng trái phép tại núi Kim Sơn thuộc xã Ân Nghĩa (Hoài Ân - Bình Định) chưa bao giờ “nguội”. Thế nhưng gần đây, tình trạng này thêm nóng hơn do tin đồn có người trúng vàng ký.

Ngay sau đó, nhiều cánh rừng phòng hộ và cả trang trại chăn nuôi bị băm nát để tìm vàng.

Nấp bóng trang trại

Một cộng tác viên của NNVN ở huyện Hoài Ân (Bình Định) gọi điện cho tôi: “Chuyện khai thác vàng trái phép ở núi Kim Sơn lại nóng rồi, anh ra làm bài đi”.

Tôi nghĩ, chuyện này nói hoài, nói mãi mấy năm nay nhưng có thay đổi được gì đâu, tôi định bụng bỏ qua. Anh cộng tác viên lại tiếp lời: “Những đối tượng khai thác vàng hiện không phải là những người dân làm lén lút nữa, mà có nhiều người trước đây xin đất trồng rừng hoặc mở trang trại, nhưng bây giờ chủ yếu họ đang khai thác vàng trên đất của mình được cấp phép”.

Cái này thì mới đây, tôi lên đường ngay.

Nhân thời điểm gỗ rừng trồng đang có giá, người người đua nhau trồng rừng, chúng tôi vào vai những người đi kiếm mua đất rẫy để trồng keo. Đến ngã 3 Kim Sơn, dừng xe máy trước UBND xã Ân Nghĩa, phóng tầm mắt lên mấy ngọn núi chung quanh, đâu đâu cũng thấy những lều bạt màu xanh nằm san sát, nổi bật giữa cây rừng.


Những lều khai thác vàng nằm dày trên núi Kim Sơn

 Theo nhiều người dân địa phương, đó là lán trại của “vàng tặc”. Gặp 1 người dân, chúng tôi hỏi thăm ở đây có ai bán đất rẫy không. Nhìn chúng tôi với đôi mắt không mấy thân thiện, anh ta hỏi: “Mua đất rẫy làm gì?”. “Trồng keo, giá gỗ keo đang ăn quá”, chúng tôi nói.

Anh ta bĩu môi: “Hỏi vậy thôi chứ tui biết quá rồi, mấy ông mua đất để mở mỏ khai thác vàng chứ trồng keo trồng kiếc gì. Chuyện này đang phổ biến ở đây nên mấy ông có nói tránh người ta cũng biết tỏng. Cứ leo lên núi Cây Cọng thì rõ, nói là trồng rừng nhưng hoạt động chính là đào đãi vàng”.

Theo người thanh niên này, việc mua đất rẫy bây giờ khó lắm, vì hầu hết các ông chủ đất rừng đã tự bỏ vốn hoặc hùn hạp dựng trại, mua máy móc về khai thác vàng. “Thậm chí có người thuê đất của Nhà nước gọi là mở trang trại chăn nuôi nhưng vùng đất ấy đang bị chủ trang trại đào bới tung lên để tìm vàng”, người thanh niên kia cho biết thêm.

Chủ trang trại chăn nuôi đang khai thác vàng là ông Nguyễn Văn Trí, người thôn Kim Sơn. Cách đây mấy năm, ông Trí từng nổi tiếng về trồng rừng, nuôi heo rừng, gà sao, gà lôi. Bây giờ thì người ta biết đến ông nhiều hơn qua chuyện tổ chức khai thác vàng ngay trong đất trang trại.

Chúng tôi làm 1 chuyến leo lên núi Cây Cọng để tiếp cận trang trại của ông Trí. Gọi là trang trại nhưng không hề có rào chắn phân định ranh giới với rừng chung quanh.

Vào sâu hơn, trước mắt chúng tôi bày ra 1 hầm khai thác vàng được che chắn lều bạt kín đáo. Hoạt động của những người đang có mặt trong lều bạt khi ấy không dính dáng gì đến chăn nuôi. Khoảng 3-4 người đang hì hục đào hầm, khoét núi và chuyển đất từ bên trong hầm ra ngoài. Tiếp tục tiến bước vào sâu bên trong khu vực núi Cây Cọng, nhiều hầm khai thác vàng khác nằm khuất bên trong rẫy keo hiện ra.

Giữa rừng núi thanh vắng, chúng tôi nghe tiếng động cơ máy nghiền đất vang rõ mồn một. Cánh rừng chằng chịt nhiều đường mòn được những thợ vàng mở phục vụ hoạt động khai thác.

Mang những điều tai nghe, mắt thấy kể trên về trao đổi với ông Nguyễn Văn Rô, Phó phòng TN-MT huyện Hoài Ân, ông cho biết: “Trong 1 tháng gần đây, nạn khai thác vàng tại núi Kim Sơn bỗng nóng hừng hực do người dân rỉ tai nhau chuyện có nhiều bầu khai thác trúng vàng ký tại hố Hóc Khế (xã Ân Nghĩa).

Tại hố Hóc Khế có 5 điểm khai thác tập trung và còn nhiều điểm rải rác khác. Bây giờ không còn khai thác kiểu thủ công như trước đây nữa, mà mỗi điểm khai thác được trang bị 1-2 máy nghiền”.

Về chuyện ông Trí đang khai thác vàng ngay trong trại chăn nuôi của mình, ông Rô cho biết thêm: “Ông Trí đang sở hữu trang trại chăn nuôi có diện tích khoảng 9.000m2 và 4 rẫy trồng rừng SX. Khi nghe dư luận bàn tán chuyện ông Trí đang khai thác vàng ngay trong trang trại, ngày 19/6 vừa qua, UBND huyện Hoài Ân thành lập đoàn công tác liên ngành mở đợt kiểm tra.


Trang trại chăn nuôi của ông Trí trên núi Cây Cọng

Kết quả cho thấy trong diện tích trang trại của ông Trí không có hầm đào đãi vàng nào. Thế nhưng tại những cánh rừng phòng hộ chung quanh, nằm cách ranh giới của trang trại ông Trí khoảng 4-5m thì hầm đào đãi vàng rất nhiều”.

Về vấn đề này, không biết ngành chức năng có cách đo đếm thế nào, nhưng theo mắt thường của chúng tôi, do trang trại của ông Trí không có rào chắn phân định ranh giới với rừng bên ngoài nên rất khó xác định.

Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, bức xúc: “Tại khu rừng ấy, ông Trí có nhận khoán khoanh nuôi, tái sinh 4 ha rừng thuộc Dự án KFW6 do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ. Nghe chuyện, chúng tôi lo rừng dự án bị xâm hại liền đi kiểm tra. Thực tế cho thấy rừng này chưa bị đụng đến nhưng những cánh rừng phòng hộ sản xuất xung quanh đã bị lực lượng đào vàng xới tung”.

Chính quyền địa phương bó tay?

Những đối tượng xin đất trồng rừng hoặc làm trang trại chăn nuôi đang khai thác vàng không chỉ đang sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật, mà còn gây ô nhiễm môi trường và làm bồi lấp nghiêm trọng hồ chứa nước Kim Sơn khiến nông dân địa phương không có nước SX.


Những hầm vàng băm nát vùng núi

Không chỉ vậy, thực tế này còn làm nảy sinh tình trạng tranh chấp đất rừng giữa người dân với nhau. Ví như trường hợp gia đình ông Ngô Văn Long ở thôn Nhơn Sơn (xã Ân Nghĩa) bị một số người ở thôn Kim Sơn chiếm dụng một phần diện tích đất rừng tại khu vực núi Cây Cọng để khai thác vàng.

Sau khi phát hiện vụ việc, gia đình ông Long nhiều lần yêu cầu đối tượng chiếm dụng đất trả lại nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Ông Long cho biết: “Đất rừng của gia đình tui đã được Nhà nước cấp sổ vào năm 1998. Năm 2011, ông Hai Chọn ở thôn Kim Sơn đứng ra nhận bừa là đất của mình rồi cho ông Huỳnh Hạnh ở cùng thôn vào khai thác vàng. Từ đó đến nay, gia đình tui đã nhiều lần đòi lại đất nhưng ông Hạnh không chịu trả”.

Trong buổi làm việc với ông Trương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, chúng tôi phản ảnh tình trạng một số người dân lợi dụng đất trồng rừng, đất trang trại để khai thác vàng đang diễn ra tại địa phương.

“Trước thực tế này, chúng tôi e ngại những cánh rừng phòng hộ và rừng Dự án KFW6 sẽ tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng, chúng tôi đã báo cáo tình hình lên UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo", ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân.

Ông Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa tỏ ra ngạc nhiên: “Chuyện đào đãi vàng trái phép tại khu vực núi Kim Sơn diễn ra đã lâu. Thế nhưng do họ làm lén lút nên chúng tôi ngăn chặn không xuể. Còn tình trạng người dân lợi dụng đất trồng keo, đất trang trại để khai thác vàng thì địa phương chưa nắm được”.

Trong khi đó, người dân địa phương đang rất nhiều bức xúc. Đơn cử vài ý: “Chuyện rành rành ra đó, dân ở đây ai mà không biết, sao chính quyền địa phương lại không hay?”. “Đang mùa nắng thì chưa thấy, mấy anh về đây vào mùa mưa sẽ thấy đất đá, hóa chất từ những khu khai thác vàng trên núi Kim Sơn theo những con suối trút xuống lấp hồ, lấp cả ruộng. Trâu bò uống nước mang đầy hóa chất vào cũng lăn ra chết đừng nói chi người”.

Thậm chí có nhiều người còn bộc bạch: “Biết chuyện đào vàng là bị cấm, nhưng người ta làm được ngon lành mắc mớ gì tụi tui không làm”.

Trước tình hình khai thác vàng bị thả nổi như hiện nay, không biết sẽ còn những hệ lụy gì sau nhiều vụ sập hầm vàng chết người, hồ chứa nước bị bồi lấp và người dân các khu dân cư bên dưới đang phải chung sống với môi trường ô nhiễm nghiêm trọng?

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm