| Hotline: 0983.970.780

Rừng tràm “ai chờ đợi ai”

Thứ Tư 18/06/2014 , 10:05 (GMT+7)

Vùng rừng tràm U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau rộng khoảng 40.000 ha, được mệnh danh là vùng đất xanh của Nam bộ./ Trăn trở trên đất Cà Mau

Trong đó có Vườn Quốc gia U Minh Hạ, một cơ sở nghiên cứu về rừng, và Cty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ) quản lý hơn 25.000 ha rừng sản xuất.

Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ ra đời năm 2008, từ việc hợp nhất 5 công ty lâm nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất. Vùng đất còn lưu nhiều kỳ thú của thời “hái lượm”, vào thời công nghiệp hóa lại nổi tiếng nghèo. Câu ca “anh hùng lỡ vận lên rừng hầm than” vẫn cất lên suốt thời lâm nghiệp bao cấp.

TÍN HIỆU ĐỔI ĐỜI

Ông Nguyễn Văn Vũ ở giữa rừng tràm, địa phận hành chính là ấp 14, xã Nguyễn Phích (U Minh, Cà Mau). Nom ông trẻ hơn tuổi 47, dáng dấp rắn rỏi, lanh lẹ. Ông kể, từ tỉnh Bạc Liêu lên đây năm 1990, “hồi trước sống cực khổ lắm, mấy năm nay đỡ nhiều”.

Ông nhận khoán 7 ha đất với Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ, điều khoản: 30% diện tích được sử dụng cất nhà ở và sản xuất nông nghiệp; còn lại trồng rừng. Phần sản xuất nông nghiệp ông hưởng trọn; phần trồng rừng, nguồn lợi khi thu hoạch, ông hưởng 95%, Cty hưởng 5% cho công tác quản lý, bảo vệ.

Dẫn phóng viên đi thăm đất nhận khoán, ông vui vẻ giới thiệu: diện tích trồng lúa 1,4 ha, năng suất trước đây 3 tấn/ha, nay 4,5 tấn/ha/vụ; năm làm hai vụ được 9 tấn/ha. Còn diện tích trồng tràm thực tế (trừ mương, bờ bao) là 2,9 ha, năm 2013 thu hoạch ông được hưởng 145 triệu đồng.

Nắng cuối chiều trong rừng tràm êm ả, câu chuyện của ông Vũ mỗi lúc một hào hứng, khi tràm đến kỳ thu hoạch, ông được tự do chọn các phương án: tự thu hoạch và bán, hợp đồng với Cty hoặc khoán gọn cho thầu nào đó. Ông chọn khoán gọn, “bỏ túi 145 triệu chẳng phải động tay chân”. Thu hoạch xong, đã trồng tràm chu kỳ mới.

Ông có hai con, con đầu đang học ở Trường Đại học Cần Thơ. Vui chuyện, ông tiết lộ: “Tôi đã mua được 3 ha ruộng ở xã Khánh Lâm, có sổ đỏ đàng hoàng, làm lúa mỗi năm thu hoạch 32 tấn. Bây giờ, tôi ở trong này giữ rừng còn vợ con ở ngoài đó giữ ruộng. Tích lũy vài năm nữa sẽ xây nhà lớn”.

Láng giềng nhận khoán với ông Vũ có ông Lê Minh Quân, diện tích tương tự và tràm mới thu hoạch nhưng năng suất thấp hơn nên chỉ được 127 triệu đồng. Làm theo khả năng hưởng theo hiệu quả, cả khu rừng tràm rộng 5.000 ha ở đây có 530 hộ nhận khoán, tổ chức thành Liên tiểu khu U Minh 1, do ông Nguyễn Trọng Hiếu làm Liên tiểu khu trưởng và ông cho biết, các hộ dân sinh sống ổn định.

16-06-03_2105145
Con đường rợp bóng keo lai ở Liên tiểu khu U Minh 1

Ông Hiếu cũng nhận khoán 7 ha, với các điều khoản như hộ dân. Trên phần đất 30%, ông làm lúa, trồng rau màu và nuôi cá, mỗi năm thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Lương của Liên tiểu khu trưởng một năm 96 triệu đồng nữa (tháng 8 triệu), “đủ lấy ngắn nuôi rừng”.

THÂM CANH RỪNG TRÀM

Rừng tràm kinh doanh bây giờ đã rất khác với rừng tràm cổ xưa. Ông cán bộ kỹ thuật Lê Việt Triều đưa phóng viên đi theo con đường trải nhựa nhờ một dự án tài trợ của Nhật Bản, xuyên qua rừng tràm dài khoảng 20 km.

 Vừa đi ông vừa giới thiệu, trước đây trồng tràm trên đất tự nhiên, gọi là trồng quảng canh, phải hơn 10 năm mới thu hoạch, năng suất cao nhất 75 m3/ha. Nay trồng thâm canh, đất được đào mương rộng 4 m, lên liếp rộng 11 m, hạ phèn và bớt cỏ dại nên 7 năm đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 150 m3/ha.

Ông Triều nhận khoán 10 ha từ năm 1995 và cho biết, tiền lên liếp cùng giống, công trồng mỗi ha hết 16 triệu đồng.

Mấy năm nay còn mở ra trồng keo lai, cho hiệu quả cao hơn nữa. Cây keo lai không chịu được phèn nặng như tràm (đất U Minh là túi phèn), chỉ có thể trồng ở những khu đất cao hoặc bờ bao, 4-6 năm cho thu hoạch, năng suất 250-300 m3/ha. Trồng 4 năm thu hoạch làm bột giấy, còn 6 năm để xẻ ván đóng vật dụng. Tính ra hiệu quả kinh tế của keo lai gấp 4-5 lần tràm

Đất rừng Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ quản lý nằm trên địa bàn 7 xã của 3 huyện. Xã Khánh Thuận (U Minh) có 15 ấp, thì 10 ấp người dân sống trong lâm phần. Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã xây dựng đề án đưa người dân ra khỏi rừng được nhiều cơ quan ủng hộ, nhưng ngân sách không có để thực hiện. Vậy cơ chế chính sách nào có khả năng tạo nguồn lực đưa người dân ra khỏi rừng, tương tự như giải tỏa di dời để tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh ở đâu đó?
Vấn đề phức tạp và càng kéo dài càng phức tạp. Không giải quyết thì “vùng đất xanh của Nam bộ” có nguy cơ biến mất. Nhắc đến, Phó giám đốc Nam thở dài, đang chờ cấp trên. Nhớ câu trong bài vọng cổ Vầng Trăng Sông Trẹm của Phi Hùng: “Từ đây cho đến bao giờ/Vầng trăng sông Trẹm... ai chờ đợi ai”.

Phó Giám đốc Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ, ông Nguyễn Phương Nam, cho biết, trong tổng diện tích hơn 25.000 ha đất, diện tích có rừng hơn 17.000 ha, bên cạnh tràm đã có gần 2.000 ha keo lai.

Nhớ lại hồi mới hợp nhất 5 thành viên “chúa chổm”, ông Nam thoáng buồn, nợ ngân hàng 15 tỷ đồng, nợ lương công nhân 3 tháng, rừng quảng canh nghèo nàn. Đến năm 2011, sản xuất kinh doanh bắt đầu có lãi, nay bình quân lương tháng công nhân 6,3 triệu đồng.

Nhưng quan trọng nhất, 2.651 hộ nhận khoán đã sống được với rừng. Mọi khả năng đang được huy động: giao khoán cho hộ dân (chủ yếu), giao khoán cho cán bộ và công nhân, hợp tác đầu tư.

Đó là những đan xen của quá khứ với hiện tại, hướng đến tương lai. Mỗi phương thức có thế mạnh riêng làm nền tảng giữ màu xanh rừng tràm. Có nền tảng đó rồi, bộ máy quản lý của Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ đã giảm hơn một nửa so với trước đây, tập trung vào thúc đẩy làm ăn lớn, gắn trồng rừng với chế biến và tiêu thụ, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ môi trường.

Kỹ sư nông lâm Trần Quốc Khái, Trưởng phòng Kỹ thuật Quản lý Bảo vệ rừng, cho biết đang tập trung hỗ trợ thâm canh, tăng năng suất rừng. Chú trọng giống mới, nên quanh văn phòng Cty cũng bát ngát vườn ươm.

Trong vườn ươm, cạnh Phó giám đốc Nam là một cô gái rất trẻ. Khách kêu lên: “Ôi, cô đến tuổi lao động chưa?”. Phó giám đốc Nam cười: “Kỹ sư lâm sinh Nguyễn Ngọc Mơ, 23 tuổi rồi đó”.

AI CHỜ ĐỢI AI

Xuyên qua U Minh Hạ có con sông Trẹm chạy dài từ thị xã Rạch Sỏi (Kiên Giang) ở phía Bắc thẳng xuống phía Nam dưới này để nối vào Sông Đốc. Dọc con sông này, ngày xưa đào nhiều kinh ngang song song ra biển được gọi theo thứ tự từ thứ nhứt tới thứ mười. “Mười con sông nhỏ song song/Chảy về một biển mà không giao đầu”. Vùng miệt thứ nổi tiếng chính là vùng này.

16-06-03_2105146
Buôn bán cừ tràm ở Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ

Nước sông chảy lừ đừ qua U Minh trở màu nâu sậm nhưng cuộc sống người dân U Minh Hạ thì không thong dong. Phó giám đốc Nam nói, người dân đến ở rừng hầu hết nghèo. Cán bộ kỹ thuật Lê Việt Triều nói thêm, nhiều cụm dân cư trong rừng chưa có điện - đường - trường - trạm, trẻ con đi học còn phải ngồi đò.

Nhưng nỗi lo lớn hơn không phải ở đó. Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ ra đời mới 5 năm, từ quản lý bao cấp biến người dân dưới tán rừng (và quanh rừng) thành “lâm tặc” từng bắt trói bảo vệ để phá rừng bên dòng sông Trẹm này, đến nay mọi người đã chung lo phát triển rừng, đó là sự chuyển động lớn lao.

Vấn đề bây giờ, hướng đi tới sao cho bền vững? Thâm canh rừng cần vốn lớn, mà Phó giám đốc Nam cho biết: “Tín dụng ngân hàng chỉ cho vay nếu có bảo hiểm, nhưng bảo hiểm trồng rừng lại chưa có vì rủi ro cao”. Các hộ dân nhận khoán đất rừng lại chỉ được cấp sổ xanh, không thể thế chấp vay vốn.

Các hộ dân hợp đồng nhận khoán đất rừng, thời hạn trước đây 20 năm, sắp hết hạn và Cty Lâm nghiệp U Minh Hạ đang kiến nghị ký lại với thời hạn có thể đến 49 năm. Hàng nghìn hộ dân sống dưới tán rừng sẽ sinh sôi cha truyền con nối thì rừng còn không?

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất